29/04/2010 - 21:19

Chuyện về người chiến sĩ cách mạng ba lần được đồn trưởng địch mời... cho vũ khí!

 

Chiến tranh đã đi qua, nhưng kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội, những câu chuyện vui - buồn trong quá trình chiến đấu vẫn in đậm trong ký ức của nhiều chiến sĩ cách mạng thời kỳ ấy. Với bác sĩ (BS) Lê Đức Thuận, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, có một kỷ niệm thật đặc biệt đến hôm nay mới kể - đó là chuyện ông 3 lần được Trưởng đồn của địch mời đến... cho vũ khí.

Câu chuyện diễn ra vào năm 1972, khi đó Trưởng đồn Cò Tuất ở huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), tên Danh Ớt, có con bị bệnh thương hàn, đã chạy chữa khắp nơi mà không hết. Lúc ấy, cán bộ binh vận của ta đã cử y sĩ Thuận, Trưởng Ban Dân y huyện Tân Hiệp, đến nhà chữa bệnh cho con Danh Ớt. Mặc dù đó là con của kẻ địch, nhưng với tinh thần “lương y như từ mẫu”, BS Thuận đã hết lòng chữa trị cho đứa bé. Sau khi con của Danh Ớt lành bệnh, tên Đồn trưởng này rất nể phục “BS Việt cộng” và luôn tìm cách gặp mặt để tạ ơn.

Thời điểm này, cơ sở đóng quân của ta chỉ cách Đồn Cò Tuất một con sông chừng 200m, vì thế, đã vài lần cán bộ binh vận gặp Đồn trưởng Danh Ớt để trao đổi thương lượng: ta bảo đảm tính mạng của hắn và ngược lại hắn không được có những hành động gây tổn hại đến lực lượng ta. Những lần gặp mặt, Đồn trưởng Danh Ớt đều nhờ cán bộ binh vận tỉnh, huyện cho hắn được gặp BS Thuận. Nhận thấy việc tổ chức cho Danh Ớt gặp BS Thuận sẽ có tác động tốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ binh vận của ta, tháng 6-1972, đơn vị cử BS Thuận cùng 6 đồng chí, gồm: Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 207- Bảy Hòa, Tham mưu trưởng tiểu đoàn 207- Sáu Song; Hai Quy- Tỉnh đội phó, Bảy Phát- trinh sát tiểu đoàn 207, Tám Vệ- Trưởng Ban Binh vận huyện Tân Hiệp và một đồng chí tên Sáu Thắng, đến gặp Danh Ớt tại nhà vợ y, cách đồn khoảng 300m. Đồn trưởng Danh Ớt cũng dẫn theo 7 tên đàn em. Lúc đầu, hai bên trò chuyện một cách dè chừng, các cán bộ của ta tranh thủ cơ hội này để làm công tác “binh vận” với hắn. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, vợ Danh Ớt bày ra một mâm thịt vịt làm gỏi, nấu cháo cùng với bia “con cọp” để thiết đãi đoàn. Sau khi uống xã giao mỗi người 1 ly, Danh Ớt đứng lên trân trọng nói: “Xin giới thiệu với các anh em, đây (chỉ BS Thuận) là BS đã cứu sống con tôi. Để tỏ lòng biết ơn, tôi và 6 anh em sẽ cùng uống với BS mỗi người 1 ly”. Nói xong, Danh Ớt và các đàn em lần lượt nâng ly, BS Thuận cũng “đáp trả” bằng 7 ly bia “con cọp”. Lúc đó, mối nghi ngờ dường như không còn nữa... Để tỏ lòng biết ơn “BS Việt cộng” đã cứu sống con mình, sau chầu nhậu, Danh Ớt sai lính lấy nhiều loại vũ khí, như M79, AR15, máy BC10... cho 7 người mang về.

BS Lê Đức Thuận, SN 1949, tham gia cách mạng lúc mới 15 tuổi (1964), tại xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang); 18 tuổi được kết nạp vào Đảng. Đã qua các chức vụ: Trưởng Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, Giám đốc Bảo hiểm Y tế tỉnh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh... Năm 2006, BS Thuận nghỉ hưu, hiện nay ông vẫn tham gia làm tư vấn dự án Hỗ trợ Bảo hiểm y tế vùng ĐBSCL do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Sau lần đó, Đồn trưởng Ớt rất mến BS Thuận, y đặt cho BS Thuận biệt danh “BS sống dai” và tìm cách mời nhậu, cho vũ khí để đền đáp công ơn cứu sống con mình. Năm 1973, Danh Ớt được điều động về làm Đồn trưởng ở Tràm Chẹt (xã Bàn Tân Định - Giồng Riềng). Tại đây, y tiếp tục liên hệ với cán bộ binh vận mời BS Thuận ra nhà cha mẹ ruột của y ở cách Đồn Tràm Chẹt khoảng 300m. Lần này, đơn vị cử BS Thuận và 3 người khác đến gặp Đồn trưởng Ớt. Sau khi đãi mọi người trong đoàn một chầu bia “con cọp”, Danh Ớt tặng “BS sống dai” một xuồng khẳm vũ khí. Cũng vào năm 1973, Đồn trưởng Danh Ớt lại một lần nữa mời BS Thuận ra nhậu và cho khẳm một xuồng vũ khí nữa trước khi y được điều động đi nơi khác...

Nhiều năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của BS Lê Đức Thuận và nhiều cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị khi ấy, chuyện về một người chiến sĩ cách mạng 3 lần được đồn trưởng của địch mời ra để cho vũ khí là một kỷ niệm đẹp. Chú Nguyễn Vệ (Tám Vệ - SN 1936), hiện ngụ tại ấp Thạnh Tây, xã Thạnh Đông (Tân Hiệp), là người đã dìu dắt, kết nạp BS Thuận vào Đảng, cử đi học ngành y và cũng là người 2 lần cùng BS Thuận đến gặp Đồn trưởng Danh Ớt, nhớ lại: “BS Thuận lúc ấy là một thanh niên rất thông minh, nhanh nhẹn, hiền lành và giỏi nghiệp vụ. Năm Thuận 18 tuổi, đang làm Bí thư Xã đoàn, Xã đội phó xã Thạnh Đông đã được kết nạp vào Đảng và cử đi học nghề y”. Cũng chính với đức tính ấy mà cô thôn nữ Trần Thu Vân, lúc bấy giờ là đoàn viên cơ sở hợp pháp xã Thạnh Đông, gọi chú Tám Vệ bằng cậu, đã phải lòng “BS sống dai” để hai người nên duyên chồng vợ đến hôm nay.

Bài, ảnh: LÊ SEN

Chia sẻ bài viết