18/02/2018 - 13:55

Chuyện năm Tuất
Từ trường đua đến đấu trường “nhan sắc” 

Nhắc đến Phú Quốc, du khách sẽ nghĩ ngay đến những bãi biển trong xanh, đặc sản biển tươi ngon, giọt nước mắm thơm vàng óng ánh, mật ngọt từ ly rượu Sim. Du khách cũng không thể quên sự trung thành nhanh nhẹn, khéo léo của giống chó xoáy Phú Quốc. Về đất liền Tây Đô có hẳn trường dạy kỹ năng cho chó, những cuộc thi “nhan sắc” dành cho chó ở một số khu du lịch miệt đồng Nam bộ để khách tham quan, thưởng lãm.  

Bảo tồn chó xoáy Phú Quốc

Chó xoáy Phú Quốc với những tiêu chí đặc biệt như: sống tại Phú Quốc, xoáy giữa lưng từ cổ xuống mông, chân có màng như chân vịt, ngực nở, eo thon, lông ngắn dưới 2cm, đuôi vót cần câu. Tuy nhiên, theo năm tháng giống chó xoáy Phú Quốc bị lai dần mất đi vẻ đẹp đặc trưng vốn có của nó. Khôi phục lại những đặc tính của giống chó xoáy này là giấc mơ cả đời của anh Lê Quốc Tuấn. Sinh ra và lớn lên ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, năm 1995, trong lần tình cờ anh đến Đảo Ngọc và cơ duyên đến với giống chó xoáy Phú Quốc bắt đầu từ đó. Thất bại nhiều lần, nhưng niềm say mê và tình yêu đối với con vật tinh khôn này đã giúp anh Tuấn vượt qua thất bại. Hiện công ty của gia đình anh- Công ty TNHH MTV Chó xoáy Phú Quốc Thanh Nga - có hơn 400 con chó xoáy Phú Quốc thuần chủng.

Anh Vũ Huy Hoàng huấn luyện chó nghiệp vụ. Ảnh: Anh KHOA

Anh Vũ Huy Hoàng huấn luyện chó nghiệp vụ. Ảnh: Anh KHOA

Hơn 22 năm trong nghề, anh Lê Quốc Tuấn bộc bạch: “Lúc nhỏ, tôi thường theo cha vào rừng U Minh tìm cá, rùa, rắn… để làm thức ăn những lúc khó khăn. Cha tôi dẫn theo vài con chó cỏ để bầu bạn, những lúc về không kịp, ngủ lại rừng rất nguy hiểm, nhưng chó không bỏ chủ. Tình yêu đối với con vật trung thành cũng bắt đầu từ đó”. Theo anh Tuấn, chó xoáy Phú Quốc thích sống hoang dã theo bầy đàn, khả năng săn mồi tốt, trung thành với chủ, nhanh nhẹn, sinh sản trong hang, trí nhớ tốt, bơi lội và leo trèo rất giỏi, tru rú khi có tiếng động lạ, trời tối, sáng trăng. Cơ hàm nó rất khỏe, khả năng đào bới rất tốt, háo ăn, thích cắn xé các vật dụng và cất giấu thức ăn thừa. Để phát huy những đặc tính riêng biệt này, gia đình anh Tuấn đang mở rộng diện tích nuôi và tổ chức đua Chó địa hình phục vụ du khách tham quan trên đảo. Trên diện tích 5ha tại ấp Suối Mây, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc được chia làm 13 khu riêng biệt như: khu chó giống, trưởng thành, lão, khu sinh sản hoang dã, khu điều dưỡng và khu huấn luyện...

Trường đua Chó địa hình của Công ty TNHH MTV Chó xoáy Phú Quốc Thanh Nga là trường đua đầu tiên trên thế giới có mặt tại Phú Quốc. Từ trên cao nhìn xuống, trường đua với 4 đường đua tượng trưng cho 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đường đua có tổng chiều dài 365m, tượng trưng cho 365 ngày trong năm, còn 12 địa hình ý nghĩa là 12 con giáp trong đó có loài Chó. Đó là lý giải của anh Tuấn. “Đến Phú Quốc và cũng lần đầu tiên tôi được xem đua chó địa hình. Chó xoáy Phú Quốc rất đẹp, tinh khôn và khéo léo khi vượt chướng ngại vật”- anh Bùi Quốc Trung- du khách đến Đồng Tháp chia sẻ.

Với anh Tuấn, mỗi chú chó là một thành viên trong gia đình. Mỗi con chó xoáy chào đời đều được anh đặt tên. “Trong cuộc sống, không ai tránh khỏi việc sinh, lão, bệnh, tử. Loài vật cũng vậy! Nhớ lần đầu tiên, trong đàn có một con chết, tôi đem chôn phía sau trại nuôi và lập nghĩa trang cho chó. Tưởng thế là xong, nhưng những con trong đàn cứ quấn bên ngôi mộ không rời. Thấy người lạ, chúng rú lên và lúc nào cũng có một con ngồi canh. Chó là loại vật có tánh linh, cũng biết yêu thương nhau như con người”- anh Tuấn kể.

Chó đi học, đi thi nhan sắc

Cũng là người mê nuôi chó từ nhỏ, một người con đất Tây Đô- Vũ Huy Hoàng cùng các cộng sự mở Trung tâm Huấn luyện kỹ năng cho chó. Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ D.T.C nằm trên đường Phạm Hùng - phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Đây là nơi “gõ đầu chó” độc nhất ở miền Tây. Khách hàng của trung tâm chủ yếu tại TP Cần Thơ và các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang... D.T.C mở khoảng 2 năm nay, trước đây trung tâm hoạt động ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, nhưng cơ sở chật hẹp, Hoàng quyết định chuyển trụ sở về phường Ba Láng vài tháng nay, trên diện tích 1.400m2, có khả năng tiếp nhận khoảng 100 con chó cảnh và chó nghiệp vụ. 

Chàng trai 28 tuổi mê chó, chia sẻ: “Ở miền Tây chưa có dịch vụ huấn luyện chó và nhiều người yêu thú cưng phải gửi lên TP Hồ Chí Minh huấn luyện. Nên tôi quyết tầm sư học nghề. Lúc cao điểm, trung tâm chăm sóc, huấn luyện lên đến 70-80 con chó cảnh, chó nghiệp vụ. Khách hàng cá nhân gửi huấn luyện chó cảnh, chủ yếu các giống Alaska, Husky, Pug, Poodle… Doanh nghiệp gửi giống Rottweiler, Doberman, Becgie Hà Lan… đến huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ kho bãi, nhà máy”. Sau khóa huấn luyện khoảng 2-3 tháng, chó cảnh sẽ hoàn thiện các kỹ năng cơ bản như: vệ sinh đúng nơi quy định, đi, đứng, ngồi, nằm, bắt tay, giả chết… Chó nghiệp vụ phải mất khoảng 4 tháng để hoàn thiện các kỹ năng đi vệ sinh đúng nơi quy định, đứng, nằm, bò, bắt tay, cắn theo lệnh, bảo vệ chủ, bảo vệ tài sản… cho chủ. Thời gian ra đời của D.T.C không dài nhưng cũng khẳng định cuộc sống đa màu sắc trong xã hội, tình yêu dành cho thú cưng trở nên gần gũi hơn với đời sống thường nhật.

Khách du lịch thích thú với hội thi chó tại tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: A.K

Khách du lịch thích thú với hội thi chó tại tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: A.K

Chó không những được đi học mà còn tham gia đấu trường nhan sắc. Chào năm mới Mậu Tuất 2018, Khu du lịch Vinh Sang (ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) vừa tổ chức Hội thi Chó đẹp tỉnh Vĩnh Long mở rộng lần thứ I. Cuộc thi quy tụ gần trăm chú chó cảnh giống Phú Quốc, H’mong cộc, Phốc sóc… ở TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang… tham gia.

Anh Nguyễn Hồng Phương, ở TP Vĩnh Long, dẫn 2 chú chó H’mong cộc tham gia, hồ hởi nói: “Tôi nuôi 8 con chó H’mong cộc, đây là chó bản địa và là một trong 4 dòng quốc khuyển của Việt Nam (H’mong cộc, Phú Quốc, Bắc Hà và Dingo Đông Dương). Lần đầu tiên Vĩnh Long tổ chức hội thi này, tôi háo hức lắm, chứ trước đây toàn đưa lên TP Hồ Chí Minh thi nhan sắc”. Theo ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu du lịch Vinh Sang, ngày diễn ra hội thi, khu du lịch đã đón lượng khách tăng gấp 3-4 lần ngày thường. Chó là động vật thân thiện, qua cuộc thi Ban tổ chức cũng muốn truyền thông điệp cần bảo tồn và chăm sóc thú cưng này.

Anh Lương Thanh Vũ đem chó Phú Quốc đến hội thi. Ảnh: ANH KHOA

Anh Lương Thanh Vũ đem chó Phú Quốc đến hội thi. Ảnh: ANH KHOA

Chó đã đi vào ngành “công nghiệp không khói” không chỉ ở trường đua chó Phú Quốc (Kiên Giang) mà Làng du lịch Mỹ Khánh (TP Cần Thơ) cũng thường xuyên tổ chức cuộc đua chó, khách tham quan còn tham gia cá cược xem chú chó nào về nhất. Và xuân này, chó xoáy Phú Quốc được chọn là Linh vật tượng trưng cho năm Tuất tại đường hoa Nguyễn Huệ- TP Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội để nói lên tiếng lòng của người bảo tồn và cũng là cơ hội quảng bá chó xoáy Phú Quốc ra thế giới.

HOÀNG DUNG- ANH KHOA

Chia sẻ bài viết