04/07/2013 - 15:04

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Nhờ thực hiện Dân vận khéo, người dân đã hiến đất, cây trồng, công sức... để mở rộng, nâng cấp tuyến đường ấp Hưng Nghĩa 1 theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Những năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới được các địa phương trong tỉnh Bến Tre triển khai với nhiều cách làm phong phú, đa dạng đã đem lại hiệu quả tích cực. Mô hình “Dân vận khéo”, vận động nhân dân xây dựng giao thông nông thôn ở ấp Hưng Nghĩa 1, xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm là một điển hình trong việc phát huy hiệu quả huy động sức dân xây dựng nông thôn mới.

Nhằm khơi dậy phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới trong nhân dân, Ban Dân vận Huyện ủy Giồng Trôm đã xây dựng kế hoạch dân vận khéo năm 2012 và Hội Liên hiệp phụ nữ huyện thống nhất với cấp ủy địa phương chọn ấp Hưng Nghĩa 1, xã Hưng Lễ làm điểm triển khai thực hiện mô hình.

Hưng Lễ là một trong 3 xã điểm của huyện Giồng Trôm về xây dựng nông thôn mới đến năm 2014. Ấp Hưng Nghĩa 1 có 3 tuyến đường đi qua các xã Hưng Nhượng (huyện Giồng Trôm); Tân Hưng (huyện Ba Tri), chiều dài 3.356 m. Các tuyến đường này trước đây được chính quyền, đoàn thể địa phương huy động nhân dân đóng góp và một phần hỗ trợ của Nhà nước đã bê tông hóa rộng 1,5 mét, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân trong vùng. Thực hiện mô hình dân vận khéo, phát huy nền tảng sức dân trong xây dựng giao thông nông thôn đạt chuẩn nông thôn mới trên tuyến đường này, xã Hưng Lễ đã thành lập Ban vận động gồm Chi bộ, chính quyền, các ngành đoàn thể ấp và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên vận động nhân dân tham gia. Hội phụ nữ Hưng Lễ được giao nhiệm vụ đóng vai trò chính trong triển khai thực hiện mô hình dân vận khéo này. Chi hội phụ nữ kết hợp chặt chẽ cùng ban vận động ấp tổ chức tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn hiến đất, hoa màu… để mở rộng, nâng cấp đường theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Mọi việc lớn nhỏ đều họp dân, để người dân thảo luận, bàn bạc, đưa ra ý kiến của mình về cách thức thực hiện.

Ông Phạm Văn Toàn, Trưởng Ban công tác mặt trận ấp Hưng Nghĩa 1, Phó ban vận động, cho biết: “Chúng tôi thực hiện tuyên truyền vận động lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt tổ nhân dân tự quản, tổ hội của các đoàn thể hằng tháng. Tại các cuộc họp, ban vận động báo cáo, đánh giá kết quả từng hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình, nêu gương những hộ làm tốt, hộ chưa đồng tình thì bàn cách vận động khác. Hằng tháng, các đoàn thể ra quân làm cỏ, đắp đất 2 bên tuyến lộ để nhân dân hiểu hơn về phong trào toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới”. Nhờ tập trung tuyên truyền, vận động hợp tình, hợp lý, nhân dân ấp Hưng Nghĩa 1 đã đồng tình, hiến đất và tài sản để xây dựng giao thông nông thôn. Bà con hiểu được việc mở rộng đường nông thôn và xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước hướng đến phục vụ lợi ích nhân dân trong đó có gia đình mình.

Là tổ trưởng tổ nhân dân tự quản số 4, ông Trương Tấn Dũng luôn gương mẫu tham gia các phong trào ở ấp Hưng Nghĩa 1. Trước đây, xã Hưng Lễ có kế hoạch xây dựng trường học tại ấp, ông đã tình nguyện hiến 1.200m2 đất để xây trường. Tuy nhiên, qua khảo sát, trường không đủ học sinh học nên không xây dựng. Đầu năm 2012, ông tình nguyện hiến 500m2 đất để làm nhà văn hóa ấp, gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Khi mô hình dân vận khéo được triển khai, ông đã tích cực tham gia bằng việc hiến trên 400m2 đất để mở rộng mỗi bên tuyến đường 1,5m. Ngoài ra, ông Dũng còn tự san lấp mặt bằng đoạn lộ được mở rộng và vận động 3 hộ liền kề tham gia. Ông Dũng nói: “Từ thực tế khó khăn về đi lại, vận chuyển hàng hóa, tôi thấy chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới trong đó có mở rộng đường nông thôn là rất đúng đắn nên nhiệt tình tham gia. Tôi nghĩ, mỗi người hy sinh, đóng góp chút ít đất đai, tài sản để đem lại lợi ích chung cho mọi người trong đó có gia đình mình hưởng thụ là điều nên làm để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Qua gần 1 năm thực hiện mô hình dân vận khéo ở ấp Hưng Nghĩa 1, có 95/95 hộ dân đồng tình hiến đất, hoa màu trên tuyến đường đi qua, trong đó có 25/25 hội viên phụ nữ. Nhân dân đã hiến 6.712m2 đất cho công trình, dời hàng rào, hàng quán và một số vật dụng có giá trị khác. Đặc biệt có 5 hộ gia đình tự thuê nhân công san lấp mặt bằng. Nhân dân còn tự đóng góp tiền và công lao động làm 2 đoạn lộ liên tổ dài 500m trị giá trên 20 triệu đồng… Khi Nhà nước đầu tư công trình cầu Rạch Tư Trữ trên tuyến đường nối với ấp Tư xã Hưng Nhượng, Ban vận động đã vận động người dân và các mạnh thường quân hỗ trợ trên 40 triệu đồng để làm móng cầu dài 35 mét.  

Bà Trương Thị Be, Chủ tịch Hội LHPN xã Hưng Lễ, cho biết: “Phát huy hiệu quả mô hình dân vận khéo trong giải phóng mặt bằng, Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Chi hội Phụ nữ ấp Hưng Nghĩa I phối hợp cùng Ban vận động ấp lồng ghép vận động xây dựng mô hình Dân vận khéo, “gia đình 5 không, 3 sạch”. Qua đó, nâng cao nhận thức trong hội viên, quần chúng nhân dân về bảo vệ môi trường, tác hại của các loại chất thải trong sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt, gắn với nội dung và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.

Ông Lê Phú Chánh Thể, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Lễ, cho biết: “Là xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nên chủ trương của tỉnh, huyện về triển khai xây dựng nông thôn mới được Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Hưng Lễ đồng tình hưởng ứng ngay và đã tham gia thực hiện tích cực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Qua 2 năm thực hiện, xã Hưng Lễ đã cơ bản đạt 11 trên 19 tiêu chí về nông thôn mới. Từ mô hình dân vận khéo hiệu quả ở ấp Hưng Nghĩa 1, tới đây chúng tôi sẽ nhân rộng ra các ấp còn lại trong xã để đến năm 2014 Hưng Lễ cơ bản hoàn thành tất cả các tiêu chí về xã nông thôn mới”.

Với những kết quả tích cực đạt được, mô hình Dân vận khéo vận động nhân dân hiến đất hoa màu mở rộng, nâng cấp xây dựng giao thông nông thôn ấp Hưng Nghĩa 1, xã Hưng Lễ đã được Ban Dân Vận Tỉnh ủy Bến Tre công nhận mô hình Dân vận khéo cấp tỉnh.

Bài ảnh: CAO DƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết