16/11/2018 - 20:40

Chuyện giữ “ngân khố” 

Trong nhiều gia đình, người vợ thường được giao nhiệm vụ chăm sóc con cái, bếp núc, nhà cửa... Vì thế, như lẽ dĩ nhiên, đa số phụ nữ đảm nhiệm vai trò giữ chìa khóa “ngân khố” gia đình. Điều này khiến các chị luôn phải cân nhắc kỹ lưỡng bởi không khéo, để xảy ra những bất hòa vụn vặt sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Giữ “ngân khố” hợp lý sẽ giúp gia đình thêm hạnh phúc, sung túc. Ảnh minh họa

Cả tuần nay anh Ph. (phường Trà Nóc, quận Bình Thủy) cứ buồn bực trong lòng. Chiều đi làm về, anh không màng giúp vợ lặt rau, rửa chén, cười nói rôm rả như trước. Ai hỏi, anh cứ bảo “chắc muốn bệnh trong người!”. “Không bệnh sao được khi có bao nhiêu tiền lương, đem về đưa bả giữ, rồi mỗi lần kêu bả đưa tiền dằn túi, bả toàn “tài trợ” 1 tờ 50.000 đồng. Tuần này, có mấy anh em đồng nghiệp ngoài tỉnh ghé công tác hay rủ cà phê, bả khăng khăng không chịu chi thêm” - anh Ph. bộc bạch khi lai rai với người bạn chí cốt. Việc đến tai chị B.L. (vợ anh Ph.), chị nói: “Đưa chi cho nhiều, đủ đổ xăng, cà phê được rồi. Cơm nhà có sẵn. Với lại…tui cũng tiết kiệm cho cả nhà, chớ có ăn xài gì riêng đâu!”.

Gắt gao không kém, chị Huyền An (quận Ninh Kiều) công tác chung cơ quan với chồng nên tất cả khoản thu nhập của chồng đều không “thoát khỏi tay” chị. Chưa kể trước khi cưới, chị ngọt ngào “thỏa thuận” với chồng: “Sau này tiền của anh là của em!”. Vì thế, chị toàn quyền quyết định tất cả khoản chi tiêu. Mỗi khi đi đâu hay có sự kiện gì, các khoản chi được chị dự trù đâu vào đó, chồng chị muốn phát sinh thêm khoản nào đều phải thông qua chị. Mỗi dịp lễ, Tết, nghe mấy cô bạn khoe được chồng lì xì hay tặng món này món kia, chị Huyền An không ngại thẳng thắn: “Chồng mà mua quà hay lì xì, tôi sẽ hỏi tiền đâu đây!”. Dù ngoài miệng rất tự hào vì được quản lý toàn bộ thu nhập của chồng nhưng chị Huyền An cũng không tránh khỏi cảm giác buồn tủi vì đã lâu lắm chị không nhận được từ chồng món quà nào.

Chuyện “khéo ăn, khéo co” thường được giao cho người phụ nữ trong gia đình. Tuy nhiên, “tay hòm chìa khóa” đừng chỉ chuyên “nhập” mà không “xuất”. Lâu dần, sẽ dễ dẫn đến mâu thuẫn, khiến hôn nhân “mất lửa”. Tuy nhiên, ngược lại, người quản lý chi tiêu quá dễ dàng, hời hợt cũng không phải là cách hay.

Chị Thanh Vy (quận Cái Răng) được chồng tin tưởng, giao quản lý tài chính từ khi mới cưới nhau. Tháng nào, chồng cũng “nộp” tiền lương đầy đủ, để chị cân đối thu chi trong nhà. Thế nhưng, cả tháng nay, chồng chị Vy tỏ vẻ không vừa ý, thậm chí thẳng thắn trách chị không biết giữ tiền, tháng nào hết tháng đó, không tiết kiệm được đồng nào. Hỏi ra mới hay, tiền lương của chồng và của mình, chị Vy gộp lại để chung trong túi. Những lúc dạo chợ, siêu thị hay các trang mạng buôn bán, hễ thấy hàng khuyến mãi giá rẻ, chị không tiếc tiền, tha về. Mới có con đầu lòng, chị Vy hết mực cưng chìu, hễ nghe bạn bè, đồng nghiệp giới thiệu món đồ nào tốt cho con là chị tìm kiếm, hỏi mua bằng được. Đồ ăn, thức uống lúc nào cũng đầy ắp tủ lạnh. Lắm lúc ăn không kịp, các loại thực phẩm đều... hết hạn sử dụng.

 Nếu áp dụng chủ trương “tiền ai nấy xài”, đời sống hôn nhân có khi thiếu gắn kết. Còn giao 1 trong 2 người giữ tiền, thì chuyện “no và ấm” của gia đình phụ thuộc rất nhiều vào “thủ kho”. Chị Nguyễn Trúc (phường Lê Bình, quận Cái Răng) cho rằng, cần nhất có kế hoạch chi tiêu rõ ràng. Người giữ “ngân khố” phải công bằng, vợ có những khoản chi phí cá nhân thì chồng cũng vậy. Tiền của chồng làm ra đưa cho vợ quản lý nhưng vợ chỉ chuyên “nhập” mà không chịu “xuất”, khiến các đức ông chồng “cháy túi” mà phải “ngậm đắng nuốt cay”, có khi là nguyên nhân đẩy “người trụ cột” xa tổ ấm mà không hay. Còn chị Nguyễn Thanh Tâm, đang công tác ở một ngân hàng tại quận Ninh Kiều, hiến kế: “Các chị em thống nhất với chồng số tiền chi các khoản cố định như: sữa, tã, tiền học của con hay ăn uống, điện, nước, gas, đám tiệc… Phân công cả hai vợ chồng, ai có trách nhiệm gì, cần chi bao nhiêu tiền, thì cần thỏa thuận ngay từ đầu. Vợ cần tâm lý khi giữ tiền, thỉnh thoảng hỏi chồng có khoản chi thêm, nếu cần thiết, thấu tình đạt lý thì vui vẻ mở “ngân khố”. Mua sắm, chi tiêu trong kế hoạch, hướng tới mục tiêu tiết kiệm hiệu quả, ông xã càng thêm tin tưởng, nể phục bà xã”.

Tính toán chi tiêu trong gia đình tưởng dễ mà khó. Nếu người vợ biết quản lý chi tiêu hợp lý sẽ góp phần giữ hạnh phúc vững bền, trọn vẹn hơn.  

Bài, ảnh: Tâm An

Chia sẻ bài viết