08/12/2010 - 21:58

Chung tay chăm lo cho trẻ em bất hạnh

Gần đây, trên bàn TP Cần Thơ xuất hiện nhiều trường hợp cha mẹ bỏ rơi con cái, gây bất bình trong dư luận. Những đứa trẻ này phải sống nhờ vào tình thương của cộng đồng, của những người có tấm lòng bác ái nuôi dưỡng...

* NHỮNG ĐỨA TRẺ BỊ BỎ RƠI

Những ngày đầu tháng 12-2010, nhiều người có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh một bé gái vừa mới lọt lòng đã bị mẹ bỏ rơi. Người phụ nữ đến bệnh viện sinh con rồi lén lút bỏ đi khi các y, bác sĩ đang bận rộn chăm sóc cho các sản phụ khác. Đứa bé nặng 3,6kg, trông rất bụ bẫm. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi trẻ mồ côi và nhiễm chất độc (NTMC&NCĐ) dioxin TP Cần Thơ, cho biết: “Lúc đó, nhiều thân nhân của người bệnh tại bệnh viện xin nhận bé làm con nuôi. Bệnh viện đã liên lạc với chúng tôi đến nhận bé về nuôi dưỡng và thực hiện thủ tục giao, nhận con nuôi theo đúng quy định. Hiện bé phát triển bình thường, uống được nhiều sữa. Nếu gia đình nào có nhu cầu xin con nuôi thì liên hệ với Trung tâm, chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ thủ tục và xem xét, giao bé cho gia đình có đủ điều kiện nuôi dưỡng”.

 Những đứa trẻ mồ côi đang được nuôi dưỡng tại chùa Bửu Trì.

Đầu tháng 11-2010, ở nhóm trẻ Mầm non Tiến Phát (khu dân cư 586 phường Phú Thứ, quận Cái Răng) có một bé trai khoảng 20 tháng tuổi bị bỏ rơi và đến nay cũng chưa tìm được người thân. Theo nhân viên nhóm trẻ, khoảng 6 giờ ngày 1-11-2010 có một phụ nữ mang bé đến gởi. Cô bảo mẫu tiếp nhận và yêu cầu người phụ nữ làm thủ tục nhập học cho con. Gởi con lại, nói là xuống chợ mua khăn lau mặt..., trước khi đi, người phụ nữ còn quay lại nói với cô bảo mẫu bé tên Nguyễn Minh Hoàng. Đợi đến 7 giờ tối vẫn không thấy người phụ nữ ban sáng quay lại, cán bộ quản lý nhóm trẻ Mầm non Tiến Phát báo vụ việc lên Công an và UBND phường Phú Thứ. Qua 30 ngày thông báo, UBND phường Phú Thứ vẫn chưa tìm được người thân của bé Minh Hoàng, UBND phường sẽ giải quyết cho nhận con nuôi theo quy định hoặc làm thủ tục cho bé vào sinh sống ở Trung tâm NTMC&NCĐ dioxin TP Cần Thơ.

Trước đó, sáng ngày 8-10-2010, người dân ở khu vực 1, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, phát hiện trên sông Cần Thơ, khu vực gần cầu Hưng Lợi một thùng xốp (loại thùng đựng nước đá) trôi sông, bên trong là một bé trai vừa mới chào đời. Bà con lập tức đưa bé sơ sinh này đến Trạm Y tế phường trong tình trạng toàn thân lạnh cóng, da mặt tái xanh, rốn vẫn chưa được cắt và nhau vẫn còn dính trên mình. Các y bác sĩ Trạm Y tế phường đã sơ cứu, cắt rốn, sưởi ấm... cứu sống bé.

Cách đây khoảng 2 tuần, Nhà Nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa TP Cần Thơ liên tục thông báo trên báo, đài về việc tìm mái ấm gia đình cho 3 trẻ từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi. Trong đó có 1 trẻ đăng ký khai sinh tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ; 2 trẻ em ở huyện Bình Minh và huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Đó là những đứa trẻ bị bỏ rơi ở bệnh viện, khu vực Nhà Nuôi dưỡng...

Tính từ đầu tháng 11-2010 đến nay (7-12-2010), các nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi đã nhận 10 trẻ em bị bỏ rơi. Trong đó, Trung tâm NTMC&NCĐ dioxin TP Cần Thơ nhận 5 em, chùa Bửu Trì nhận 4 em... Hầu hết, các em bị bỏ rơi tại bệnh viện, trước cổng chùa. Bà Võ Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, cho biết: “Trẻ em bị bỏ rơi xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như: trẻ bị khuyết tật, bệnh hiểm nghèo, gia đình không có khả năng nuôi dưỡng; vợ chồng không hạnh phúc, cuộc sống đặc biệt khó khăn... Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta thực hiện nhiều chính sách áp dụng cho trẻ em như: Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; trợ cấp hàng tháng cho trẻ khuyết tật, mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Ngoài ra, các hội, đoàn thể còn tổ chức giới thiệu, tín chấp cho gia đình khó khăn vay vốn sản xuất, xóa đói giảm nghèo... Vì vậy, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con nhỏ nên liên hệ chính quyền địa phương để được hưởng chế độ theo đúng quy định, được hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh nhằm cải thiện cuộc sống gia đình, nuôi dạy con khôn lớn, nên người”.

* NHỮNG TẤM LÒNG NHÂN ÁI

Nằm khuất trong một con hẻm của đường Tầm Vu, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, Trung tâm NTMC&NCĐ dioxin TP Cần Thơ (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố) là mái ấm đã nuôi lớn hàng ngàn trẻ em bất hạnh trong suốt mấy chục năm qua. Những đứa trẻ được chăm sóc tại đây chưa một lần được nhìn thấy cha mẹ ruột, chưa được biết về gia đình, người thân bởi từ khi vừa lọt lòng mẹ, các em đã bị bỏ rơi. Mỗi năm, Trung tâm Nuôi dưỡng thường xuyên 70 - 90 trẻ khuyết tật, tâm thần và cả những trẻ lành lặn bị bỏ rơi. Mái nhà của các em tuy không rộng, lớn nhưng ấm áp, bởi chứa đầy tình cảm mà những người cô, người mẹ thứ 2 dành cho các em. Năm 2010, Trung tâm đã nhận thêm 20 trẻ em bị bỏ rơi, trong đó có 10 em phát triển bình thường, còn lại là những em bị tâm thần, suy dinh dưỡng, khuyết tật... Bà Võ Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, cho biết: “Việc quản lý và nuôi dưỡng trẻ được thực hiện theo mô hình tập trung, phân nhóm theo độ tuổi, bệnh lý, giới tính. Trẻ được đến trường học văn hóa, học nghề phù hợp với khả năng và lứa tuổi. Bên cạnh đó, Trung tâm còn hướng dẫn các gia đình, tổ chức, cá nhân làm thủ tục nhận con nuôi theo đúng quy định”.

Ở chùa Bửu Trì (đường Mậu Thân, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều) cũng đang nuôi dưỡng 70 trẻ em mồ côi, khuyết tật bị bỏ rơi. Các em được chăm sóc chu đáo và được đến trường, đến lớp như những đứa trẻ cùng trang lứa. Hiện có 40 em được gởi học ở các trường mầm non, tiểu học; 4 em là học sinh cấp 2, cấp 3; 4 em là sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP Cần Thơ; 6 em đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, có việc làm ổn định; số còn lại ở độ tuổi từ 1 đến 15 tháng tuổi. Sư cô Thích nữ Tâm Niệm, Chủ trì chùa Bửu Trì, cho biết: “Các em là những đứa trẻ bị bỏ rơi trên vỉa hè đường Mậu Thân, trước cổng chùa Bửu Trì, có những em phát triển bình thường nhưng cũng có những em bị thiểu năng trí tuệ, khuyết tật. Hằng ngày, chùa phải thuê nhiều người chăm sóc, tắm rửa, cho các em nhỏ ăn uống... Hiện nay, trong số 70 em được nuôi dưỡng tại chùa, có 40 em phải uống sữa bột để ổn định sức khỏe”.

Từ những mái ấm trên, các em lớn lên bằng tình yêu thương, chăm sóc của các bà mẹ thứ 2. Trong đó, có em cố gắng vượt qua số phận, học hành, tạo dựng tương lai như những đứa trẻ bình thường khác. Mới lọt lòng, T.T.N.T. bị bỏ rơi trước cổng chùa Bửu Trì, T. được Sư cô chăm sóc nuôi dưỡng, hiện T. là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Cần Thơ. Em nói: “Là đứa trẻ bị bỏ rơi, lớn lên bằng tình thương của Sư phụ (chủ trì chùa Bửu Trì), sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, em tự nhủ với lòng cố gắng học tập để có nghề nghiệp ổn định, giúp Sư phụ nuôi dạy các em. Em rất mong các nhà hảo tâm tiếp tục giúp đỡ để Sư phụ nuôi dạy các em nhỏ học hành đến nơi đến chốn để những đứa trẻ bị bỏ rơi như chúng em không phải mặc cảm với đời”.

* * *

Không ai không xót thương trước những đứa trẻ bị bỏ rơi, nhất là các em bị tâm thần, bị suy dinh dưỡng, bệnh tật. Thời gian qua, chính sự yêu thương, chăm sóc như những người mẹ của cán bộ Trung tâm NTMC&NCĐ dioxin, Nhà Nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa, các sư ở chùa Bửu Trì và những mái ấm nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi khác đã giúp các em lớn lên, đi học, bớt mặc cảm... Tuy nhiên, để các em lớn lên và hòa nhập cộng đồng như bao trẻ em khác, rất cần sự chung tay, giúp sức của các nhà hảo tâm, cơ quan, tổ chức...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết