23/03/2011 - 20:41

"Chuyên gia tôm sạch"

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trao giải thưởng Lương Định Của cho kỹ sư
Đỗ Quốc Phong (bên phải).

Kỹ sư Đỗ Quốc Phong, cán bộ Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (TTKNKN) tỉnh Trà Vinh, là một trong 100 gương mặt thanh niên nông thôn đạt thành tích đặc biệt xuất sắc và tiêu biểu cho cán bộ khoa học, doanh nghiệp, nông dân trong sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới được trao tặng “Giải thưởng Lương Định Của” năm 2010. Ngoài ra, anh còn được lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động vì có thành tích đóng góp xuất sắc trong tư vấn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ nông dân nuôi tôm sú nhiều năm liền thắng lớn...

* Bảy năm miệt mài...!

Tốt nghiệp Đại học Cần Thơ ngành Nông học năm 2002, ở tuổi 25, trong khi nhiều bạn đồng nghiệp trụ lại thành thị công tác để tìm cơ hội học tập và tiến thân, thì kỹ sư Đỗ Quốc Phong lại chọn vùng đất nhiễm phèn mặn ven biển Cầu Ngang, Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) để “làm thuê” cho những nông dân nghèo “tay lấm chân bùn”. “A lô, A lô,... kỹ sư Phong ơi! Tôm của tôi nổi đầu tắp mé, giờ xử lý làm sao?”, “Tôm nhà tôi đen mang rồi kỹ sư ơi?...”. Cứ thế, khi nhận được điện thoại của nông dân, anh liền đến tận nơi giúp đỡ, tư vấn kỹ thuật đến nơi đến chốn, chữa khỏi bệnh ngay.

Ông Nguyễn Văn Hồ ở ấp 5, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, một trong những tỉ phú nuôi tôm vùng này, nhớ lại: “So với nhiều vùng khác, nghề nuôi tôm sú Mỹ Long Nam phát triển chậm. Những năm 2003 - 2004 trong khi nhiều nơi dịch bệnh tôm sú tràn lan, người nuôi tôm vỡ nợ, thì tại vùng tôm Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang nghề nuôi tôm liên tiếp trúng mùa. Trong sự thành công này nông dân chúng tôi không quên ơn kỹ sư Phong. 5 năm liền tôi thu lợi nhuận từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng mỗi năm, nhờ học cách nuôi tôm theo hướng dẫn của “chuyên gia” tôm Đỗ Quốc Phong. Riêng, năm 2010 với diện tích 2,7 ha thả nuôi 620.000 con giống do kỹ sư Phong tư vấn kỹ thuật, tôi thu hoạch trên 40 tấn tôm thương phẩm, bán được 4,6 tỉ đồng, trừ chi phí lãi 2,2 tỉ đồng. Từ thành công của tôi, bà con trong vùng mời kỹ sư Phong tư vấn và nhân rộng mô hình này”.

Không riêng ông Hồ, vụ tôm sú 2010, ở vùng tôm xã Mỹ Long Nam, huyên Cầu Ngang còn có 17 hộ trở thành tỉ phú, hàng ngàn hộ trở thành triệu phú nhờ được tư vấn kỹ thuật nuôi tôm của “chuyên gia” Đỗ Quốc Phong. Ông Nguyễn Văn Thưởng, thành viên câu lạc bộ nuôi tôm cộng đồng ấp Khúc Ngay, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang, kể: “Nông dân vùng này trước đây nuôi tôm chà mù, nhờ “chuyên gia” tôm Quốc Phong tận tình hướng dẫn mà nay cuộc sống của người dân nuôi tôm khá lên. Riêng gia đình tôi liên tiếp 3 vụ thắng lớn. Vụ tôm 2010, tôi thả nuôi 150.000 con trên diện tích 1ha mặt nước, kết quả thu hoạch hơn 5,5 tấn tôm thương phẩm, trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng. Nhờ trúng tôm, tôi vừa cất ngôi nhà tường khang trang trị giá hơn 200 triệu đồng”.

* “Chuyên gia tôm sạch”

Những ngày trước khi lên máy bay ra Hà Nội nhận “Giải thưởng Lương Định Của” - ngày 25 tháng 12 năm 2010 do Trung ương Đoàn trao tặng, nhà khoa học trẻ Đỗ Quốc Phong bày tỏ: “Để có được con tôm xuất khẩu đem về ngoại tệ cho quốc gia, nông dân nuôi tôm Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng phải trải qua biết bao nhiêu gian truân, cực khổ, từ khâu tuyển chọn con giống, vốn đầu tư, “khắc chế” tác động xấu môi trường, thời tiết, dịch bệnh đến giá cả đầu ra... Nuôi tôm sạch không sử dụng chất kháng sinh để con tôm Việt Nam xuất khẩu có giá, nông dân giàu lên là một vấn đề bức bách hiện nay. Những năm qua mô hình nuôi tôm sinh học hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh đã được thực nghiệm ở nhiều đồng tôm trong tỉnh đã được tôi tư vấn. Điển hình tại “mỏ tôm” của huyện Cầu Ngang sau 3 năm gần đây được Trung tâm KNKN Trà Vinh đầu tư xây dựng khoảng 100 mô hình nuôi tôm sạch, kết quả bước đầu mang lại rất khả quan. Cụ thể năm 2010, đầu tư 30 mô hình thực nghiệm có 100% mô hình đều có lãi. Bình quân mỗi héc-ta lãi 400 triệu đồng, điển hình như hộ ông Võ Văn Hiền, Bùi Văn Hận. Cá biệt có hộ Nguyễn Văn Hồ thả nuôi diện tích 2,7 ha lãi hơn 2,2 tỉ đồng, Võ Quốc Dũng thả nuôi diện tích 24 ha, thu lãi hơn 3 tỉ đồng... Từ thắng lợi của những mô hình này sẽ là điểm sáng để nhân rộng mô hình nuôi tôm sạch toàn vùng trong năm 2011 và những năm tiếp theo, để nông dân nuôi tôm không “mắc cạn” trong cuộc cạnh tranh mới về chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Ông Phạm Văn Liêm - Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh), nhận định: “Vùng tôm Mỹ Long Nam được phát triển bắt đầu từ những năm 2002 - 2003 cho đến nay bà con nuôi tôm đều thắng lợi. Nhất là những trang trại, hộ nuôi tôm công nghiệp đều bất bại; trong đó công lao đóng góp rất lớn của kỹ sư Phong, từ là anh kỹ thuật không tên tuổi đến nay được bà con nuôi tôm phong cho Quốc Phong là “Chuyên gia tôm sạch”. Nhờ công sức đóng góp của Phong mà hôm nay người dân nuôi tôm Mỹ Long Nam thoát nghèo vươn lên làm giàu. Mỹ Long Nam ngày càng đỏ da, thắm thịt, kinh tế xã hội địa phương mỗi năm đều tăng trưởng khá.

Kỹ sư Nguyễn Văn Phùng - Phó Giám đốc Trung tâm KNKN tỉnh Trà Vinh kể về người đồng nghiệp - kỹ sư trẻ Đỗ Quốc Phong với cả tự hào: “Tận tụy, dấn thân với nghề, với công việc, với nông dân là phẩm chất nổi trội ở Phong. Thành công của vùng tôm biển Cầu Ngang ngày hôm nay có công đóng góp đáng trân trọng của kỹ sư Phong.

Để trả công cho nhà khoa học trẻ Đỗ Quốc Phong, bà con nông dân ký kết hợp đồng “thuê” kỹ sư Phong tư vấn riêng cho đồng tôm của từng hộ gia đình, tỷ lệ “trả công” là 5% lợi nhuận của từng hộ. Từ năm 2005 đến nay, bình quân mỗi vụ tôm 4 tháng anh được bà con “trả lương” 100 triệu đồng từ thành quả lợi nhuận mang lại. Với nguồn thu nhập 100 triệu đồng “tư vấn kỹ thuật” cho nông dân hàng năm, anh trích lại 30% (30 triệu đồng) cho quỹ phúc lợi cơ quan.

Tại Hội nghị Điển hình tiên tiến ngành NN&PTNT tỉnh Trà Vinh 2010, ông Lâm Thanh Bình, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, biểu dương thành tích tiêu biểu của kỹ sư Phong và yêu cầu sớm hoàn thành thủ tục để Sở trình UBND tỉnh đề nghị về Trung ương tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 cho kỹ sư Đỗ Quốc Phong”.

Bài, ảnh: NGUYỄN DŨNG

Chia sẻ bài viết