01/06/2018 - 20:54

Cơ hội kết nối ứng phó với biến đổi khí hậu 

Vào ngày 19 và 20-6 sắp tới, tại TP Cần Thơ sẽ diễn ra Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững do Bộ Ngoại giao phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức. Trước những thách thức và hậu quả nghiêm trọng của BĐKH đã và đang tác động đến TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung, đây sẽ là cơ hội tham khảo thực tiễn và bài học kinh nghiệm thích ứng với BĐKH tại các quốc gia phát triển ở châu Á và châu Âu.

Kết nối ứng phó với thách thức toàn cầu

Theo bà Nguyễn Phương Anh, Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, tại hội nghị các Bộ trưởng ASEM lần thứ 13 (Myanmar) tháng 11-2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đưa ra sáng kiến tổ chức Hội nghị ASEM cùng hành động ứng phó với BĐKH nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững và hiện tại đã có các thành viên tham gia đồng bảo trợ gồm: Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Italy, Myanmar, Phần Lan, Australia và Việt Nam. Dự kiến, đây là hội nghị tầm liên khu vực Á-Âu và sẽ là hoạt động quan trọng nhất của Việt Nam đăng cai trong khuôn khổ ASEM 2018 và cũng là sáng kiến đầu tiên của ASEM trong lĩnh vực này.

BĐKH và nước biển dâng là một trong những nguyên nhân gây tình trạng ngập nước ở Cần Thơ.

Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hành động nhằm triển khai thỏa thuận Paris vào Chương trình Nghị sự 20, Nghị sự 30 về BĐKH. Bà Nguyễn Phương Anh nhấn mạnh: Mục đích của hội nghị nhằm trao đổi kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ của các thành viên ASEM góp phần triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Hội nghị cũng tranh thủ sự ủng hộ của ASEM để góp phần đảm bảo các lợi ích được quan tâm về phát triển bền vững. Đồng thời, tiếp tục phát huy vị thế của nước ta trong ASEM, tích cực đóng góp vào quan tâm chung của ASEM và nỗ lực quốc tế về ứng phó với BĐKH; chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 (Brussels, từ ngày 18 đến 19-10-2018), kết quả Hội nghị này sẽ được báo cáo tại Hội nghị Cấp cao...

Hội nghị ASEM gồm 4 phiên họp toàn thể, trong đó: Phiên thứ nhất: Phát triển trong bối cảnh BĐKH – Gắn kết giữa hành động ứng phó BĐKH với các mục tiêu phát triển bền vững trao đổi các nội dung: thực trạng triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về BĐKH; các giải pháp ứng phó BĐKH – cơ hội cho phát triển bền vững; chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp; tài trợ cho phát triển và ứng phó BĐKH; ứng phó BĐKH trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0… Phiên thứ hai: Xây dựng năng lực thích ứng BĐKH: Thực tiễn và bài học kinh nghiệm tại châu Á và châu Âu, gồm: chia sẻ kinh nghiệm trong đánh giá rủi ro và phòng chống thiên tai, quản lý bền vững nguồn nước, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, nông nghiệp thích ứng với BĐKH, mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, thúc đẩy tăng trưởng xanh… Phiên thứ ba: Hành động ứng phó BĐKH: Vai trò và sự tham gia của các bên liên quan: các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, địa phương, các quỹ tài chính, các tổ chức chính trị – xã hội, phụ nữ, thanh niên, các tổ chức khu vực, quốc tế… Phiên thứ tư: Định hướng tương lai: Thúc đẩy quan hệ đối tác khí hậu Á – Âu vì phát triển bền vững (đề xuất tăng cường hợp tác thích ứng BĐKH: chiến lược chung, xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ, lập mạng lưới, hệ thống đánh giá chung; nâng tầm đóng góp cho nỗ lực toàn cầu…). Ngoài ra, còn hoạt động triển lãm bên lề về ứng phó BĐKH và tham quan thực tế tại địa phương…

