18/05/2013 - 21:09

Chuyển biến tích cực trong quản lý thị trường vàng

Mua bán vàng tại Công ty Cổ phần vàng bạc đá quí SJC Cần Thơ. Ảnh: N. HƯƠNG

Thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012 (Nghị định 24) của Chính phủ về kinh doanh, mua bán vàng; trong đó có quy định cấp phép sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ thuộc thẩm quyền cấp phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, thành phố. Theo đó,  sau ngày 24-5-2013, các tổ chức, cá nhân đang sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ do NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ cấp sẽ không được phép thực hiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Chuyển biến tích cực

Nghị định 24 của Chính phủ nhằm hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế cũng như siết chặt quản lý hoạt động sản xuất - kinh doanh vàng. Nghị định 24 được ban hành, điều chỉnh từ hoạt động sản xuất, gia công, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; cho đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng và cả các hoạt động kinh doanh vàng khác, bao gồm cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng. Với Nghị định 24, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất - nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; một trong những điều kiện kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ là đối tượng doanh nghiệp. Do vậy, hộ kinh doanh không thuộc đối tượng mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ. Để được mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ, hộ kinh doanh phải đăng ký thành lập doanh nghiệp và phải đáp ứng đầy đủ một số điều kiện theo quy định tại Điều 8 của Nghị định 24. Các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn phải thực hiện hoàn tất đăng ký kinh doanh lại với Sở Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời tiến hành thủ tục đề nghị NHNN chi nhánh tỉnh, thành để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định trước ngày 24-5-2013.

Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, chi nhánh đã tổ chức hội nghị triển khai đến cơ sở, tổ chức hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn về nội dung Nghị định 24 và Thông tư hướng dẫn số 16/2012/TT-NHNN ngày 25-5-2012 của Thống đốc NHNN, Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 16-10-2012 của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ về việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn thành phố. Tiếp đó, chi nhánh có văn bản tiếp tục thông báo đến các cơ sở có hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn. Đến nay, các tổ chức có hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn đã thực hiện đăng ký kinh doanh lại với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố và đang hoàn tất thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ tại chi nhánh thành phố theo quy định. Quá trình thực hiện, việc cấp Giấy chứng nhận rất thuận lợi, hồ sơ, thủ tục đăng ký hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ đơn giản. Doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được NHNN Chi nhánh cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải đáp ứng đủ các điều kiện: Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Sau 1 năm Nghị định 24 có hiệu lực (hiệu lực từ tháng 5-2012) thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP ngày 9-12-1999 của Chính phủ dù vẫn còn một số tồn tại nhất định, nhưng đã có những kết quả tích cực trong quản lý, điều hành thị trường vàng. Từ năm 1999 Nghị định 174 là cơ sở pháp lý cho hoạt động kinh doanh vàng của doanh nghiệp, thể hiện rõ hơn chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành liên quan; tuy nhiên, vàng thế giới tăng mạnh từ năm 2008- 2011 (tăng 300%) đã tác động mạnh mẽ đến thị trường vàng trong nước và Nghị định 174 đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý, điều hành. Thực hiện Nghị định 24, việc cấp Giấy chứng nhận sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; kinh doanh vàng miếng nhằm bảo đảm sản xuất kinh doanh vàng miếng; vàng trang sức, mỹ nghệ đi vào nề nếp, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp kinh doanh chân chính trong lĩnh vực này.

Lập lại trật tự kinh doanh

Theo Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ), tính từ ngày 11-7-2012 đến 30-4-2013 từ khi Nghị định 24 có hiệu lực, sở đã cấp 100 Giấy chứng nhận đăng ký sản xuất, kinh doanh vàng (kể cả cấp mới và thay đổi đăng ký kinh doanh); đồng thời đang thẩm định thêm một số hồ sơ. Thời gian đầu triển khai vẫn còn nhiều băn khoăn từ phía các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng trên địa bàn, như: các thủ tục cấp phép kinh doanh, đăng ký kinh doanh và gia công, sản xuất vàng; có hộ kinh doanh trước đây đã thành lập doanh nghiệp để kinh doanh vàng, nhưng không hiệu quả phải giải thể doanh nghiệp và trở lại kinh doanh cá thể, nên ngại với các thủ tục đăng ký lại; hay doanh nghiệp còn băn khoăn với việc ký hợp đồng gia công vàng nhẫn đối với các hộ kinh doanh; việc thực hiện thủ tục kê khai thuế cũng là mối lo lớn của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Về vấn đề này, ngày 25-2-2013, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống trong cuộc họp với các sở, ngành liên quan về tình hình kinh doanh xăng dầu, thu mua tạm trữ lúa gạo, kinh doanh vàng… trên địa bàn thành phố đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Cục Thuế thành phố rà soát các thủ tục, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thuận lợi. Nhìn chung đến nay, công tác cấp Giấy phép trên địa bàn khá thuận lợi.

Theo ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, các cơ sở, tổ chức hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn có trách nhiệm chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý kinh doanh vàng. Mọi trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định pháp luật hiện hành. Ngoài ra, tháng 4-2013, chi nhánh cũng đã triển khai Công văn số 1889/NHNN-QLNH về việc chấp hành quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng thành đồng Việt Nam hoặc các hình thức bằng tiền khác cũng như không được sử dụng vàng huy động để cầm cố, thế chấp, ký quỹ bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tiền vay tại TCTD khác. TCTD không được cho khách hàng vay vốn để mua vàng, trừ trường hợp được Thống đốc NHNN chấp thuận cho phép vay vốn mua vàng để sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ. TCTD thực hiện các biện pháp cần thiết để thu hồi các khoản cho vay bằng vàng hoặc chuyển đổi dư nợ sang đồng Việt Nam; không được gia hạn các khoản vay trên nhằm khẩn trương tất toán số dư huy động và cho vay vốn bằng vàng theo quy định tại Thông tư 12/2012/TT-NHNN…

Mặc dù còn hạn chế nhất định trong thiết lập lại trật tự kinh doanh vàng trong nước, nhưng những quyết định điều hành thị trường vàng của NHNN đang phát huy hiệu quả. Các chuyên gia cũng nhận định, chính sách ra đời cần có độ trễ nhất định, do vậy cần thêm thời gian nữa để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý, điều hành trong cân bằng cung - cầu thị trường vàng.

Song Nguyên

 

Chia sẻ bài viết