08/08/2017 - 20:40

Cô đơn nguy hiểm chết người hơn cả béo phì 

Trong một phát hiện đáng báo động, các nhà khoa học Mỹ cảnh báo sự cô đơn hoặc cách biệt về mặt xã hội nguy hại cho sức khỏe hơn cả tình trạng béo phì. Theo đó, cô đơn dễ khiến người ta chết sớm hơn béo phì và cần được xem như mối nguy chính đối với sức khỏe cộng đồng.

    Người lớn tuổi dễ cảm thấy cô đơn do ít gặp người thân, bạn bè. Ảnh: Telegraph

Trong nghiên cứu công bố tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA), nhóm chuyên gia do Giáo sư tâm lý học Julianne Holt-Lunstad dẫn đầu tại Đại học Brigham Young đã điều nghiên 218 nghiên cứu tập trung vào những ảnh hưởng sức khỏe của sự cô đơn và tình trạng cô lập xã hội trên gần 4 triệu người.

Họ phát hiện so với những người có mối gắn kết tốt đẹp với xã hội, những người cô đơn có nguy cơ chết sớm cao hơn 50%. Trong khi đó, yếu tố béo phì chỉ làm tăng khoảng 30% nguy cơ tử vong trước tuổi 70.

Nguyên nhân cô đơn có thể gây tử vong sớm là vì nó tác động đến sức khỏe chúng ta ngày qua ngày. Một nghiên cứu do Đại học King (Anh) công bố hồi tháng 5 cho thấy trạng thái cô đơn ở người trẻ có liên quan đến chất lượng giấc ngủ kém – tình trạng có thể dẫn tới nhiều hệ lụy sức khỏe về sau nếu cứ kéo dài.

Ví dụ, ngủ kém làm tăng nồng độ hoóc-môn gây stress cortisol, khiến người ta giảm khả năng ứng phó với căng thẳng tinh thần. Nghiên cứu gần đây của Đại học York (Canada) còn cho thấy người cô đơn có gần 30% nguy cơ bị đột quỵ hoặc đau tim – hai trong số những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Tương tự, các nhà nghiên cứu ở Đại học Harvard (Mỹ) phát hiện việc không có bạn bè khiến người ta dễ bị stress, từ đó làm tăng nồng độ fibrinogen – loại prôtêin làm tăng huyết áp và hình thành cục máu đông, dẫn tới đột quỵ hoặc đau tim. Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng người sống cô độc thường không nhận được sự quan tâm hoặc động viên chữa bệnh mỗi khi sức khỏe có vấn đề.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Holt-Lunstad còn phát hiện số người nếm trải cảm giác cô đơn thường xuyên cũng đang ngày một tăng. Theo khảo sát của Campaign To End Loneliness – một sáng kiến của Anh nhằm nâng cao nhận thức về sự cô đơn và cách biệt xã hội ở người già, khoảng 17% người già gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc hàng xóm chưa tới 1 lần/tuần và 10% gặp người thân chỉ 1 lần mỗi tháng.

Đáng chú ý, có đến 20% dân số lớn tuổi xem tivi là “bạn đồng hành” chính trong cuộc sống của họ. Tuy sự cô đơn thường được nhìn nhận là vấn đề của người lớn tuổi, nhưng nghiên cứu gần đây của Quỹ Sức khỏe Tinh thần Anh (MHF) cho thấy đối tượng thanh niên (từ 18 đến 34 tuổi) cũng dễ cảm thấy cô đơn hơn những người trên 55 tuổi.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có 20-80% thanh thiếu niên được thăm hỏi cho biết họ thường xuyên cảm thấy cô đơn, trong khi tỷ lệ này ở nhóm dân số già là từ 40-50%.

Từ những phát hiện trên, nhóm nghiên cứu đề nghị cơ quan hữu quan nên chú trọng nhiều hơn vào các hoạt động huấn luyện kỹ năng xã hội cho học sinh, còn các bác sĩ thì được khuyến nghị nên xem xét thêm yêu tố gắn kết xã hội của bệnh nhân trong các cuộc kiểm tra sức khỏe.

Ngoài ra, giới chức cũng nên xây dựng các không gian xã hội thích hợp nhằm khuyến khích mọi người quây quần và tương tác lẫn nhau, chẳng hạn như các trung tâm giải trí và sân chơi cộng đồng.

Tiến sĩ Holt-Lunstad nhấn mạnh,  duy trì kết nối xã hội được nhìn nhận như một nhu cầu căn bản của con người, rất quan trọng đối với tình trạng sức khỏe (thể chất và tinh thần) cũng như khả năng sinh tồn. Theo bà, để an hưởng tuổi già khỏe mạnh, mọi người nên chuẩn bị tốt cho việc nghỉ hưu cả về mặt xã hội lẫn tài chính.

Bí quyết đẩy lùi sự cô đơn

* Ngoài việc trò chuyện về công việc hoặc gia đình, hãy chia sẻ những cảm xúc thật của bản thân khi gặp gỡ bạn bè thân thiết. Bởi việc thành thật về cuộc sống của mình sẽ khiến người khác thấy gần gũi hơn.

* Lên kế hoạch tốt cho những sự kiện sắp diễn ra (như một kỳ nghỉ hoặc tiệc sinh nhật) để không cảm thấy cô đơn vào những thời điểm dễ thấy đơn độc nhất.

* Chủ động mời một người bạn mới đi chơi, xem phim hoặc dùng bữa.

* Nếu cảm thấy cô đơn tại công sở, hãy tranh thủ giờ nghỉ trưa để làm điều mình thích, như nghe nhạc hoặc học một ngôn ngữ mới.

* Bước ra khỏi “vòng an toàn” của bản thân bằng việc cho phép mình tham gia những sự kiện mà bạn chưa từng làm trước đó.

* Chủ động liên lạc với người khác bằng điện thoại hoặc email. Việc họ không liên lạc với bạn không đồng nghĩa họ quên bạn, mà rất có thể họ đang bận việc gì đó.

AN NHIÊN (Theo Telegraph, Babwnews.com)

 

Chia sẻ bài viết