22/02/2018 - 17:11

Giáo sư Phạm Văn Lình, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y dược Cần Thơ:

Cơ chế tự chủ sẽ cho phép các trường đại học chủ động, sáng tạo, mềm dẽo, linh hoạt trong các hoạt động 

Theo Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2018, dự án Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (ĐH) dự kiến sẽ trình Quốc Hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Mở rộng phạm vi nhằm nâng cao hiệu quả tự chủ ĐH là một trong bốn nội dung lớn trong lần sửa đổi, bổ sung luật lần này. Xoay quanh vấn đề tự chủ ĐH, phóng viên Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với Giáo sư Tiến sĩ Phạm Văn Lình, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Dược Cần Thơ (ĐHYD CT)- 1 trong 23 trường ĐH đang thực hiện thí điểm đổi mới, tăng tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP.

* Nhận xét chung về tự chủ ĐH, có ý kiến cho rằng, tự chủ ĐH đã được thừa nhận từ lâu nhưng chưa có sự chuyển biến đáng kể, một phần là do những vướng mắc từ cơ chế, phần quan trọng là do các trường chưa đủ năng lực và sự sẵn sàng. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này như thế nào, thưa Giáo sư?

- Từ năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/ NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 – 2017. Đến nay đã có 23 trường ĐH công lập được giao thực hiện tự chủ. Các trường được thí điểm thực hiện tự chủ đã được Thủ tướng Chính Phủ cho phép thực hiện cơ chế tự chủ khá cao so với các trường không được thí điểm tự chủ. Đây là các cơ chế đổi mới hết sức cần thiết cho sự phát triển toàn diện của nhà trường.

Tuy nhiên, theo tôi được biết một số trường ĐH vẫn chưa xây dựng đề án tự chủ ĐH, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện tự chủ. Năng lực quản trị ĐH của một số trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là cơ chế đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình xã hội chưa được quan tâm đúng mức.

* Khi thực hiện cơ chế tự chủ tại Trường ĐHYD CT, đâu là những vấn đề lãnh đạo nhà trường quan tâm cũng như còn băn khoăn, thưa Giáo sư?

- Khi Trường có chủ trương thực hiện cơ chế tự chủ, n                                   hà trường đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn về thực hiện cơ chế tự chủ. Vấn đề quan trọng mà lãnh đạo trường quan tâm là sự đồng lòng của toàn thể cán bộ, nhân viên nhà trường. Với cơ chế tự chủ cao, nhà trường có thể phát huy được tính chủ động, tích cực, năng động trong các hoạt động, mọi người làm việc có trách nhiệm, năng suất và hiệu quả hơn. Một điểm quan trọng là cân đối nguồn thu, chi tiết kiệm đối với các mục chi không cần thiết khi không còn được cấp ngân sách nhà nước nhưng vẫn đảm bảo được kinh phí cho các hoạt động của nhà trường, trong đó có thu nhập của cán bộ, nhân viên.

Khi thực hiện cơ chế thí điểm tự chủ, Trường xây dựng khung hành lang pháp lý phù hợp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời xây dựng cơ chế giám sát phù hợp với giai đoạn hiện tại.

* Ở cương vị Chủ tịch Hội đồng trường, Giáo sư nhìn nhận như thế nào về việc triển khai thực hiện tự chủ ở Trường ĐHYD CT?

- Trường ĐH Y Dược Cần Thơ là một trong các trường ĐH công lập thuộc lĩnh vực y tế đầu tiên thực hiện thí điểm tự chủ. Việc thực hiện thí điểm tự chủ của Trường theo Quyết định số 455/QĐ-TTg so với thực hiện tự chủ theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP thì trường có nhiều thuận lợi hơn về cơ chế. Đó là được quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức và cán bộ, đầu tư và mua sắm, đặc biệt cơ chế về tài chính. Nếu các trường đều có cơ chế của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 13/4/2017 thì hầu như những hạn chế, bất cập về tự chủ đã được giải quyết, là cơ sở cho trường tồn tại và không ngừng phát triển.

Một góc Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.

Sau khi có quyết định số 455/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường ĐHYD CT đã từng bước xây dựng các qui định để thực hiện tự chủ như quy định tổ chức và hoạt động trường, chi tiêu nội bộ, một số quy định về công tác tổ chức và cán bộ,.. Đặc biệt đối với các cơ chế được Thủ tướng Chính phủ cho phép sẽ giảm được các thủ tục hành chính, các hoạt động của Trường được thực hiện nhanh và đồng bộ hơn, tiết kiệm được nhân lực, thời gian, kinh phí… Về học phí, Trường chỉ thu ở mức vừa phải theo khung quy định đảm bảo cho tất cả các đối tượng sinh viên trúng tuyển đều có khả năng về kinh phí để học tập. Ví dụ đào tạo  bác sĩ, dược sĩ theo nhu cầu xã hội cho phép thu 44 triệu đồng/ năm, Trường chỉ thu 29,5 triệu đồng/ năm; sinh viên học theo chương trình đại trà được phép thu 18 triệu đồng/ năm, Trường chỉ thu 15 triệu đồng/ năm. Đối với các đối tượng chính sách, Trường thực hiện các chế độ theo quy định.