Cơ hội

Những năm gần đây, BĐKH ngày một khó lường, TP Cần Thơ chịu nhiều tác động, biểu hiện ngày càng rõ ở mức tăng nhiệt độ không khí, lượng mưa, mức độ ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, giông lốc... Trước đây, TP Cần Thơ hầu như không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn do cách biển hơn 65km. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, xâm nhập mặn đã bắt đầu ảnh hưởng đến nguồn nước sông của thành phố. Tình hình xâm nhập mặn tại TP Cần Thơ qua các năm tại các trạm đo có giá trị tăng từ tháng 2 đến tháng 6 và giảm dần từ tháng 9 đến tháng 12. Do sự thay đổi chế độ thủy văn, hiện tượng sạt lở bờ sông nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn thành phố ảnh hưởng chất lượng công trình giao thông thủy bộ, tài sản và sinh mạng người dân. Các bờ sông có hiện tượng sạt lở là sông Hậu, Cái Răng, Rạch Trà Nóc, Ô Môn, Thốt Nốt... Không chỉ vậy, giông lốc cũng xảy ra với mật độ dày hơn. Không chỉ riêng Cần Thơ, các tỉnh khu vực ĐBSCL cũng đối diện những thách thức trên, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.

Vì vậy, việc phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị ASEM cùng hành động ứng phó với BĐKH nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững, Cần Thơ thể hiện sự chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Đảm bảo Hội nghị ASEM diễn ra thành công tốt đẹp, đạt được kỳ vọng đề ra, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống ban hành Kế hoạch phối hợp tổ chức Hội nghị giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị liên quan thực hiện. Chủ tịch Võ Thành Thống yêu cầu: Hội nghị được tổ chức chu đáo, trang trọng, đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả, tạo ấn tượng tốt về TP Cần Thơ. Nội dung có trọng tâm và phù hợp với nhu cầu thực tế của các địa phương. Hội nghị là dịp trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các thành viên ASEM, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH và bảo đảm các lợi ích, sự quan tâm về phát triển bền vững. Đây là cơ hội giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hóa TP Cần Thơ đến bạn bè quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Những năm qua, TP Cần Thơ đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH, trong đó nhiều dự án, công trình được triển khai thực hiện từ công tác phối hợp, tài trợ của các tổ chức quốc tế. Qua đó, góp phần hạn chế tác hại và thích ứng dần với BĐKH. Hội nghị ASEM lần này với các nội dung trọng tâm xoay quanh về BĐKH – đây là mối quan tâm lớn của TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Hội nghị sẽ là cơ hội tốt để ngành tài nguyên và môi trường thành phố học hỏi kinh nghiệm ứng phó với BĐKH, chẳng hạn: các mô hình thích ứng với BĐKH; phát triển năng lượng tái tạo, quản lý bền vững nguồn nước, huy động các bên cùng tham gia ứng phó với BĐKH...

Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển (từ năm 1996), ASEM đã trở thành cơ chế đối thoại quan trọng, hợp tác lớn nhất giữa hai châu lục Á - Âu, hội tụ 53 thành viên. Trong đó có 4 thành viên là thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và 12 thành viên thuộc G20, đại diện gần 68% dân số thế giới, đóng góp khoảng 55% GDP và gần 60% thương mại toàn cầu.

Việt Nam đã đề xuất 23 sáng kiến và đồng tác giả 27 sáng kiến trong các lĩnh vực thiết thực, phù hợp với quan tâm của doanh nghiệp và người dân, như: văn hóa, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, BĐKH, khoa học-công nghệ, du lịch, kinh tế, tăng trưởng xanh, an sinh xã hội… Việt Nam là một trong những nước đi đầu khởi xướng và thúc đẩy cơ chế hợp tác định kỳ về ứng phó thiên tai và “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững” về quản lý nguồn nước, nâng hợp tác tiểu vùng Mê Công lên tầm liên khu vực, thúc đẩy các dự án hợp tác địa phương đầu tiên trong ASEM giữa Bến Tre với 
Tulcea (Romani), Cần Thơ và Ruse (Bulgaria).

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết