03/04/2018 - 21:57

Chuyện nghề cảnh sát truy nã 

Đấu tranh với tội phạm nào cũng nguy hiểm, nhưng với tội phạm truy nã càng gian nan hơn. Bằng sự kiên trì, bền bỉ, nhạy bén, cán bộ chiến sĩ lực lượng cảnh sát truy nã Công an TP Cần Thơ, trong đó nòng cốt là Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) không quản ngại khó khăn, truy bắt kịp thời các đối tượng truy nã (ĐTTN) đặc biệt nguy hiểm, phục vụ tốt công tác điều tra, xét xử, thi hành án.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác truy nã được nhận giấy khen Giám đốc Công an TP Cần Thơ. 

Năm 2017, lực lượng cảnh sát truy nã toàn thành phố bắt, vận động đầu thú, thanh loại 86 ĐTTN, trong đó có 44 ĐTTN nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm; triệt phá 10 chuyên án; bắt giúp các tỉnh thành khác 9 đối tượng. Quý I-2018, lực lượng cảnh sát tuy nã, bắt và vận động đầu thú 17 ĐTTN. Theo Phòng PC52, đa số các ĐTTN trốn lâu năm, tìm đủ mọi cách đối phó, thay đổi lý lịch, có đối tượng thẩm mỹ toàn bộ gương mặt để không bị nhận ra, có ĐTTN ra nước ngoài sinh sống. Các ĐTTN đặc biệt nguy hiểm thường rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện để tìm cách thoát thân. Gần đây, bên cạnh phương thức về vùng xa xôi, hẻo lánh ẩn náu, một số đối tượng tìm đến các khu công nghiệp, khu chế xuất đông người nhập cư, sống chung phòng trọ với công nhân, thay đổi chỗ ở liên tục, gây rất nhiều khó khăn trong công tác xác minh, truy tìm. Có những chuyến đi của trinh sát kéo dài hàng tháng trời, vừa đến nơi thì đối tượng không còn ở đó, lại phải tiếp tục bám địa bàn, lần dò theo từng dấu vết. Bởi thế, nếu không đủ bản lĩnh, khó có thể theo đuổi đối tượng hàng chục năm trời.

Vụ phối hợp bắt Phan Ly can tội mua bán người, bị Công an Cần Thơ truy nã vào năm 2010 đầy gian nan. Đây là ĐTTN đặc biệt nguy hiểm, nhân thân phức tạp, sau khi gây án trốn sang Campuchia. Năm 2012, Công an Cần Thơ đề nghị Văn phòng Interpol ra quyết định truy nã đỏ đối với Phan Ly. Mặt khác, các trinh sát dày dạn kinh nghiệm phải kiên trì đeo bám, quyết tâm phá án. Bằng cách sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, khi nắm được thông tin Ly về quê thăm người thân, lực lượng bố trí bắt đối tượng tại An Giang vào cuối năm 2016. Hay như vụ bắt Trương Việt Dũng, can tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức, cũng là một hành trình ly kỳ. Thượng úy Đào Hồng Kiên, trinh sát Phòng PC52, kể: “Đây là đối tượng đặc biệt nguy hiểm, bị 3 lệnh truy nã. Ngoài tên thật, Dũng còn có tên Nguyễn Văn Hát, Nguyễn Văn Hùng. Đối tượng dùng giấy tờ giả lừa nhiều người dân và các tổ chức tín dụng ở các tỉnh, thành, gây hậu quả đặc biệt lớn. Để tránh sự truy bắt, Dũng thay đổi chỗ ở liên tục, trốn ở nhiều địa bàn: Hậu Giang, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cà Mau… Gần 5 tháng trời lần theo dấu vết, lực lượng mới nắm rõ hành tung đối tượng”. Nhận định đây là chuyên án lớn, hoạt động đối tượng có tính chất manh động, phương thức lừa đảo tinh vi nên Ban Chuyên án rất thận trọng, xử lý tốt các nguồn tin báo, đợi thời cơ chín muồi sẽ ra tay. Giữa năm 2017, Dũng sa lưới khi đang giao dịch mua bán tại tỉnh Đồng Nai... 

Có những vụ việc manh mối điều tra gần như là con số không, ảnh chụp rất lâu, nhìn không rõ, không có đặc điểm nhận dạng, trên tờ lệnh truy nã chỉ vài thông tin ít ỏi… Nhiều lúc trinh sát đến địa phương xác minh thì không ai rõ người đó còn hay mất vì đã bỏ đi hàng chục năm, phải rất vất vả mới có thể tìm ra đối tượng. Đó là chưa kể người thân cố tình cung cấp thông tin sai lệch, đánh lạc hướng điều tra. Trung tá Nguyễn Văn Kiệt, Đội trưởng Đội truy bắt các ĐTTN khác, Phòng PC52, chia sẻ: “Để công việc đạt hiệu quả, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ hồ sơ, tùy vào từng ĐTTN mà áp dụng các biện pháp xác minh, truy bắt và vận động đầu thú phù hợp”. Dẫu gặp không ít trở ngại nhưng nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng với nhau trong trao đổi thông tin, hỗ trợ xác minh, nên số ĐTTN bị bắt và đầu thú luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao, làm giảm đáng kể số ĐTTN hằng năm, góp phần kiềm chế các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.

Đại tá Lê Hữu Trà, Trưởng Phòng PC52 Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Xác định bắt các ĐTTN là nhiệm vụ quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, đơn vị nỗ lực vượt qua khó khăn, sử dụng hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, bắt các ĐTTN, không để chúng nhởn nhơ ngoài xã hội, tiếp tục gây án, góp phần giữ gìn an ninh trật tự địa bàn”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết