04/05/2008 - 10:09

Cô giáo tận tâm, các em không bỏ học

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm hóa sinh loại khá, cô tự nguyện xin về công tác ở vùng xa xôi nhất của huyện Châu Phú (An Giang) - Trường THCS Đào Hữu Cảnh. Ngoài kinh nghiệm tích lũy và học hỏi đồng nghiệp, cô còn sáng kiến ra phương pháp thu hút học sinh đến trường đông đủ. Với sáng kiến đó, cô là người đầu tiên được Chủ tịch UBND huyện Châu Phú khen thưởng 1 tháng lương với thành tích xuất sắc trong công tác duy trì sĩ số lớp (năm học 2007 – 2008). Đó là cô Nguyễn Thị Kim Loan, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A1 Trường THCS Đào Hữu Cảnh.

Sinh ra và lớn lên ở xã vùng sâu Bình Phú, huyện Châu Phú nên cô Loan thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn của học sinh miền quê này. Lớp cô chủ nhiệm có 39 học sinh, trong đó, chỉ có 10 em đạt loại khá, còn lại là học lực trung bình, yếu; có hơn phân nửa học sinh trong lớp là con em hộ nghèo; nhà cách trường từ 7 đến 11 km, nhiều em đi học hết sức vất vả; nhiều phụ huynh khoán trắng việc học của con em mình cho giáo viên. Việc đầu tiên của những ngày đầu nhận lớp là cô tìm cách theo dõi, tìm hiểu sức học của từng học sinh.

Khi nhận lớp, cô Loan phân loại học sinh và chú ý đến môi trường, gia đình và xã hội. Cô tiến hành việc lấy phiếu lý lịch của học sinh, để các em tự kê khai: họ và tên, địa chỉ nhà, số điện thoại, hoàn cảnh gia đình; nghề nghiệp của cha, mẹ, tự nhận xét về bản thân ưu, khuyết điểm. Sau khi nắm được số học sinh học lực trung bình, yếu; biết được năng khiếu và hiểu được hoàn cảnh từng em một, cô nhờ giáo viên bộ môn kịp thời giúp đỡ số học sinh này. Cô còn hướng dẫn cho học sinh xây dựng đôi bạn học tập; phân công học sinh khá ngồi cạnh để kèm học sinh yếu hơn. Cô đã gặp và trao đổi với giáo viên bộ môn tìm phương pháp giảng dạy đặc trưng để các học sinh trung bình, yếu có điều kiện theo kịp các em khá, giỏi. Ngoài ra, cô còn phối hợp với tổng phụ trách đội hỗ trợ cho các em trong các phong trào văn thể mỹ để các em vui chơi, giải trí lành mạnh. Đây cũng là điều kiện tốt để các em gắn bó với trường, với lớp.

Nhưng đó chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ. Ngoài giờ giảng dạy ở lớp, những khi rảnh rỗi cô Loan còn trò chuyện với những học sinh cá biệt, nhằm tạo bầu không khí vui vẻ để thu hút các em đến lớp. Cô luôn mong muốn: “Phải làm sao để học sinh mến giáo viên, các em sẽ không bỏ học giữa chừng”. Và cô đã làm được điều này. Các học sinh đã xem cô như chỗ dựa tinh thần, tâm sự với cô những khi gặp khó khăn.

 Cô Nguyễn Thị Kim Loan. 
Trong lớp cô chủ nhiệm có em Nguyễn Văn Lúa, vào học được 2 tuần thì xin cô nghỉ học luôn. Qua tìm hiểu, cô biết mẹ Lúa đã bỏ nhà đi gần 1 năm, cha em bị mù trong lúc sửa bóng đèn bị điện giật, ngất đi một lúc rồi tỉnh lại, nên Lúa phải ở nhà chăm sóc cha và đứa em học tiểu học. Hiểu được hoàn cảnh thương tâm của học trò mình, cô Loan đã tìm cách động viên Lúa để em không phải rời xa lớp.

Một trong những biện pháp hiệu quả nhất để giúp lớp duy trì sĩ số đạt 100% là cô đã kịp thời trấn an những học sinh có nguy cơ bỏ học để các em không bị xao lãng việc học, vận động phụ huynh quan tâm đến việc học tập của con em mình. Như trường hợp em Lê Thị Loan, gia đình rất khó khăn ngay từ đầu năm học, em không muốn tiếp tục học; trong khi em Ph.H.Th. hoàn cảnh kinh tế ổn định nhưng cha mẹ không quan tâm. Với phương châm “mưa dầm thấm đất”, cô Loan đến gia đình thường xuyên động viên và các em đã tiếp tục đến trường.

Để việc vận động học sinh đến trường đạt hiệu quả lâu dài, cô Loan duy trì việc tìm cách động viên, khen thưởng các em học sinh yếu, trung bình dù là các em có sự tiến bộ rất nhỏ. Mỗi tuần, cô đều có một phần quà dành cho học sinh xuất sắc nhất, tiến bộ nhất. Đó là nguồn động viên khích lệ giúp các em học say mê hơn. Từ chỗ thân thiện, gắn bó với học sinh, cô Loan đã xây dựng được một đội ngũ “tình báo” thật đắc lực. Khi bạn mình có ý định bỏ học hoặc gia đình các em đi làm ăn xa, nguồn tin này lập tức được cô nắm bắt ngay và kịp thời đến trao đổi với phụ huynh để sắp xếp cho các em được tiếp tục đến trường. Với nhiều lý do khác nhau nhưng cô Loan quyết tâm không để các em bỏ học. Cô luôn nghĩ: “Nếu như mình làm chưa hết trách nhiệm, sau này học sinh mình chẳng may rơi vào tệ nạn xã hội, nghèo khó... với vai trò của một giáo viên, tôi thật không cam lòng”.

Nhận xét về cô giáo Nguyễn Thị Kim Loan, thầy Lê Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đào Hữu Cảnh, cho biết: “Mặc dù nhà cô Loan cách xa trường hơn 7 km, đường sá đi lại khó khăn, nhưng với lòng nhiệt huyết, gắn bó với nghề nghiệp, cô luôn đến lớp đúng giờ và hoàn thành xuất sắc các công việc của trường”.

Không chỉ quan tâm đến việc học của học sinh, cô giáo trẻ Kim Loan còn hướng dẫn 12 em học sinh thật sự có hoàn cảnh khó khăn làm đơn xin miễn, giảm học phí và phát động phong trào tương thân tương ái giúp bạn (sẵn sàng cho bạn quá giang đến trường hoặc giúp đỡ áo, quần...). Ngoài ra, cô còn cho điển hình những tấm gương vượt khó đến trường của bạn học trong lớp, để giúp học sinh của mình có niềm tin vươn lên trong học tập.

Bài, ảnh: PHỤNG TIÊN

Chia sẻ bài viết