18/11/2009 - 14:51

Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2009)

Chung tay xây dựng xóm làng

Những năm gần đây, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”(TDĐKXDĐSVHƠKDC) ngày càng đi vào chiều sâu đã phát huy hiệu quả, khơi dậy tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết gắn bó trong các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng ấp, khu vực ngày càng giàu đẹp, văn minh. Mới đây, trong hội nghị các khu dân cư tiêu biểu toàn quốc, khu vực Thạnh Mỹ (phường Lê Bình, quận Cái Răng) được nhận bằng khen của UBTƯMTTQVN và ấp F1 (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) được nhận Huân chương Lao động hạng II, tin vui đó làm nức lòng bà con ở hai khu dân cư này.

Cán bộ khu vực Thạnh Mỹ (phường Lê Bình, Q. Cái Răng) thăm hỏi các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Đến khu vực Thạnh Mỹ, phường Lê Bình, quận Cái Răng, nơi nhiều năm giữ vững danh hiệu khu dân cư tiên tiến, chúng tôi không chỉ cảm nhận được sự đổi mới của bộ mặt đô thị, đường sá, nhà cửa khang trang hơn mà còn cảm nhận được sự thân thiện khi tiếp xúc với bà con xung quanh. Theo một số người dân, trước đây ở Thạnh Mỹ dân cư thưa thớt, đường sá lầy lội, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Dưới sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, bà con nơi đây đã cùng nhau ra sức xây dựng Thạnh Mỹ trở thành một khu phố văn hóa. Ông Trần Ngọc Hòa, người dân sống ở Thạnh Mỹ từ năm 1963 đến nay, cho biết: “Ngày trước ở đây đường sá đi lại khó khăn, tình hình an ninh trật tự rất phức tạp. Nhờ những năm qua, phường và khu vực thực hiện nhiều biện pháp bài trừ tệ nạn xã hội, nhất là Ban bảo vệ dân phố thường xuyên tuần tra canh gác nên tình hình an ninh trật tự ngày càng ổn định”.

Từ chỗ xác định việc đoàn kết giữ gìn kỷ cương phép nước trong nhân dân là yếu tố cần thiết để tạo ra một khu dân cư lành mạnh, Ban Công tác Mặt trận đã phối hợp với Ban Nhân dân khu vực Thạnh Mỹ phát động, vận động nhân dân thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Theo ông Phan Hùng Việt, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu vực, thông qua các cuộc họp dân, khu vực tổ chức tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; khu vực cũng phát đến từng hộ dân bản hạ quyết tâm xây dựng gia đình đạt 3 không, cam kết không vi phạm pháp luật và vận động bà con mạnh dạn tố giác tội phạm... Những cách làm đó đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc xây dựng lối sống lành mạnh, làm cho tình hình an ninh trật tự khu vực ngày càng ổn định.

Trong câu chuyện của bà con, tôi được biết thêm về sự “khéo léo” của tổ hòa giải khu vực. Hễ có xảy ra những vụ việc xích mích, mâu thuẫn trong nhân dân, tổ hòa giải khu vực giải quyết rất kịp thời, thấu lý, đạt tình. Từ đầu năm đến nay, tổ hòa giải khu vực Thạnh Mỹ đã hòa giải thành 7/9 vụ tranh chấp đất đai, hôn nhân... Cán bộ khu vực đã trở thành “cầu nối” gắn kết tình làng nghĩa xóm trong nhân dân. Trong đó, có không ít vụ phức tạp được giải quyết êm thấm như vụ tranh chấp đất giữa hai gia đình ông X và ông Y (xin được giấu tên). Gia đình ông X kiện gia đình ông Y rào không chừa lối đi cho gia đình ông, vì phần đất của ông nằm phía sau đất của ông Y. Qua xác minh mới vỡ lẽ, trước đó, ông X mua phần đất phía sau của ông Y nhưng trên giấy tờ không ghi rõ ông Y phải chừa phần lối đi cho ông X. Còn ông X khi mua đất cứ đinh ninh là đường qua đất ông Y là công cộng, trong khi đó ông Y cho rằng mình bán đất phía sau nhưng không bán phần đường đi. Từ sự phân tích, động viên của các cán bộ khu vực, gia đình ông Y đã đồng ý không lấy tiền đất phần đường đi để tạo điều kiện cho gia đình ông X trong sinh hoạt, đồng thời cũng để giữ gìn nghĩa xóm, tình làng. Ông Phan Hùng Việt bộc bạch: “Điều quan trọng nhất đối với người làm công tác hòa giải là bên cạnh việc nắm vững những quy định của pháp luật, cần phải phân tích cho đối tượng thấy tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau””.

Thạnh Mỹ là khu vực được công nhận văn hóa đầu tiên của phường Lê Bình. Để giữ vững danh hiệu văn hóa, thời gian qua, Chi bộ, Ban Nhân dân cùng các đoàn thể khu vực không ngừng vận động nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí theo quy định. Bà con đã tự nguyện đóng góp 4,8 triệu đồng xây dựng nâng cấp đường Lò Tương; xây dựng 2 căn nhà đại đoàn kết. Năm 2009, có 96,72% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; khu vực đạt 3 không... Ngoài ra, cán bộ khu vực còn vận động các mạnh thường quân hỗ trợ nuôi dưỡng 2 cụ già neo đơn với số tiền 50 ngàn đồng/tháng và 100 ngàn đồng/tháng. Bà Nguyễn Thị Đức, 74 tuổi, bị mờ hai mắt, gãy chân nằm một chỗ, sống với người con trai bị bệnh tâm thần, mỗi tháng, gia đình bà được cán bộ khu vực hỗ trợ gạo, các nhu yếu phẩm trị giá 50 ngàn đồng. Bà Đức xúc động nói: “Nhờ sự quan tâm của cán bộ khu vực, sự đùm bọc của bà con mà cuộc sống của tôi đỡ vất vả hơn”. Qua các phong trào đã xuất hiện những tập thể và cá nhân tích cực trong việc tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được Ban Công tác Mặt trận khu vực biểu dương như ông Nguyễn Văn Mong, ông Lê Phát Tân, bà Lê Thị Ngọc Hoa, bà Lê Thị Sang, ông Nguyễn Văn Thanh... có nhiều đóng góp nâng cấp đường, hẻm, cất căn nhà đại đoàn kết, tặng quà cho hộ nghèo... Chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác vận động và phát huy nội lực trong nhân dân, ông Phan Hùng Việt, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu vực Thạnh Mỹ, khẳng định: “Trước hết, đội ngũ cán bộ khu vực phải nhiệt tình, tâm huyết và phải biết dựa vào dân, những việc liên quan đến dân đều công khai, đưa ra dân cùng bàn bạc thống nhất, từ đó tạo được sự đồng thuận trong nhân dân”.

* * *

Tuyến đường ở ấp F1 (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) được xây dựng khang trang theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Chỉ sau vài năm đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vùng quê F1, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, đã có nhiều đổi thay. Trong ấp, ngày càng có nhiều ngôi nhà tường khang trang. Các con đường đất ngày nào giờ là đường xi măng rộng láng với những chiếc xe gắn máy nối đuôi nhau. Cả những chiếc cầu ván tạm bợ cũng được thay bằng cầu bê tông kiên cố vững chắc... Nói về sự đổi thay của địa phương mình, anh Trần Thái Hiệp, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp F1, Trưởng Ban Vận động TDĐKXDĐSVHƠKDC, cho biết: Toàn ấp 100% hộ có điện sử dụng; hơn 70% hộ có máy vi tính; 98% có máy điện thoại; hiện chỉ còn 1 hộ nghèo, giảm 3 hộ so với năm 2006 (theo tiêu chí mới)...

Theo các cán bộ ấp F1, đa số bà con trong ấp sống bằng nghề nông, trước đây do sản xuất theo kiểu truyền thống nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân, cán bộ ấp đã vận động bà con đẩy mạnh đoàn kết, hợp tác giúp nhau trong các khâu giống, hỗ trợ nhau về vốn, kinh nghiệm sản xuất, hợp tác bơm rút nước, thu hoạch... Đồng thời tuyên truyền, vận động để bà con từng bước thay đổi tập quán canh tác, giảm giống, phân, thuốc, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chủ động thu hoạch, bảo quản lúa.. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong nhiều năm qua, năng suất lúa bình quân của bà con trong ấp luôn đạt từ 12,3 tấn/ha/năm. Tăng 0,3 tấn/ ha so với trước đây. Bên cạnh đó, nhờ giảm chi phí nên lợi nhuận cũng tăng 43,5% so với trước.

Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, những năm qua, cán bộ ấp F1 tăng cường vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện nhiều mô hình kinh tế mới như chăn nuôi heo, nuôi cá đăng quầng trong mùa lũ, nuôi cá ao tận dụng thức ăn từ chuồng trại... cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là mô hình chăn nuôi heo, lúa chất lượng cao của ông Nguyễn Công Thoại ở ấp F1. Hướng dẫn chúng tôi tham quan chuồng heo của gia đình, ông Thoại khẳng định quyết định kết hợp việc trồng lúa và chăn nuôi với quy trình khép kín không gây ô nhiễm môi trường của mình là một cách làm đúng đắn. Ông nói: “Lúc đầu gia đình chỉ nuôi vài con heo để ăn thức ăn thừa. Sau nhiều lần tham quan các mô hình làm ăn hiệu quả, học tập từ bạn bè, tham dự các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức, tôi mạnh dạn đầu tư chuồng trại, sản xuất con giống cung cấp cho bà con xung quanh”. Để đạt được kết quả như hôm nay, ông Thoại đã mày mò nghiên cứu, thử nghiệm việc áp dụng thức ăn cho heo sao cho hợp lý vừa đảm bảo đàn heo khỏe mạnh, tăng trọng nhanh. Nhờ nắm vững kỹ thuật, mô hình nuôi heo của ông Thoại đã mang lại hiệu quả cao, chuồng heo của gia đình dần dần được mở rộng, có lúc lên đến gần 100 con heo lớn nhỏ. Để đảm bảo giữ vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến các hộ xung quanh, ông lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, phân heo bằng túi biogas. Ông Thoại cho biết: “Với cách xử lý bằng túi biogas, gia đình tôi có ga sử dụng nấu ăn trong nhà, vừa tiết kiệm mà không gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay gia đình sử dụng ga không hết nên dẫn ống cho gia đình ông Nguyễn Văn Mùi cạnh bên cùng xài”. Mỗi năm, với 1,2 ha trồng lúa chất lượng cao cộng với nuôi heo đã mang đến cho gia đình ông Thoại thu nhập hơn 100 triệu đồng. Chưa bằng lòng với những gì hiện có, ông Thoại cho biết đang nghiên cứu ấp trứng gà theo hướng công nghiệp. Với những kinh nghiệm, kỹ thuật được học, tự nghiên cứu, ông Thoại tự tin sẽ tiếp tục thành công với mô hình mới.

Khuyến học cũng là một trong những phong trào nổi bật ở ấp F1, đã phát triển rộng khắp trở thành ý thức của mọi gia đình. Hàng năm, ở F1 có 100% trẻ em trong độ tuổi đều đến trường, tỷ lệ thi đậu THPT đạt từ 98% đến 100%. Hiện nay, toàn ấp có hơn 98,4% các em trong độ tuổi học đại học, cao đẳng hoặc trung học chuyên nghiệp. Mỗi năm, vào dịp Tết, các linh mục cùng với chính quyền địa phương tổ chức họp mặt học sinh, sinh viên trong ấp. Mọi người cùng quây quần vui chơi và những suất học bổng, những món quà nhỏ được trao cho các em học giỏi, nghèo, có hoàn cảnh khó khăn như một trợ lực động viên các em cố gắng học tập, trở thành người hữu ích. Ông Nguyễn Văn Lân, người dân ấp F1, tâm sự: “Nhờ sự động viên của các cán bộ ấp, linh mục mà gia đình tôi quyết tâm vượt qua khó khăn nuôi dạy 7 người con đều đạt từ tốt nghiệp THPT đến đại học, trong đó có 5 người có trình độ đại học. Mà không chỉ có con tôi đâu, tụi nhỏ trong ấp này thi đua nhau học dữ lắm! Kể cả những lão nông như tụi tôi cũng phải chịu khó học hỏi mới để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trở thành nông dân sản xuất giỏi được”.

Từ năm 2004 đến nay, không chỉ đóng góp hơn 6 tỉ đồng và công sức làm cầu, đường giao thông, kéo điện đường... bà con ở ven tuyến kênh F thuộc ấp F1, còn thực hiện kè đá hai bên kênh để giữ cho bờ không sạt lở và tạo vẻ mỹ quan. Chị Trần Thị Sợi, người dân ấp F1, nói: “Do ghe tàu qua lại thường xuyên kênh F nên có nhiều đoạn bị sạt lở, bà con trong ấp đã thực hiện kè đá dọc hai bên bờ kênh. Gia đình tôi đã mua các trụ đá, đợi nước cạn sẽ làm bờ kè cho chắc chắn”. Hiện nay, khoảng 20% nhân dân trong ấp F1 thực hiện kè đá dọc hai bờ làm cho con kênh đẹp hơn.

Anh Trần Thái Hiệp, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp F1, Trưởng Ban Vận động TDĐKXDĐSVHƠKDC, cho biết: “Với địa bàn là vùng công giáo toàn tòng nên những người làm công tác vận động thường phối hợp với các linh mục, các vị trong Hội đồng Mục vụ, các cụ cao tuổi có uy tín tham gia tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến quần chúng để bà con hiểu và thực hiện đúng. Phương pháp của chúng tôi là việc gì liên quan đến dân cũng phải bàn bạc công khai dân chủ, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong nhân dân để đi đến thống nhất và thực hiện, từ đó tạo được lòng tin trong Hội đồng Mục vụ và bà con giáo dân. Từ đó, chất lượng cuộc vận động TDĐKXDĐSVHƠKDC ngày càng nâng cao, đời sống của bà con ổn định, khu dân cư ngày càng đổi mới”.

* * *

Nhìn những tuyến đường mới mở, những căn nhà tường khang trang mọc lên, nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của người dân ở những khu dân cư tiên tiến như khu vực Thạnh Mỹ và ấp F1, càng thấm thía ý nghĩa của cuộc vận động TDĐKXDĐSVHƠKDC. Ở đây ý Đảng lòng dân gặp nhau, toàn dân chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Bài, ảnh: THANH THY

Chia sẻ bài viết