02/08/2018 - 05:30

Chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp - chưa đạt kỳ vọng! 

Chuyển đổi hộ kinh doanh (HKD) lên doanh nghiệp (DN) là chủ trương vừa có lợi cho DN chuyển đổi, vừa có lợi cho nền kinh tế. Sau khi chuyển đổi giúp DN tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, với tư cách pháp nhân là DN thì hàng hóa cũng dễ thâm nhập vào các hệ thống phân phối hơn. Qua đó, tạo điều kiện phát triển và bảo vệ thương hiệu, thuận lợi huy động vốn khi phát triển quy mô và hơn hết dễ gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặc dù triển khai nhiều giải pháp cũng như các chính sách hỗ trợ, song việc chuyển đổi HKD lên DN trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Còn nhiều lo ngại

Theo Cục Thuế TP Cần Thơ, thực hiện chủ trương chuyển đổi HKD lên DN, TP Cần Thơ đã tổ chức rà soát, xác định các đối tượng vận động chuyển đổi sang loại hình DN để phấn đấu đến năm 2020, vận động 1.400 hộ sản xuất kinh doanh chuyển sang loại hình DN. Trong đó, năm 2017 chuyển đổi 210 hộ, năm 2018 là 390 hộ, năm 2019 là 390 hộ và năm 2020 là 410 hộ. Đối tượng vận động là các hộ sản xuất kinh doanh có sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và hộ sản xuất kinh doanh có mức doanh thu từ 1 tỉ đồng/năm trở lên. Cục Thuế thành phố đã thành lập Tổ chỉ đạo phát triển DN từ hộ, cá nhân sản xuất kinh doanh đến năm 2020; đồng thời xây dựng kế hoạch chỉ đạo các Chi cục Thuế quận, huyện triển khai thực hiện.

Chuyển đổi lên doanh nghiệp với nhiều lợi ích và nhận được ưu đãi từ Chính phủ. Trong ảnh: Hoạt động tại Cơ sở May Thúy  - Thơ, huyện Thới Lai. Ảnh: LẠC MẪN
Chuyển đổi lên doanh nghiệp với nhiều lợi ích và nhận được ưu đãi từ Chính phủ. Trong ảnh: Hoạt động tại Cơ sở May Thúy  - Thơ, huyện Thới Lai. Ảnh: LẠC MẪN

  Theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11-3-2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ, DN vừa và nhỏ chuyển đổi từ HKD được hưởng một số ưu đãi như sau: miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; được tư vấn hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện. DN vừa và nhỏ chuyển đổi từ HKD vẫn sản xuất kinh doanh ngành nghề kinh doanh, có điều kiện mà thay đổi về quy mô thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn miễn phí về quy trình, thủ tục việc cấp phép lần đầu…

Ông Nguyễn Thành Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Thuế quận Ninh Kiều cho biết: Đến năm 2020, Chi cục vận động 860 HKD chuyển lên DN. Chi cục đã thành lập Tổ triển khai phát triển DN từ HKD giai đoạn từ năm 2017-2020 và xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, phấn đấu đạt chỉ tiêu được giao. Đồng thời, tham mưu UBND quận chỉ đạo các phòng, ban, UBND các phường phối hợp tuyên truyền, vận động HKD chuyển lên DN. Chi cục rà soát, xác định đối tượng thực hiện phân kỳ vận động chuyển đổi, giao chỉ tiêu cụ thể. Tiêu chí xác định căn cứ vào HKD tự giác đăng ký, HKD có mức doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng từ 1 tỉ đồng/năm trở lên, ưu tiên mức doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng từ cao đến thấp. Ngoài các tiêu chí trên, nếu HKD có yêu cầu đăng ký thành lập DN, Đội thuế sẽ hỗ trợ, hướng dẫn tạo mọi điều kiện thuận lợi để HKD đăng ký và thành lập DN theo quy định.

Dù tích cực triển khai, nhưng số DN chuyển đổi từ HKD của thành phố không đạt như mục tiêu đề ra. Đến ngày 30-6-2018, số HKD chuyển lên DN là 55/390 hộ, đạt 14,1%. Lũy kế từ năm 2017 đến nay chuyển lên DN 141/600 hộ, đạt 23,5% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, Chi cục Thuế quận Bình Thủy vận động 25/40 hộ đạt 62,5%, Chi cục Thuế huyện Phong Điền vận động 10/20 hộ đạt 50%, Chi cục Thuế huyện Thới Lai vận động 8/20 hộ đạt 40%... thấp nhất là quận Ninh Kiều 45/350 hộ đạt 12,9%.

Theo ý kiến từ các Chi cục Thuế quận, huyện trên địa bàn, qua thực tế vận động tại cơ sở thì HKD còn tâm lý lo ngại khi chuyển lên DN. Cụ thể, DN sẽ phải mở sổ sách, thuê kế toán, lập báo cáo tài chính, lưu giữ hóa đơn, sổ sách…; thủ tục hành chính phức tạp hơn như: bảo hiểm, lao động, phòng cháy chữa cháy… sẽ tăng thêm chi phí. Nhiều HKD giữ quan điểm nộp thuế theo hình thức khoán thuế hằng tháng và không muốn thay đổi. Các HKD ngành nghề như: mua bán tạp hóa, đồ điện, điện tử, thực phẩm chế biến, ăn uống, vật liệu xây dựng… thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu tại địa phương, trong phạm vi nhỏ nên nhiều hộ chưa sẵn sàng chuyển đổi lên DN. Ngoài ra, đội ngũ lao động không ổn định và thường xuyên thay đổi nên một số HKD không muốn mở rộng quy mô sản xuất…

Tăng cường tuyên truyền, vận động

  Ông Lê Tấn Nẫm, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ, cho biết: Chuyển đổi từ HKD lên DN hiện nay chỉ dừng ở việc tuyên truyền, vận động các hộ tự nguyện chuyển đổi mà chưa có chế tài hay quy định nào áp dụng về vấn đề này. Do vậy, công tác phát triển DN từ HKD của thành phố còn nhiều khó khăn, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Trước mắt ngành thuế thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động để các HKD hiểu rõ lợi ích và tự nguyện chuyển đổi mô hình sang DN. Mặt khác, Cục Thuế thành phố đang liên hệ với Cục Thuế TP Hồ Chí Minh học tập kinh nghiệm trong vấn đề này. Bởi đây là địa phương thực hiện tốt công tác chuyển đổi HKD lên DN…

Là đơn vị đạt tỷ lệ chuyển đổi HKD lên DN cao nhất trên địa bàn với 62,5%, theo chia sẻ kinh nghiệm từ Chi cục Thuế quận Bình Thủy, rào cản lớn nhất đối với đại bộ phận các HKD vẫn là tâm lý lo ngại, nghĩ rằng DN phải có quy mô lớn, phát sinh chi phí tổ chức quản lý, thực hiện các thủ tục về thuế… Do vậy, song song với việc đưa ra các giải pháp ban đầu để hỗ trợ miễn phí các phần mềm quản lý, Chi cục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các hộ để bổ sung thêm những giải pháp phù hợp. Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên và các nội dung tuyên truyền phải cụ thể, phù hợp với những khó khăn, vướng mắc của từng hộ. Đặc biệt phải giúp các hộ hiểu được ý nghĩa của việc chuyển đổi từ HKD sang DN. Các DN mới thành lập chuyển đổi từ HKD được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện thủ tục, hồ sơ tập trung một đầu mối tại Chi cục Thuế và được cán bộ Chi cục hỗ trợ thực hiện. Đồng thời hướng dẫn kê khai thuế, thông báo phát hành hóa đơn, các vướng mắc và sai sót thường gặp khi mới thành lập DN…

Để công tác vận động HKD chuyển đổi lên DN đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, theo đề xuất của một số Chi cục Thuế trên địa bàn thành phố cần có thêm cơ chế, chính sách ưu đãi đối với DN mới chuyển đổi từ HKD về đầu tư, về thuế, về tín dụng… Đồng thời, hỗ trợ các DN tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất phù hợp, giúp DN duy trì, ổn định sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, xem xét, sửa đổi chế độ kê khai thuế đối với DN mới chuyển đổi từ HKD theo hướng đơn giản.

LẠC MẪN

Chia sẻ bài viết