Trường đã thành lập Hội đồng trường là tổ chức đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Trường. Hội đồng trường thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Giáo dục ĐH. Mối quan hệ giữa Hội đồng trường, Đảng ủy và Ban Giám hiệu được xác định cụ thể, rõ ràng bước đầu đã phát huy được vai trò của Hội đồng trường trong nhà trường.

* Giáo sư có nghĩ bước vào lộ trình tự chủ ĐH cũng là bước vào một cuộc cạnh tranh khá khốc liệt giữa các trường ĐH, kể cả ĐH tư? Và như vậy, đâu là ưu thế của Trường ĐHYD CT?

- Việc thực hiện tự chủ ĐH là xu hướng tất yếu đối với các trường ĐH công lập hiện nay, các trường sẽ chuyển sang tự chủ; tùy theo điều kiện của từng trường để thực hiện mức độ tự chủ, từ tự chủ một phần đến tự chủ hoàn toàn. Tuy nhiên các trường rất cần thiết về cơ chế tự chủ, giảm sự quản lý của cơ quan chủ quản. Do đó, Trường Y Dược Cần Thơ  đã xây dựng đề án tự chủ trình Chính phủ phê duyệt vì xét thấy trường có đủ nguồn lực để thực hiện tự chủ.

Sinh viên là đối tượng quan trọng nhất của nhà trường, đối với các trường khi chuyển sang tự chủ hoàn toàn, các Trường phải  được đánh giá chất lượng trường ĐH để khẳng định uy tín, thương hiệu, chất lượng của trường. Đồng thời, xây dựng mức học phí để có khả năng thu hút sinh viên, có chế độ miễn học phí cho sinh viên thuộc diện chế độ, chính sách.

* Thưa Giáo sư, nhìn xa hơn trong tương lai, tự chủ sẽ mang lại những gì cho Trường ĐHYD CT?

- Điểm thuận lợi và quan trọng nhất là Trường được phép thực hiện cơ chế tự chủ khá cao mà các trường chưa tự chủ chưa có; Trường được tự chủ trong mở mã ngành, tuyển sinh, đào tạo, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy và nhân sự; quyết định, phê duyệt và thực hiện các dự án đầu tư; xây dựng mức học phí theo quy định; được phép ký kết hợp đồng với các nhà khoa học trong và ngoài nước trong và trên độ tuổi lao động,… Trường xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu quả để nâng cao các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh,…

Trường đã đăng ký và được Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (do Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép) đánh giá. Kết quả đánh giá sẽ khẳng định và nâng cao vị thế, thương hiệu của Trường.

Trường đã và đang quan tâm xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính để đảm bảo thực hiện hoạt động tự chủ có hiệu quả. Bên cạnh đó, có Bệnh viện thực hành của Trường hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn, các giảng viên của Trường là lực lượng chủ yếu làm tại Bệnh viện, vừa giảng dạy vừa thực hiện khám, chữa bệnh ; Trường vừa tiết kiệm được nguồn nhân lực, vừa sử dụng và phát huy được chuyên môn, kinh nghiệm của đội ngũ giảng viên. Đây là điểm quan trọng để đảm bảo chất lượng của Bệnh viện, đồng thời tiết kiệm được nhân lực sẽ tăng được nguồn thu để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ viên chức của Trường. Cán bộ, giảng viên yên tâm, phấn khởi hơn để làm việc lâu dài.

* Giáo sư có những đề xuất gì để tự chủ ở các trường ĐH tạo được sự chuyển biến đáng kể nhất là nâng cao chất lượng đào tạo?

- Để các trường ĐH phát triển toàn diện, các trường cần phải có nguồn lực; để phát triển được các nguồn lực rất cần kinh phí và cơ chế. Điều kiện kinh phí của Nhà nước cấp còn khó khăn và hạn chế, trong khi đó, nhu cầu của các trường lại rất lớn. Như vậy tự chủ là xu hướng tất yếu, điều cần thiết nhất của tự chủ các trường ĐH là cơ chế. Từ cơ chế sẽ cho phép các trường ĐH chủ động, sáng tạo, mềm dẽo, linh hoạt trong các hoạt động của nhà trường. Tự chủ gắn liền với tự chịu trách nhiệm và giải trình xã hội. Khi tự chủ với cơ chế cho phép, tính chủ quản và cơ chế xin cho dần dần mất đi, thay vào đó là các chương trình, các dự án đầu tư tạo ra nguồn lực cho các trường nâng cao chất lượng đào tạo.

* Xin cảm ơn Giáo sư! 

KHUÊ NGUYỄN (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết