20/10/2018 - 17:21

Cơ chế đặc thù - động lực xây dựng Cần Thơ 

Ngày 10-10-2018, Nghị định 103/2018/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 103) Quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ có hiệu lực. UBND thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 103. Cơ chế đặc thù này sẽ tạo động lực để Cần Thơ phát triển và khẳng định vị trí trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nhu cầu đầu tư lớn

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Cần Thơ, chỉ tiêu huy động vốn toàn xã hội 5 năm (2015-2020) mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra từ 280.000- 300.000 tỉ đồng. Ước trong 3 năm qua (2016-2018), thành phố huy động khoảng 156.840 tỉ đồng, đạt 56% kế hoạch 5 năm, tăng bình quân 11,9%/năm; trong đó nguồn vốn huy động từ khu vực nhà nước chiếm 36,1%, khu vực ngoài nhà nước 61,3% và khu vực vốn đầu tư nước ngoài 2,6%. Nguồn vốn đầu tư này được tập trung đầu tư, cải tạo và nâng cấp nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm (cầu, đường quốc lộ,..), các công trình đô thị, trường học, bệnh viện… góp phần hoàn thiện hạ tầng khung đô thị, tạo động lực thu hút đầu tư vào các khu đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.


Phòng thí nghiệm chẩn đoán của Công ty TNHH Pharmaq Việt Nam đặt tại KVIP nhằm phục vụ các hoạt động nghiên cứu, phát triển chẩn đoán bệnh trên thủy sản. Ảnh: MINH HUYỀN

Song, các nguồn lực huy động thực tế chưa theo kịp yêu cầu phát triển, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư chưa hấp dẫn… nên ít nhiều cũng làm hạn chế việc thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, cơ chế hỗ trợ sau đầu tư của thành phố cũng không hấp dẫn nhà đầu tư. UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND về việc hỗ trợ sau đầu tư cho các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị mới, logistics, resort… chủ yếu là hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với vốn vay trong hạn của dự án (mức hỗ trợ tối đa chỉ 2-10 tỉ đồng/1 dự án) và cho thuê đất có hỗ trợ, hoặc hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư… Tuy nhiên, thời gian qua, việc hỗ trợ theo Quyết định 07 của thành phố không đạt hiệu quả mong muốn, rất hiếm nhà đầu tư đăng ký xin hỗ trợ, do chi phí hỗ trợ không đáng kể so với số vốn mà nhà đầu tư thực hiện trên dự án.

Do vậy, trong điều kiện ngân sách thành phố còn nhiều hạn hẹp, cơ chế đặc thù theo Nghị định 103 được xem là đòn bẩy để phát triển thành phố thời gian tới, đặc biệt là việc huy động các nguồn lực đầu tư.

Khơi thông nguồn lực

Nhiều ý kiến cho rằng, để phát huy Nghị định 103 của Chính phủ cần sự sáng tạo, chủ động của địa phương trong vận dụng linh hoạt các chính sách, xây dựng cơ chế phù hợp với sự phát triển của địa phương và bắt kịp xu thế phát triển. Đơn cử, về cơ chế huy động nguồn vốn đầu tư và nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương: Thành phố được vay vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức huy động theo quy định của phát luật; vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài về cho ngân sách địa phương vay lại. Mức dư nợ từ các nguồn vay này không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hàng năm được Quốc hội quyết. Để phát huy hiệu quả của cơ chế này, thành phố phải có đề án vay vốn (trong nước) và xây dựng danh mục cho từng dự án ODA (quy mô và vốn đầu tư) mang tính khả thi cao để trình Trung ương phê duyệt.

Nghị định 103 cũng xác định Chính phủ ưu tiên vốn bố trí đủ vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội của thành phố và các dự án mang tính chất cấp vùng của ĐBSCL. Theo đó, thành phố căn cứ nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế- xã hội hàng năm và 5 năm để đề xuất các danh mục dự án ưu tiên đầu tư phục vụ mục tiêu phát triển của thành phố và mang tính vùng nhằm tạo sự lan tỏa, kết nối. Ngoài ra, Nghị định 103 cũng quy định ưu tiên vốn cho các dự án hợp tác công- tư; quy định đặc thù về ngân sách, hỗ trợ lãi suất, quỹ dự trữ tài chính… Những quy định cụ thể trên từng lĩnh vực sẽ đáp ứng các kỳ vọng của thành phố trong giai đoạn phát triển mới.

Chẳng hạn quy định thành phố được sử dụng số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương ưu tiên: thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, đầu tư khu công nghệ cao TP Cần Thơ, bố trí vốn cho các dự án ODA… Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, nếu sử dụng nguồn vốn ưu tiên này để đầu tư hạ tầng giao thông, các công trình hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN)… sẽ tạo cú hích mạnh trong thu hút đầu tư, lấp đầy KCN, CCN. Do ngân sách hạn chế nên các công trình đầu tư ngoài hàng rào KCN, CCN trước giờ còn nhiều khó khăn, nhà đầu tư đến cũng ngại do đường vào không thông thoáng. Thành phố đã quy hoạch Khu công nghệ cao Cần Thơ (khoảng 195ha) và đang xin Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch KCN, việc ưu tiên vốn đầu tư vào đây sẽ là đòn bẩy cho phát triển công nghệ cao và phát triển các KCN nói chung của thành phố.

Về hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 103, ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở KH&ĐT thành phố, cho biết: Sở tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ một phần lãi suất cho các tổ chức, cá nhân khi vay vốn để đầu tư các dự  án phát triển kinh tế- xã hội quan trọng có khả năng thu hồi vốn trong phạm vi và khả năng của ngân sách thành phố vào kỳ họp cuối năm 2018. Đối tượng hỗ trợ chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị quyết này cũng để thể chế hóa và tích hợp chính sách hỗ trợ theo 9 Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy ban hành trong giai đoạn 2016-2017 về phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển đô thị Phong Điền, thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách, xây dựng kết cấu hạ tầng, đô thị. Đồng thời đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành và địa phương rà soát, bổ sung danh mục các dự án đầu tư trên địa bàn làm cơ sở xem xét hỗ trợ.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết