06/10/2018 - 16:19

Chuyển biến tích cực trong huy động nguồn lực đầu tư 

Trong gần 3 năm qua (2016-2018), TP Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực đầu tư. Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng Cần Thơ đã và đang có nhiều bước chuyển mới trong phát triển.

Tăng các nguồn lực đầu tư

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, ước trong 3 năm (2016-2018), thành phố cấp mới đăng ký cho 4.118 doanh nghiệp (DN) các loại hình, tổng vốn đăng ký 18.024 tỉ đồng, tăng bình quân 11%/năm số DN và tăng 19,9%/năm số vốn đăng ký. Cùng với sự tăng nhanh về số lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của thành phố. Hằng năm, thu ngân sách từ khu vực DN ngoài nhà nước chiếm trên 30% tổng thu nội địa trên địa bàn.


TP Cần Thơ luôn nỗ lực đồng hành cùng DN trong hoạt động (Ảnh: Chế biến sản phẩm cá tra xuất khẩu tại Công ty South Vina, KCN Trà Nóc 2). Ảnh: THU HÀ

Để huy động các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là hỗ trợ cho DN hoạt động, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc và đồng hành cùng DN trong phát triển. Thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Doanh nghiệp năm 2014 để tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình DN phát triển, gia nhập thị trường. Theo đó, thời gian cấp đăng ký trung bình đối với hồ sơ thành lập mới DN được thực hiện trong 1,86 ngày (nhanh hơn so với quy định là 3 ngày làm việc) và cấp đăng ký thay đổi đăng ký DN thấp hơn 3 ngày làm việc so với quy định. Triển khai dịch vụ đăng ký DN qua mạng điện tử theo mô hình dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong thực hiện thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) cũng được chú trọng, ước trong 3 năm qua, các KCN thu hút thêm 30 dự án đầu tư mới, nâng tổng số dự án đang hoạt động lên 243 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 1,86 tỉ USD, các DN đang hoạt động trong KCN đã thực hiện nộp thuế cho ngân sách nhà nước khoảng 5.626 tỉ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lao động… Theo đánh giá của thành phố trong 3 năm qua, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Sản xuất công nghiệp tập trung vào phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng, có lợi thế cạnh tranh; thương mại, dịch vụ đóng vai trò trung tâm vùng. Đồng thời, sự chủ động của các sở, ngành trong kết nối các DN với các tỉnh, thành phố cả nước tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đã thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn phát triển.

Song, nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển kinh tế của thành phố vẫn chưa tạo sức lan tỏa vùng và môi trường đầu tư, kinh doanh cũng chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Để khắc phục những hạn chế, tạo đột phá trong phát triển thời gian tới cần giải pháp căn cơ.

Nhận diện thách thức để phát triển

Nhận định về sự phát triển, lãnh đạo thành phố cũng nhìn nhận môi trường, thông tin kinh tế - xã hội, dự án kêu gọi đầu tư, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của thành phố chưa đủ sức hấp dẫn các tập đoàn, tổng công ty lớn trong và ngoài nước. Thành phố chưa có nhiều công trình, dự án mang tầm quốc gia và quốc tế, chưa có dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư được triển khai hiệu quả cao. Thêm vào đó, sản xuất công nghiệp chưa có dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại; công nghiệp phụ trợ yếu, nhỏ lẻ và manh mún; năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.  Hoạt động logistics triển khai chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, chưa phát huy được trung tâm dịch vụ vùng.

So với các địa phương trong vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ có hệ thống hạ tầng giao thông vận tải phát triển tương đối nhưng chưa phát huy đúng mức công năng là đầu mối giao thông vận tải của vùng. Các Cảng Cần Thơ, Cái Cui chưa phát huy hết công suất, luồng tàu từ cửa biển Định An vào sông Hậu thường xuyên bị bồi lắng, không thông suốt, ảnh hưởng lớn đến năng lực xuất nhập khẩu của thành phố và các tỉnh trong vùng… Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động, nhất là trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, DN sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại. Ngoài ra, một số nhà đầu tư, DN chậm triển khai, kéo dài một số công trình, dự án hạ tầng kinh tế-xã hội cũng tạo nên những điểm nghẽn làm chậm quá trình phát triển kinh tế của thành phố.

Giai đoạn 2016-2020, thành phố đặt ra mục tiêu có thêm 4.979 DN thành lập mới, vốn đăng ký kinh doanh 19.900 tỉ đồng. So với mục tiêu 5 năm thì hiện tại thành phố đã đạt 82,7% kế hoạch về số DN đăng ký và đạt 90,6% kế hoạch vốn đăng ký. Trong đó, năm 2016 là năm có số DN thành lập mới cao nhất với 1.200 DN. Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 và TP Cần Thơ cũng đã ký Bản cam kết với VCCI về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN hoạt động, khởi nghiệp (ký vào tháng 6-2016), đồng thời đề ra mục tiêu phát triển mới gần 7.000 DN, nâng tổng số DN trên địa bàn lên 13.800 DN, đóng góp 63% GRDP. Nguồn phát triển DN mới được tính toán dựa trên con số khoảng hơn 70.000 hộ kinh doanh cá thể của thành phố.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, thời gian gần đây, DN đăng ký thành lập mới tăng khả quan, nhất là số hộ kinh doanh cá thể chuyển lên thành lập DN. Tuy nhiên, cũng còn nhiều điểm vướng cần tháo gỡ và rất cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở ngành thành phố và địa phương trong việc hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển lên thành lập DN để đạt mục tiêu 7.000 DN thành lập mới theo như cam kết. Trên thực tế, TP Cần Thơ đang có nhiều lợi thế trong phát triển, nhất là việc tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn, với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và nhiều tập đoàn lớn trong ngoài nước hồi tháng 8-2018 vừa qua.

Thành phố đang nỗ lực để khẳng định vai trò trung tâm vùng ĐBSCL, thì việc huy động các nguồn lực đầu tư cho quá trình phát triển kinh tế- xã hội cần được tính toán căn cơ với những giải pháp mang tính đột phá. Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành cần rà soát các quy hoạch, các chính sách hỗ trợ, đầu tư và phát triển cho DN. Mới đây, chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 9-2018 và cũng để đánh khả năng hoàn thành các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018, Chủ tịch UBND thành phố Võ Thành Thống yêu cầu các sở, ngành và địa phương phải tăng cường tháo gỡ khó khăn cho DN, cho các dự án đầu tư. Trong trường hợp nhà đầu tư cố tình kéo dài dự án và không đủ năng lực triển khai dự án phải trình thành phố để thu hồi chủ trương, tạo cơ hội cho nhà đầu tư có đủ năng lực hơn. Đồng thời phải tạo môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch, để thu hút các nguồn lực đầu tư vào thành phố.

GIA BẢO - KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết