29/08/2010 - 08:52

Cơ hội để giáo dục mầm non phát triển !

Các cháu ở các nhóm trẻ tư thục thường thiếu nhiều điều kiện học tập so với các cháu ở các trường mầm non đạt chuẩn.
Trong ảnh: Giờ học tiếng Anh ở một nhóm trẻ tư thục trên địa bàn TP Cần Thơ.

Thời gian qua, giáo dục mầm non (GDMN) là bậc học ít được quan tâm đầu tư thỏa đáng. Vì vậy, GDMN ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đều nằm trong tình cảnh khó khăn: thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên. Trước thực trạng đó, trung tuần tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã triển khai “Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015”. Đề án này sẽ tạo cơ hội cho trẻ mầm non được học tập đầy đủ, từ đó làm nền tảng giáo dục toàn diện ở các bậc học cao hơn...

* Khó khăn ở GDMN

Tuy những năm gần đây quan điểm về phát triển GDMN đã được xác định rõ nhưng hầu hết các tỉnh, thành đều chưa bố trí được nguồn vốn riêng để thực hiện, dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở vật chất cho bậc học này. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nhiều nơi, trẻ em 5 tuổi không được đến lớp hoặc chỉ được học 1 buổi với chương trình rút gọn (chương trình 36 buổi) nên các em không được chăm sóc, nuôi dạy một cách chu đáo. Năm học 2009-2010, vẫn còn khoảng 15% số xã chỉ có 1-2 lớp mẫu giáo gắn với trường tiểu học hoặc lớp mẫu giáo độc lập đặt tại trung tâm xã. Nhiều thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa chưa có phòng học để mở lớp mẫu giáo. Thiếu phòng học, thiếu cả trường học là thực trạng chung ở hầu hết các tỉnh, thành từ vùng sâu, xa đến thành phố trực thuộc Trung ương. Chẳng hạn, tại TP Cần Thơ hiện còn 13 xã, phường chưa có trường mầm non, mẫu giáo; 14 xã, phường tuy có trường học nhưng chưa có cơ sở vật chất riêng. Toàn thành phố còn 3 huyện Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh chưa có trường mầm non trọng điểm. Với số trẻ hiện tại, theo điều lệ trường mầm non thì TP Cần Thơ còn thiếu 585 phòng học. Nếu chỉ tính riêng phòng học dành cho mẫu giáo 5 tuổi, TP Cần Thơ còn thiếu 172 phòng. Ở các tỉnh khác, tình trạng cũng không khả quan hơn. Bà Sơn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Toàn tỉnh vận động được 89% trẻ 5 tuổi ra lớp, nhưng chỉ có 8% trẻ được học 2 buổi/ ngày vì thiếu phòng học. Toàn tỉnh còn đến 12 xã chưa có trường mầm non, mẫu giáo”.

Năm học 2009-2010, Bộ GD&ĐT thống kê cả nước có 183.433 giáo viên mầm non, trong đó, có 15.461 giáo viên chưa đạt chuẩn. Cả nước còn thiếu 24.960 giáo viên mầm non ở các vùng sâu, vùng xa. Tuy gần đây, tỷ lệ giáo viên đạt và vượt chuẩn đã tăng lên khá nhiều, nhưng phần lớn giáo viên được đào tạo chắp vá qua nhiều thế hệ, nhiều loại hình đào tạo nên năng lực thực tế chưa tương thích với trình độ đào tạo. Bên cạnh việc thiếu cán bộ, giáo viên, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cũng chậm được đổi mới. Các trường sư phạm đào tạo giáo viên mầm non đang phải đứng trước mâu thuẫn giữa yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo với năng lực còn hạn chế. Mặt khác, chế độ chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý GDMN còn nhiều bất hợp lý, chưa tạo được động lực để giáo viên tự rèn luyện về phẩm chất, nâng cao năng lực chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở GDMN.

Theo Bộ GD&ĐT, chính những khó khăn, hạn chế nói trên đã làm chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non ở các vùng nông thôn và vùng khó khăn còn thấp. Cả nước còn 22,8% số trẻ mẫu giáo 5 tuổi thuộc 29 tỉnh thực hiện chương trình 26 tuần và chương trình 36 buổi, không có điều kiện thực hiện đầy đủ chương trình chăm sóc, giáo dục mẫu giáo 3-5 tuổi, làm cho chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em 5 tuổi đại trà còn thấp. Khó khăn về trường lớp, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên đã tạo ra sự phân cực lớn về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ giữa vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn với thành thị và những nơi thuận lợi về kinh tế- xã hội... Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện “Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015” là một cơ hội để bậc học này phát triển...

* Vượt khó để thực hiện tốt đề án

“Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015” được ban hành theo Quyết định số 239/ QĐ-TTg ngày 9-2-2010 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu củng cố, mở rộng mạng lưới trường lớp, đảm bảo đến năm 2015, có 95% số trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ ngày theo chương trình GDMN mới; nâng cao chất và lượng chăm sóc giáo dục đối với trẻ 5 tuổi. Song song đó, thực hiện đề án sẽ đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, đồng thời ưu tiên cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các lớp mầm non 5 tuổi ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Phấn đấu đến năm 2015, 100% tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Đây là một đề án lớn với kinh phí thực hiện là 14.660 tỉ đồng, bao gồm 4 dự án: Xây dựng phòng học theo quy định của điều lệ trường mầm non; Mua sắm trang thiết bị, đồ chơi; Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và hỗ trợ trẻ em nghèo; Xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cho 86 huyện khó khăn.

Trên cơ sở của đề án, các tỉnh, thành dù còn rất nhiều khó khăn nhưng đều quyết tâm thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015. Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TP Hà Nội, trước mắt thành phố sẽ chuyển 500 trường mầm non bán công sang công lập để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ mầm non đến trường. Tương tự, từ đây đến cuối năm 2010, lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Nam Định cho biết cũng sẽ chuyển 237 trường mầm non bán công sang công lập. Còn tại TP Cần Thơ, UBND thành phố cũng đã phê duyệt “Đề án phát triển GDMN TP Cần Thơ giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020” với những lộ trình cụ thể, như: giai đoạn 2010-2012 xây dựng 300 phòng học, đào tạo bổ sung 700 giáo viên nhằm đảm bảo 75% trẻ được học 2 buổi/ ngày; đến năm 2015 sẽ huy động trên 95% trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ ngày và xây dựng mới 20 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia... Theo ông Trần Trọng Khiếm, Quyền Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, ngành giáo dục thành phố đã hoàn thành các bước chuẩn bị để khởi động dự án trong thời gian sớm nhất.

Nói về đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 của tỉnh Sóc Trăng, ông Lê Văn Cần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Mặc dù những năm qua, tỉnh cũng rất quan tâm đến bậc học mầm non, nhưng do điều kiện cơ sở vật chất của hầu hết các cấp học đều khó khăn nên bậc học này còn thiệt thòi so với các bậc học khác. Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 sẽ tạo điều kiện để tỉnh nhà tập trung đầu tư cho bậc học này làm nền tảng để các cháu học tốt hơn ở các bậc học sau”. Còn tại TP Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho rằng việc thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 tại địa phương sẽ tạo điều kiện để thành phố xây dựng hệ thống GDMN bền vững đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường.

Có thể nói, việc Chính phủ thực hiện một đề án riêng cho bậc học mầm non đã tạo điều kiện cho các tỉnh, thành tập trung đầu tư phát triển cho giáo dục ở bậc học này. Vì vậy, tất cả các tỉnh, thành trong cả nước đều quyết tâm tạo chuyển biến, vượt khó để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 thành công.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết