12/03/2016 - 09:43

Chương trình WINDY, hướng học sinh bảo vệ môi trường

Nhằm thúc đẩy công tác cải thiện điều kiện học tập và bảo vệ môi trường cho học sinh trung học dựa trên sự hợp tác phát triển, Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Sức khỏe và An toàn Lao động Tokyo Nhật Bản và các trường THPT trên địa bàn thành phố thực hiện chương trình WINDY. Thời gian qua, học sinh thực hiện các cải tiến hữu hiệu, bảo vệ môi trường trong lành và hỗ trợ các địa phương trong việc phát triển cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng nông thôn mới…

Chương trình WINDY ứng dụng nguyên lý của phương pháp giáo dục hành động (GDHĐ) và hợp tác, có sự tham gia của cộng đồng, với mục đích hướng học sinh phổ thông chủ động bảo vệ môi trường sống lành mạnh, bền vững. Từ năm 2011-2013, phương pháp GDHĐ được ứng dụng cho đối tượng học sinh phổ thông, hưởng ứng phong trào Năm Thanh niên 2011 do Trung ương Đoàn TNCS HCM phát động, qua dự án WINDY. Dự án được thực hiện thử nghiệm 3 năm tại Trường THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng, huyện Cờ Đỏ. Đây là ứng dụng của chương trình GDHĐ WIND "phát triển tình làng nghĩa xóm để cải thiện điều kiện làm việc cho giới trẻ trong việc tích cực tham gia bảo vệ môi trường". Khóa đào tạo học sinh tham gia dự án được gọi là Khóa đào tạo WINDY.

Tham gia chương trình WINDY, học sinh tái chế chai, nhựa, ống hút… bỏ đi, làm thành vật dụng sinh hoạt.

Tiến sĩ Nguyễn Phương Toại, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, cho biết: "Thời gian qua, dự án mở 7 lớp WINDY và 1 lớp giảng viên cho giai đoạn thử nghiệm. Kết quả cho thấy, các em thực hiện nhiều cải tiến sáng tạo cho học tập, gia đình và lao động. Giai đoạn nhân rộng chương trình WINDY cho nhiều trường trong TP Cần Thơ. Thời gian tới, chương trình cần huy động thêm sự tham gia của phụ huynh học sinh". Chương trình được quỹ môi trường toàn cầu Nhật Bản tài trợ từ năm 2014-2016, UBND TP Cần Thơ đồng ý qua Công văn số 4619/UBNB - VX và Quyết định số 1077/QĐ-UBND của UBND TP Cần Thơ về việc phê duyệt dự án "Tổ chức chương trình đào tạo giảng viên để nhân rộng hoạt động bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ ĐBSCL".

Tham gia chương trình, sau 1 ngày tập huấn, học viên được hướng dẫn thảo luận những chủ đề và giải pháp thiết thực cho việc cải thiện điều kiện học tập và bảo vệ môi trường. Qua đó lập các kế hoạch tự hành động thực hiện cải tiến với chi phí thấp tại nhà và ở trường dựa vào 3 chủ đề: Tạo môi trường sống lành mạnh và thoải mái; làm nông nghiệp thân thiện với môi trường; hợp tác với cộng đồng trong giảm và tái sử dụng . Chương trình giúp nâng cao nhận thức của học sinh, gia đình và hàng xóm, quan tâm hơn trong việc sử dụng các sản phẩm, vật liệu thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng, ít tiêu thụ năng lượng, không thải ra các chất độc hại.

Từ những thứ tưởng chừng bỏ đi đã tái chế chai nhựa, muỗng nhựa, khi tham gia chương trình WINDY, Nguyễn Minh Đức, học sinh lớp 10B4, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, làm thành những vật dụng sinh hoạt. Đức có thể làm hoa Atiso hay Sen hoặc một số hoa khác và đèn ngủ từ muỗng nhựa; chai nhựa có thể làm hộp đựng viết, thước, ống đựng tiền, quạt mát sử dụng bằng pin để giảm tiêu thụ điện; hoặc những chiếc đèn ngủ lung linh được tái chế từ lon nước ngọt.… Theo bạn Nguyễn Thị Thu Thảo, học sinh lớp 11A2, Trường THPT Giai Xuân (huyện Phong Điền), chương trình WINDY thật bổ ích, ý nghĩa. Trước khi tham gia chương trình, Thảo hay để dụng cụ sinh hoạt nhiều nơi, mất nhiều thời gian tìm kiếm. Bây giờ, Thảo có thể sắp xếp mọi thứ trật tự, làm "chỗ ở" cho mỗi dụng cụ. Thảo có thể thực hiện những cải tiến để bảo vệ môi trường, tái sử dụng, tái chế chai, giấy vụn hoặc trồng cây xung quanh nhà…

Giảng dạy tích hợp bảo vệ môi trường là việc ứng dụng giảng dạy bằng phương pháp GDHĐ trong quá trình giảng dạy các môn học chính khóa tại trường phổ thông, thúc đẩy học sinh tích cực tham gia bảo vệ môi trường sống, học tập, lao động hằng ngày. Hoạt động này chủ yếu thực hiện qua chia sẻ giải pháp đơn giản, ít tốn kém, thúc đẩy học sinh thảo luận, lập kế hoạch hành động cho cá nhân và thực hiện các hành động cải tiến cho gia đình. Tuy nhiên thời gian qua, việc giảng dạy tích hợp hành động WINDY trong tiết học còn gặp khó. Thầy Tiêu Minh Nhân, giáo viên môn Công nghệ, Trường THPT Lưu Hữu Phước (quận Ô Môn), nói: "Giáo viên chưa có kinh nghiệm trong tiết dạy cũng như học sinh còn mới lạ với phương pháp học có tích hợp hành động WINDY; chưa có kinh phí để khen thưởng các nhóm học sinh làm tốt sản phẩm". Theo thầy Nhân, Ban Giám hiệu trường quan tâm tạo điều kiện về chế độ ưu tiên điểm số và khen thưởng các học sinh có ý tưởng và cách thực hiện sản phẩm tốt. Ban quản lý dự án hỗ trợ kinh phí khen thưởng học sinh làm tốt các sản phẩm. Đồng thời các cơ sở giáo dục có văn bản về nội dung dạy học tích hợp WINDY trong trường học.

Ông Võ Minh Lợi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cho biết: "Chương trình WINDY mang lại hiệu quả thiết thực, phục vụ việc đổi mới phương pháp dạy và học cũng như giúp học sinh hình thành kỹ năng sống. Thời gian tới, ngành sẽ rút kinh nghiệm quá trình triển khai thực hiện chương trình, dù không được Nhật Bản tài trợ, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì tốt chương trình với những lợi ích thiết thực cho con người cộng đồng".

Bài, ảnh: MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết