29/03/2016 - 21:25

Còn cần tới nhau

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, người bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tẩy chay, vẫn được chào đón tại Tokyo hôm 28-3. Trong 3 ngày làm việc tại Nhật Bản, ngoài cuộc gặp quan trọng với Thủ tướng Shinzo Abe, ông Mugabe còn đến thăm nhà vua Akihito và phát biểu trước quốc hội lưỡng viện nước chủ nhà. Đây là lần thứ 4, ông Mugabe thăm Nhật Bản, trong đó 2 lần gần nhất là vào năm 2013 và 2015, đều do ông Abe chủ trì đón tiếp.

Việc Nhật Bản chào mời nhà lãnh đạo bị đa số các nước phương Tây xa lánh được coi là cơ hội để Tokyo thúc đẩy ảnh hưởng tại châu Phi, nơi có nhiều nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh và là lục địa giàu tài nguyên khoáng sản. Sau cuộc hội đàm với ông Mugabe, Thủ tướng Abe thông báo hỗ trợ cho Zimbabwe 5,3 triệu USD mua các trang thiết bị xây dựng cầu đường, đồng thời cam kết sẽ giúp nước này triển khai mạng lưới viễn thông phục vụ hành lang kinh tế Bắc-Nam giàu năng lượng và nhiều dự án phát triển khác.

Năm ngoái, Nhật Bản đã viện trợ 15 triệu USD như là phần đầu tiên trong chương trình viện trợ kéo dài 15 năm cho Zimbabwe. Ông Abe tuyên bố các gói viện trợ trên sẽ giúp Zimbabwe khắc phục tình trạng hạn hán nghiêm trọng do hiện tượng El Nino gây ra và đẩy quốc gia này vào tình trạng thiếu thốn lương thực, buộc phải kêu gọi sự trợ giúp của quốc tế.

Thời báo Nhật Bản nhận định rằng bằng cách giúp Zimbabawe xây dựng cơ sở hạ tầng, Tokyo hy vọng sẽ đưa nhiều doanh nghiệp Nhật sang Zimbabwe vào thời điểm mà Trung Quốc đang đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội làm ăn mới ở Phi châu. Ngay tại cuộc họp báo với ông Abe, Tổng thống Mugabe nhấn mạnh "các cánh cửa của Zimbabwe đang rộng mở cho các nhà đầu tư Nhật Bản". Ông nói giới doanh nghiệp Nhật có thể chiếm ưu thế bằng các đặc khu kinh tế tại Zimbabwe, nơi có nhiều trữ lượng vàng, platinum, nickel. Báo Người Zimbabwe thì nhận định mục tiêu của Nhật Bản là đưa công nghiệp xây dựng kết cấu hạ tầng của mình đến khắp châu Phi cũng như ngăn ảnh hưởng ngày càng lớn từ Trung Quốc.

Về mặt chính trị, Thủ tướng Abe đã công khai thừa nhận rằng ông muốn hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Mugabe nhằm giúp thúc đẩy cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) theo hướng mở rộng thêm 6 quốc gia thành viên thường trực có quyền phủ quyết. Ngoài Nhật Bản còn có Đức, Ấn Độ, Brazil và hai quốc gia châu Phi muốn giữ ghế quan trọng trong cơ quan quyền lực nhất LHQ. Một nguồn tin chính phủ Nhật Bản thừa nhận ông Mugabe là "nhân vật tốt nhất có thể giúp Nhật gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi".

Ông Mugabe là người nhiệt tình ủng hộ cải cách HĐBA và từng giữ vai trò Chủ tịch Liên minh châu phi (AU) năm 2015. Vào tháng 8 tới, sự ủng hộ của ông Mugabe có ý nghĩa lớn đến sự thành công của Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển cho châu Phi (TICAD) lần thứ 4 được tổ chức tại Kenya, cũng là lần đầu tiên TICAD được tổ chức tại châu Phi. Thủ tướng Abe mô tả Tổng thống Mugabe là "nhà lãnh đạo lão thành đáng kính".

Khi đi thăm Bắc Kinh năm 2014, ông Mugabe cũng đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi là nhà lãnh đạo giải phóng dân tộc lừng danh của châu Phi và là "người bạn thâm niên" của nhân dân Trung Quốc, bất chấp việc Mỹ và đồng minh châu Âu dùng nhiều biện pháp cấm vận, cô lập nhân vật năm nay đã 92 tuổi mà họ cho là "tham quyền cố vị" và "bết bát về nhân quyền".

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết