04/11/2015 - 14:12

TỔ HỢP TÁC KHIẾT TÂM

Chuyển đổi sang hình thức hợp tác xã để tăng sức cạnh tranh

Tổ hợp tác Khiết Tâm, ấp D2, xã Thạnh Lợi, được thành lập từ vụ đông xuân 2011-2012, là một trong những tổ hợp tác sản xuất lúa làm ăn có hiệu quả gắn với sự phát triển cánh đồng lớn của huyện Vĩnh Thạnh. Với mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất, cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, Tổ hợp tác Khiết Tâm đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để thành lập hợp tác xã, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng gia nhập thị trường.

Tổ hợp tác Khiết Tâm hiện có 40 thành viên, diện tích sản xuất khoảng 340ha. Tổ hợp tác chuyên sản xuất lúa hàng hóa, lúa giống và được các doanh nghiệp vào ký hợp đồng bao tiêu đầu ra: Công ty Gentraco ký kết hợp đồng bao tiêu lúa Jasmine 85 để xuất khẩu, Tổng Công ty Giống Cây trồng Thái Bình ký hợp đồng sản xuất giống lúa BC 15. Đây là một trong những tổ hợp tác sản xuất lúa được đầu tư khá bài bản nhờ được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP) của Ngân hàng Thế giới xây dựng 1 kho chứa 1.000 tấn, 1 lò sấy công suất 40 tấn/mẻ và mua 1 máy gặt đập liên hợp để hoàn thiện quy trình sản xuất, đảm bảo khâu thu hoạch và sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung (bìa trái) tham quan cơ sở hạ tầng của Tổ hợp tác Khiết Tâm.

Chuyển đổi sang hình thức hợp tác xã là yêu cầu tất yếu đối với Tổ hợp tác Khiết Tâm. Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Tổ trưởng Tổ hợp tác Khiết Tâm, cho biết: "Nhìn chung, các thành viên tham gia đã hợp tác với nhau nhiều năm nên có sự tin tưởng, đồng thuận cao trong công việc, có kinh nghiệm sản xuất lâu năm. Trước đây, Tổ hợp tác chủ yếu sản xuất lúa hàng hóa và một phần lúa giống, riêng phần cung ứng dịch vụ chưa thực hiện nhiều. Khi chuyển đổi sang hợp tác xã sẽ tập trung thêm phần cung ứng dịch vụ. Theo đó, hợp tác xã sẽ huy động vốn từ các thành viên và tranh thủ thêm nguồn vốn vay để trang bị máy móc, thiết bị để cung cấp các dịch vụ làm đất, thu hoạch, sấy lúa... Ngoài ra, hợp tác xã cũng sẽ vận động thêm máy móc của các nông hộ bên ngoài để mở rộng phạm vi hoạt động và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho bà con nông dân".

Khu vực sản xuất lúa của Tổ hợp tác Khiết Tâm nằm trong cánh đồng lớn ấp D2 của xã Thạnh Lợi có diện tích hơn 1.200ha. Không chỉ các thành viên của Tổ mà các nông hộ thành viên của cánh đồng lớn đều có kinh nghiệm trong sản xuất các giống lúa chất lượng cao, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Do đó, khả năng mở rộng diện tích canh tác của hợp tác xã rất thuận lợi. Các thành viên sẵn sàng tham gia vào quy trình sản xuất theo yêu cầu của các đối tác, doanh nghiệp. Theo kế hoạch đề ra, khi chuyển đổi hoạt động theo mô hình hợp tác xã, Khiết Tâm sẽ tập trung vào các hoạt động chính như sản xuất lúa giống cung cấp cho Tổng Công ty Giống Cây trồng Thái Bình với sản lượng dự kiến 400 tấn/năm; sản xuất giống phục vụ nhu cầu tại chỗ với sản lượng 90 tấn/năm; cung cấp dịch vụ làm đất, thu hoạch, sấy lúa, thu gom lúa theo hợp đồng bao tiêu. Ông Đoàn Đức Thắng, thành viên Tổ hợp tác Khiết Tâm, cho biết: "Hiện nay, nông dân nhận thức rất tốt về việc sử dụng giống lúa cấp xác nhận để gieo sạ. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn giống này còn khó khăn. Do đó, trong chiến lược phát triển, hợp tác xã sau khi thành lập sẽ chú trọng đến khâu sản xuất lúa giống cung ứng cho nhu cầu tại chỗ và một số địa phương lân cận. Để chuyển đổi thành công sang mô hình hợp tác xã, Tổ hợp tác Khiết Tâm kiến nghị thành phố, ngành nông nghiệp và địa phương hỗ trợ đầu tư trạm bơm điện phục vụ cho khu vực sản xuất tập trung nhằm chủ động hơn trong quá trình canh tác lúa".

Hiện nay, Tổ hợp tác Khiết Tâm đã chuẩn bị các thủ tục cần thiết để chuyển đổi sang thành lập hợp tác xã, thời gian dự kiến trong tháng 11-2015. Mới đây, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố cùng các sở, ngành hữu quan đã có buổi khảo sát và làm việc với Tổ hợp tác Khiết Tâm về công tác chuẩn bị thành lập hợp tác xã. Đối với nhu cầu đầu tư trạm bơm điện tại khu vực sản xuất của cánh đồng lớn ấp D2, ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố đang triển khai dự án đầu tư trạm bơm điện phục vụ cho nhu cầu sản xuất tại 4 huyện trên địa bàn.Với nhu cầu bức thiết về trạm bơm điện phục vụ nhu cầu sản xuất lúa của Tổ hợp tác Khiết Tâm, địa phương cần đề xuất về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp danh mục các địa bàn ưu tiên đầu tư trạm bơm điện về cho Sở Công thương nhằm tranh thủ được các gói thầu sớm nhất của dự án.

Qua làm việc, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung chỉ đạo: Để chuyển đổi thành công sang hợp tác xã, Tổ hợp tác Khiết Tâm cần có bước chuẩn bị về mọi mặt, tập trung xây dựng phương án kinh doanh hợp lý, đầu tư nâng chất các loại hình dịch vụ sẽ cung cấp cho nông dân, gắn với đảm bảo lợi nhuận cho xã viên hợp tác xã. Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo cán bộ quản lý, điều hành để hợp tác xã đi vào hoạt động bài bản. Về phía các sở ngành hữu quan cần hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Tổ hợp tác Khiết Tâm chuyển đổi sang hợp tác xã, nhất là tiếp cận vốn vay đầu tư mở rộng nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc, nhất là ưu tiên đầu tư hệ thống điện thỏa đáng để góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết