18/03/2018 - 15:55

Cờ Đỏ sản xuất lúa gắn với hợp đồng bao tiêu 

Vững tin với kết quả hợp tác tốt đẹp những năm qua, vụ lúa đông xuân 2017-2018 nhiều hộ dân tại huyện Cờ Đỏ tiếp tục gắn kết với doanh nghiệp để duy trì và phát triển các cánh đồng lớn (CĐL). Đến nay, lúa đông xuân tại nhiều mô hình CĐL có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp tại huyện đã thu hoạch và được doanh nghiệp đến thu mua kịp thời. Điều này càng khẳng định đây là một hình thức hợp tác hiệu quả, đôi bên cùng có lợi.

Ông Võ Văn Rô, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp An Phú ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ cho biết, các xã viên HTX nông nghiệp An Phú liên kết với doanh nghiệp thực hiện mô hình CĐL sản xuất lúa thơm hàng hóa chất lượng cao Jasmine 85. Chúng tôi được doanh nghiệp cung ứng lúa giống, cùng nhiều loại vật tư đầu vào và bao tiêu lúa tươi ngay đầu vụ với giá cố định 5.400 đồng/kg. Tuy nhiên, khi thu hoạch lúa, qua trao đổi giữa 2 bên, doanh nghiệp đã nâng giá thu mua thực tế lên 5.600 đồng/kg vì giá lúa trên thị trường thời điểm thu hoạch tăng cao hơn so giá bao tiêu. Vụ này, nhìn chung lúa của bà con khá trúng mùa, năng suất đạt trên 1 tấn/công, nông dân thu lời khá cao so cùng kỳ.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại ruộng lúa của ông Nguyễn Thanh Hải, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ. Ảnh: KHÁNH TRUNG
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại ruộng lúa của ông Nguyễn Thanh Hải, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Ruộng lúa đông xuân khoảng 2,2 héc-ta của gia đình ông Lê Văn Lợi ngụ ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp đang trong giai đoạn chắc hạt đến chín, dự kiến cỡ cuối tháng 3 mới thu hoạch. Song, hiện ông Lợi có thể vững tin bán được lúa với giá cao nhờ tham gia CĐL và được doanh nghiệp đặt hàng bao lúa theo mức giá sàn 5.500 đồng/kg. Đây là hình thức bao tiêu giúp nông dân rất an tâm về đầu ra bởi nếu giá thị trường lúc thu hoạch lúa tăng doanh nghiệp sẽ thương lượng với nông dân để điều chỉnh tăng lên, còn giá giảm doanh nghiệp vẫn mua ở mức tối thiểu theo giá sàn. Ông Lợi cho biết: “Đã tham gia mô hình CĐL hơn 3 năm nay, được bao tiêu đầu ra, tôi còn được doanh nghiệp cung cấp lúa giống và vật tư đầu vào với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý, đến cuối vụ mới thanh toán tiền. Tôi xác định tiếp tục tham gia mô hình CĐL gắn với doanh nghiệp bao tiêu để cả đôi bên cùng có lợi bền vững lâu dài. Nông dân không phải lo đầu ra, doanh nghiệp lại có được vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao để phục vụ tốt cho các phân khúc thị trường cấp cao”.

  Năm 2018, huyện Cờ Đỏ sẽ gieo sạ lúa đạt tổng diện tích 64.715ha, với tổng sản lượng ước đạt 402.712,5 tấn, trong đó cơ cấu giống lúa chủ yếu là lúa chất lượng cao, lúa thơm các loại như: Jamine 85, VD 20, OM 4218, OM 5451... để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp bao tiêu. Huyện đặt mục tiêu diện tích lúa của nông dân tham gia các CĐL và CĐM trong 3 vụ lúa của năm  là 31.458 ha, với khoảng 8.218 hộ dân tham gia.

Thời điểm này, nông dân tại nhiều xã, huyện Cờ Đỏ bước vào thu hoạch lúa đông xuân 2017-2018. Nhìn chung, nông dân đang tiến hành thu hoạch và tiêu thụ lúa một cách dễ dàng do thời tiết có nhiều thuận lợi và nông dân đã chủ động tiêu thoát nước cho ruộng lúa ngay từ giai đoạn chuẩn bị thu hoạch để đồng ruộng khô ráo, thuận lợi thu hoạch bằng máy móc cơ giới. Đặc biệt, vụ này hầu hết các diện tích lúa trên địa bàn huyện đã có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp  ngay từ đầu vụ hoặc được các đơn vị thu mua và tiểu thương đặt cọc tiền đặt hàng mua lúa từ khá sớm nên đến lúc thu hoạch nông dân không phải lo đầu ra.

Ông Nguyễn Thanh Hải ngụ ấp Đông Lợi, cho biết: “Ruộng lúa đông xuân rộng hơn 2 héc-ta của Hải đã có thương lái đến đặt tiền cọc 500.000 đồng/công ngay khi lúa mới tổ và thương lái đã đến cân lúa tươi tại ruộng ngay sau thu hoạch.Với năng suất lúa đạt khoảng 1,2 tấn/công tầm lớn 1.300m2, vụ này tôi ước đạt lợi nhuận hơn 3 triệu đồng/công lúa”. Cũng theo ông Hải, trong xu thế doanh nghiệp tăng cường liên kết sản xuất và bao tiêu lúa cho nông dân, nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp và thương lái muốn tồn tại cũng đã tìm cách liên kết với nông dân và đặt hàng mua lúa từ khá sớm, với mức tiền đặt cọc mua lúa đã tăng gấp 3-4 lần so với các năm trước.

Vụ đông xuân 2017-2018, nông dân huyện Cờ Đỏ đã xuống giống gieo trồng được 23.426ha lúa đông xuân 2017-2018, đạt 100,87% so với kế hoạch. Trong đó, có 11.416 ha của nông dân tham gia các  CĐL và cánh đồng mẫu (CĐM), đạt  35,7% so với kế hoạch cả năm  2018. Có 12 doanh nghiệp đã tham gia bao tiêu lúa cho nông dân tại các mô hình CĐL và CĐM. Cơ cấu giống vụ đông xuân chủ yếu là lúa Jasmine 85 chiếm tỷ lệ 81,68%, OM 5451 chiếm tỷ lệ 4,04%, RVT chiếm tỷ lệ 4,37%, Đài Thơm 8 chiếm tỷ lệ 4,23% và IR 50404 chiếm tỷ lệ  0,9%, còn lại các giống khác chiếm tỷ lệ 4,78% (như OM 4218, Nàng Hoa 9, VD 20...). Theo bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, các trà lúa đông xuân tại huyện đang trong giai đoạn chắc xanh, chín và thu hoạch. Đến ngày 12-3, đã có 16.521 ha lúa được thu hoạch, trong đó có 7.876,2 ha tại các mô hình CĐL và CĐM đã được thu hoạch. Dự kiến đến cuối tháng 3-2018, nông dân tại huyện cơ bản thu hoạch dứt điểm các diện tích lúa đông xuân.

Hiện ngành nông nghiệp huyện Cờ Đỏ đang phối hợp với các ban ngành huyện và chính quyền các địa phương theo dõi sát tình hình sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ lúa tại huyện để kịp thời hỗ trợ các bên liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tiếp tục quan tâm khuyến khích, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp củng cố, phát triển các mô hình CĐL và CĐM gắn với hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp. Chú ý nghiên cứu, hỗ trợ hộ nông dân xây dựng các hợp đồng bao tiêu phù hợp và có tính ràng buộc cao nhằm tránh các trường hợp đơn phương phá vỡ hợp đồng giữa các bên liên quan. 

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết