17/09/2017 - 16:31

Cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu 

ĐBSCL đang đối mặt trước nguy cơ do biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, phát triển thủy điện trên sông Mekong… tác động mạnh đến sự thay đổi nguồn nước, ảnh hưởng đến cơ cấu mùa vụ truyền thống trong vùng. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lịch thời vụ để đối phó trước rủi ro thiên tai cần có giải pháp thích ứng phù hợp...

Nông dân vùng ĐBSCL chuyển đổi cây trồng, thích ứng BĐKH.

ĐBSCL còn nhiều thách thức

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), những năm gần đây, ĐBSCL đang bị đe dọa bởi BĐKH. Hạn hán, xâm nhập mặn (XNM), triều cường, lốc xoáy, sạt lở bờ sông diễn ra ngày càng gay gắt. Kịch bản BĐKH đang diễn ra tại khu vực ĐBSCL là tình trạng xâm thực đê biển và mặn hóa ngày càng sâu vào nội đồng.

Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn, nhất là hoạt động khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mekong đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy, làm chuyển nước sang lưu vực sông khác và làm trầm trọng thêm nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ở vùng hạ nguồn.

Điều đó có thể thấy rõ nhất là mùa khô 2015-2016, ĐBSCL đã chịu đợt khô hạn và XNM lớn nhất từ trước tới nay, khiến cho tốc độ tăng trưởng, năng suất, diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đều giảm, ước thiệt hại trong 6 tháng mùa khô 2016 của cả vùng gần 4.700 tỉ đồng...

Theo dự báo, mùa khô những năm tới, toàn vùng ĐBSCL có thể bị nhiễm mặn từ 45% diện tích trở lên nếu các đập thủy điện đầu nguồn sông Mekong tích nước, không cung cấp đủ nước để đẩy mặn ra biển. Ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH đối với tự nhiên và sản xuất của người dân trong vùng là một thách thức rất lớn đối với Chính phủ, chính quyền địa phương và trực tiếp là hơn 20 triệu dân đang sinh sống tại khu vực ĐBSCL.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Cục Trưởng Cục Trồng trọt, nhận định: “Năm 2017, diễn biến thời tiết xảy ra thất thường, mưa lớn liên tiếp trên nhiều vùng cả nước. Ở một số tỉnh phía Bắc xảy ra mưa, lũ, lụt nặng trong khi các tỉnh phía Nam mưa nhiều, số giờ nắng ít, năng suất lúa giảm. Diễn biến thiên tai phức tạp, bất thường xảy ra khó dự đoán. Do đó cần sự phối hợp của cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học, Bộ ngành Trung ương, các địa phương cùng với các tổ chức quốc tế trợ giúp để đưa ra nhiều giải pháp đối phó trong thời gian tới”.

Theo Viện Nghiên cứu BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ, hiện ĐBSCL đang đối mặt với 6 nguy cơ gồm: BĐKH và nước biển dâng; phát triển thủy điện trên sông Mekong; gia tăng dân số và di dân; lạm dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên; thay đổi sử dụng đất; ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Nông dân gặp nhiều hiểm họa và khó khăn cùng lúc. Do đó cần một gói giải pháp để thích nghi theo từng điều kiện cụ thể mà hiện tại vẫn còn thiếu một gói chính sách có liên quan đến cải thiện thích nghi sản xuất lúa và sinh kế nông dân.

Còn Tiến sĩ Bùi Tân Yên, Viện nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), nhận định: “Điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất và cơ sở hạ tầng của các địa phương trong khu vực ĐBSCL còn khác nhau; đồng thời chưa sử dụng tối ưu kiến thức thực tế của cán bộ địa phương và thiếu sự phối hợp liên tỉnh trong ứng phó, xây dựng kế hoạch thích ứng dài hạn.

Do vậy, các địa phương cần xây dựng bản đồ nguy cơ thiên tai và biện pháp thích ứng bằng kiến thức bản địa. Bản đồ nguy cơ thiên tai và các biện pháp ứng phó cho các tỉnh, thành giúp xác định các vùng nguy cơ do BĐKH và biện pháp thích ứng sát với thực tế. Các địa phương có thể chủ động phân tích và xây dựng phương án cụ thể, phù hợp với điều kiện tự nhiên và hạ tầng của mình...”.

Xây dựng vùng ứng phó 

Hiện nay, Viện nghiên cứu BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ, IRRI, Chương trình BĐKH - Nông nghiệp và an ninh lương thực (CCAFS) khu vực Đông Nam Á đã xây dựng các kịch bản rủi ro về lũ lụt, XNM ở ĐBSCL ảnh hưởng đến sản xuất lúa; xây dựng bản đồ nguy cơ thiên tai và các biện pháp ứng phó cho các tỉnh, thành ĐBSCL; đồng thời dự báo tình hình khí tượng thủy văn ảnh hưởng đến sản xuất lúa tại các địa phương ĐBSCL dưới tác động BĐKH.

Dựa trên bản đồ rủi ro thiên tai, Cục Trồng trọt đề xuất kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng và lịch thời vụ trên 6 tiểu vùng sản xuất ở ĐBSCL, như: Vùng Tứ giác Long Xuyên (xâm nhập mặn, lũ, nhiệt độ tăng); Vùng Đồng Tháp Mười (nhiệt độ tăng, lũ lụt, sạt lở); Vùng phù sa ngọt ven sông Tiền, sông Hậu – có TP Cần Thơ (khô hạn cục bộ, mưa lớn, triều cường); Vùng Tây sông Hậu (khô hạn cục bộ, nắng nóng, mưa lớn bất thường); Vùng ven biển (XNM, khô hạn) và Vùng Bán đảo Cà Mau (khô hạn, mưa lớn bất thường, bão ven biển). Qua đó xây dựng bản đồ sử dụng đất lúa, bố trí lịch thời vụ xuống giống vụ đông xuân, thu đông; đồng thời đề xuất cơ cấu lúa thích ứng BĐKH của các tỉnh ở các năm trung bình và các năm cực đoan.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm: “Cục Trồng trọt cùng với IRRI, CCAFS khu vực Đông Nam Á thực hiện các chương trình nghiên cứu, tìm giải pháp căn cơ, xây dựng bản đồ đánh giá về những tác động tiêu cực do BĐKH nhằm giúp các địa phương có giải pháp ứng phó. Qua đó các địa phương chủ động đề xuất, xây dựng kế hoạch sản xuất, các mô hình canh tác nông nghiệp đối phó trước BĐKH. Trong các giải pháp này, các địa phương xây dựng nhóm giải pháp phù hợp với từng tiểu vùng; xây dựng bản đồ chuyển dịch về cơ cấu cây trồng không bị tác động bởi BĐKH; bố trí lịch thời vụ né tránh những bất lợi do hạn hán, mặn xâm nhập hay tổ chức sản xuất vụ thu đông trong vùng tránh lũ sớm…”.

Theo Cục Trồng trọt, ngoài việc bố trí lại lịch thời vụ xuống giống vụ lúa đông xuân, hè thu giảm chi phí, tránh rủi ro, các địa phương khu vực ĐBSCL cần thực hiện  các giải pháp như: quan tâm trữ nước mưa trong hệ thống kênh rạch, đồng ruộng để phục vụ cho mùa khô; chuyển các loại cây trồng sử dụng ít nước, tập trung vào biện pháp phi công trình, vận hành hệ thống công trình hiện có để tích nước cho đồng ruộng... Đồng thời tăng cường truyền thông để nông dân biết được hạn hán sẽ xảy ra và thường xuyên để tránh trường hợp có năm thuận lợi dẫn đến chủ quan... Với các giải pháp này thì sản xuất, sinh kế của người dân ĐBSCL có khả năng thích nghi và phát triển trong thời kỳ  BĐKH.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết