31/08/2010 - 21:00

Chung tay vì người nghèo

Người dân xã Trung Thạnh tích cực tham gia phong trào suốt lúa gây quỹ cho xe cứu thương từ thiện của xã nhà duy trì hoạt động.

Một ngày giữa tháng 8-2010, trên cánh đồng ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, có hàng chục người dân xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ đang góp sức suốt lúa thuê, lấy tiền góp vào quỹ hoạt động của xe cứu thương ở xã nhà. Do làm công tác xã hội từ thiện nên những người dân này, dù lớn hay nhỏ tuổi, trên vai vác bó lúa nặng trĩu vẫn nở nụ cười tươi…

Đầu năm 2004, xã Trung Thạnh thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Trung An, huyện Thốt Nốt (cũ). Trạm Y tế xã khá khang trang mọc lên bên cạnh trụ sở UBND xã tạo điều kiện khám, chữa bệnh thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, sau 3 năm thành lập xã, chính quyền địa phương và người dân vẫn còn trăn trở về việc làm sao có thể chuyển những bệnh nhân nghèo bệnh nặng, vượt quá khả năng điều trị của Trạm Y tế xã lên tuyến trên thật nhanh. Tháng 3-2007, UBND xã thống nhất đứng ra tổ chức vận động các mạnh thường quân và người dân trong xã, tự nguyện đóng góp tiền mua xe cứu thương từ thiện.

Xe cứu thương này được hoạt động theo phương châm: ưu tiên những ca bệnh nặng và tất cả các chuyến đi, người dân không cần phải trả chi phí. Thậm chí, trong những chuyến chuyển bệnh cho những người dân có hoàn cảnh quá khó khăn, Tổ Từ thiện và Hội Chữ thập đỏ xã còn trích tiền hỗ trợ thêm. Mỗi tháng, Chi hội Chữ thập đỏ và Tổ Từ thiện các ấp vận động người dân quyên góp tổng cộng khoảng 4 triệu đồng làm chi phí hoạt động cho xe. Ông Đỗ Văn Sang, Trưởng Ban điều hành xe cứu thương xã Trung Thạnh, cho biết: “Bình quân, mỗi ngày, xe chuyển 1 lượt bệnh. Chi phí nhiên liệu khoảng 50.000 đồng/tuyến huyện và 200.000 đồng/tuyến thành phố. Tài xế lái xe miễn phí, tuyệt đối không nhận tiền thù lao của người dân. Xe hoạt động được thường xuyên là nhờ nhiều tấm lòng hảo tâm luôn sẵn sàng đóng góp chi phí hoạt động cho xe”. Ban Điều hành xe chọn người có uy tín giữ nhiệm vụ quản lý nguồn thu này. Vào ngày đầu tiên mỗi tháng, Ban Điều hành xe công khai chi tiết các khoản thu và chi, nên hơn 3 năm qua, chưa có trường hợp thắc mắc nào xảy ra và người dân vẫn luôn tin tưởng, nhiệt tình đóng góp để duy trì hoạt động của xe.

Tháng 8-2010, vì cần có chi phí bảo trì và góp thêm nguồn quỹ hoạt động của xe nhưng không muốn vận động người dân đóng góp thêm bằng tiền, nên Chi hội Chữ thập đỏ ấp Thạnh Lộc, Tổ Từ thiện và Ban điều hành xe cứu thương thống nhất tổ chức hoạt động suốt lúa thuê, vận động người dân dành một buổi sáng (ngày 13-8-2010) cho hoạt động từ thiện. Ông Nguyễn Hồng Phước, thành viên Ban điều hành xe cứu thương, phụ trách chính việc vận động bà con tham gia hoạt động, cho biết: “Đây là lần đầu tiên hoạt động này được thực hiện, đã đạt được nhiều thuận lợi. Hầu hết bà con đều nhiệt tình tham gia. Đó chính là niềm vui lớn nhất của anh em trong Chi hội Chữ thập đỏ ấp Thạnh Lộc, Tổ Từ thiện và Ban điều hành xe cứu thương”. Dù chi phí đi lại từ xã đến cánh đồng suốt lúa thuê trên 12km, mỗi người dân tham gia đều tự túc, nhưng kết quả có đến trên 80 người ở hầu hết các ấp trong xã tham gia, vượt so với kế hoạch vận động trên 20 người. Người dân trong xã còn tình nguyện hỗ trợ miễn phí cho hoạt động 3 máy suốt, 2 máy kéo lúa và 4 ghe chở lúa. Sau chuyến công tác xã hội từ thiện này, các bác, các chú ước tính, có thể góp được số tiền gần 19 triệu đồng.

Trong tiếng máy suốt lúa giòn giã, xen lẫn tiếng những bước chân hối hả đội lúa trên đồng và tiếng cười nói của hàng chục nông dân, làm không gian như ấm lại, tấm lòng mỗi người cũng xích lại gần nhau hơn. Ông Đặng Ngọc Châu, năm nay đã 63 tuổi, ngụ ấp Thạnh Lộc, xã Trung Thạnh, cho biết: “Nghe nói đi lao động lấy tiền góp vào quỹ hoạt động của xe cứu thương, không chỉ có tôi mà nhiều bà con khác cũng đồng ý tham gia ngay, vì đây là việc làm tốt. Hơn nữa, làm việc thiện cùng anh em, tôi thấy vui nhiều hơn mệt. Ngày nào còn sức khỏe thì tôi còn tham gia”. Gia đình ông Châu có thu nhập khá ổn định và các con đều đã lớn, không ai ngăn cản mà thậm chí còn ủng hộ ông. Vì vậy, hễ khi nào có việc cần, ngay cả sửa đường, bắc cầu, xây nhà... ông cũng không hề ngần ngại. Khác với đời sống khá ổn định của ông Châu, chú Lê Văn Tưởng (40 tuổi), ngụ ấp Thạnh Lợi, xã Trung Thạnh thu nhập chủ yếu nhờ vào nghề làm thuê nhưng cũng rất nhiệt tình tham gia. Chú cho rằng: “Nhín chút thời gian tham gia hoạt động từ thiện cùng bà con cũng không mất mát gì. So với nhiều người khác, tôi chưa đóng góp được gì nhiều”.

Mặt trời lên cao, những bó lúa nằm khắp nơi trên đồng cũng sắp hết, có những bác lớn tuổi thỉnh thoảng đưa tay lau vội giọt mồ hôi trên trán, nở nụ cười tươi rồi lại tiếp tục đi vác lúa. Tiếng máy suốt vẫn giòn, từng bao lúa nặng được cột lại cẩn thận, đưa lên xe kéo về bờ ruộng rồi được vác xuống ghe, chở qua lò sấy. Suốt lúa vừa xong, nồi cơm nóng hổi nấu bằng gạo đóng góp của bà con trong xã cũng được các bà, các cô dọn ngay trên bờ ruộng. Bà Võ Thị Thuận cho biết: “Nghe ông xã tôi nói đi suốt lúa mướn để gây quỹ từ thiện, cần người nấu cơm nên tôi đi theo”.

Hình ảnh những người dân xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ hăng hái góp công, góp của cùng các tổ chức từ thiện của xã, thực hiện phong trào an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo dần trở nên quen thuộc ở nơi này. Không chỉ thực hiện công tác vận động, các chú, các bác còn tham gia vào tổ chức Hội Chữ thập đỏ, Tổ Từ thiện, Ban điều hành xe cứu thương đều là những người dẫn đầu trong công tác từ thiện. Đôi khi thấy hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ kịp thời, các chú, các bác không ngần ngại tự bỏ tiền túi, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Ngay cả số tiền hỗ trợ công tác hàng tháng của bản thân, ông Lê Văn Phiên, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ ấp Thạnh Lộc cũng tự nguyện góp vào quỹ từ thiện của xã. Qua nguồn quỹ này, trung bình mỗi năm cất được 2 căn nhà tình thương (mỗi căn trị giá khoảng 7 triệu đồng) cho bà con nghèo trong xã. Tuy với tên gọi khác nhau nhưng Hội Chữ thập đỏ, Ban điều hành xe cứu thương và Tổ Từ thiện ở xã Trung Thạnh như một, vì 3 tổ chức này cùng một phương châm hoạt động là hỗ trợ bà con nghèo vượt khó, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng chất phong trào an sinh xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Trung Thạnh, cho biết: “Việc gây quỹ cho xe cứu thương từ thiện hoạt động mang tinh thần nhân đạo rất cao, rất cần được nhân rộng. Phong trào từ thiện của ấp Thạnh Lộc nói riêng xã Trung Thạnh nói chung gặt hái khá nhiều thành quả, vì hầu hết người dân đều rất nhiệt tình tham gia và mọi phong trào đều hướng tới người nghèo trong ấp, xã”.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết