21/10/2018 - 15:32

Chuyên nghiệp tuổi 18 và 5 CLB đủ chuẩn 

Mùa giải bóng đá chuyên nghiệp 2018 vừa khép lại với một bản tổng kết “màu hồng” về lượng khán giả tăng so với mùa trước, hoặc 300 trận đấu với rất nhiều bàn thắng, mang lại nhiều cảm xúc tuyệt vời cho hàng triệu người hâm mộ… Ông Trưởng Ban điều hành giải Trần Anh Tú còn tiết lộ thông tin rất đáng ngưỡng mộ khi Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) bầu chọn các giải chuyên nghiệp Việt Nam vào tốp 10 các nền bóng đá phát triển.

Thanh Hóa (trái) từng cứu một bàn thua trông thấy cho VFF khi thay mặt Quảng Nam đá giải của AFC. Ảnh: NGUYỄN MINH

Không biết niềm tự hào của các nhà quản lý và điều hành bóng đá Việt Nam ra sao, nhưng chỉ mỗi việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tiết lộ chỉ có 5 CLB đủ tiêu chuẩn chuyên nghiệp theo AFC, tự dưng khiến người ta buồn nhiều hơn vui. Cần biết các giải chuyên nghiệp Việt Nam (gồm V.League, hạng Nhất và Cúp quốc gia) có đến 24 đội bóng gọi là chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thực tế mới chỉ có 5 CLB chuyên nghiệp thực sự theo tiêu chí của AFC như thừa nhận của VFF thì ít quá. Tính ra thời gian thực hiện bóng đá chuyên nghiệp đã 18 năm, nghĩa là các nhà làm bóng đá vẫn đi mãi mà chưa thành đường.

Đơn cử như ở đầu mùa giải này, AFC sau một vòng khảo sát đã nghiêm khắc không chấp nhận cho nhà vô địch V.League 2017 là đội Quảng Nam đá Cúp các CLB châu Á, đơn giản là mặt sân không đạt tiêu chuẩn. Ở thế bí, VFF đã phải cậy nhờ Thanh Hóa (hạng nhì V.League) thay thế đội Quảng Nam để tránh mất mặt bóng đá Việt Nam và không bị phạt.

Những mùa trước đó, Than Quảng Ninh, Hà Nội… không thể góp mặt ở đấu trường châu Á vì cơ sở vật chất không đảm bảo. Từ đây, ai cũng thấy rõ hơn sự chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam cách rất xa các nền bóng đá châu lục, không chỉ ở đẳng cấp. Nó còn phản ánh một kiểu ứng xử khác, giữa việc AFC rất nghiêm túc trong việc cho phép hay không một CLB chơi giải của mình khi chưa hội đủ tiêu chí, không như VFF hoặc VPF luôn xuê xoa cho nhiều đội bóng, bất chấp tình trạng của họ ra sao.

Bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam còn có những tồn tại rất nguy hiểm và đáng sợ. Như chuyện một ông chủ “ôm” vài đội bóng hoặc có tầm ảnh hưởng đến một số CLB khác, đã kéo dài nhiều năm qua vẫn chưa cải thiện. Hay việc pháo sáng còn cháy đỏ rực trên các khán đài trong khi Ban kỷ luật VFF chỉ biết có mỗi hình thức phạt tiền, mà không có những chế tài khác như treo sân hoặc buộc phải đá sân trung lập. Chính bởi cách xử lý thiếu cương quyết đã dẫn đến sự lây lan cái xấu từ V.League sang cả các trận của đội tuyển Olympic Việt Nam, như mới đây VFF bị phạt gần 300 triệu đồng do pháo sáng của cổ động viên ở đấu trường ASIAD 18.

Thế mới biết con số 5/24 CLB đủ điều kiện chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam là quá ít ỏi, như chính cách làm nghiệp dư của những nhà cầm cương của làng bóng.

SONG HUY

Chia sẻ bài viết