07/02/2012 - 09:00

Chung niềm đam mê sáng tạo

Tất cả vì trẻ thơ, học sinh thân yêu, các cô giáo ở Trường Mầm non Hoa Hồng, Trường THPT Trà Nóc (phường Trà Nóc) và Trường Tiểu học Long Hòa 1 (phường Long Hòa), quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, đã tìm tòi, sáng tạo đồ dùng dạy học. Những vật dụng dạy học mà họ tạo ra tuy đơn giản nhưng lại có khả năng kích thích trẻ nhận thức, phát triển trí tuệ, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu bài vở, dễ nhớ, dễ hiểu...

Bộ Mô hình động dùng trong giảng dạy môn Sinh học cấp THPT là thành quả nhiều năm giảng dạy của cô Dai Thị Kim Thoại (Trường THPT Trà Nóc). Cô Thoại đưa ra sáng kiến, còn tôi và cô Ngô Nhật Hồng chỉ hỗ trợ, đóng góp ý kiến giúp cô Thoại hoàn thiện Bộ Mô hình động” - cô Hoàng Thị Hồng Phượng nói.

Các trẻ rất thích chơi Bé học giao thông do cô Huyền (giữa) và cô Trang tạo ra.

Gần 30 năm kinh nghiệm giảng dạy, cô Thoại mang về cho nhà trường nhiều giải thưởng. Năm 2006-2007, cô Thoại đoạt giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ với sản phẩm Mô hình chuỗi và lưới thức ăn, sau đó, cô cải tiến thành mô hình Hệ sinh thái rừng nhiệt đới và đoạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo đồ dùng dạy học tự làm cấp thành phố năm 2007-2008. Đến năm 2009-2010, cô Thoại tiếp tục xây dựng mô hình Cây phát sinh và đoạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo và triển lãm đồ dùng dạy học tự làm cấp thành phố. Kế đến, năm 2010-2011, với mô hình Rau, củ, quả - thực phẩm - dinh dưỡng, cô Thoại đã đoạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo đồ dùng dạy học cấp trường. Từ những mô hình đó, cô Thoại cùng với cô Phượng và cô Hồng xây dựng thành Bộ Mô hình động, dự thi Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố năm 2010-2011, đoạt giải Ba.

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy khá phổ biến, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thuận lợi vì còn phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường: trang bị máy vi tính, máy chiếu, phòng học... Để khắc phục một số khó khăn, nhóm cô Thoại đã tự làm đồ dùng dạy học Mô hình động dùng trong giảng dạy môn Sinh học cấp THPT, từ việc tận dụng những vật liệu có sẵn, dễ tìm như: đồ chơi trẻ em, tranh vẽ, hình ảnh từ sách báo, kết hợp bảng từ, nam châm. Thông qua bộ mô hình, giáo viên có thể giúp học sinh tham quan thực tế trong từng tiết học, qua đó giáo dục lòng yêu thiên nhiên, yêu con người, để các em có ý thức bảo vệ sự đa dạng, phong phú của thế giới sống. Cô Thoại rất bận rộn, bởi sau thời gian dạy ở trường, cô lại tất bật về nhà lo việc buôn bán, kiếm thêm thu nhập trang trải kinh tế gia đình và lo cho 2 con ăn học (con lớn học năm thứ tư Trường Đại học Cần Thơ và con út học lớp 12). Tuy vất vả lo toan như vậy nhưng cô vẫn dành thời gian sáng tạo đồ dùng dạy học. Cô Thoại nói: “Sự thành công trong sáng tạo đồ dùng dạy học là nhờ tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau giữa các thành viên trong Tổ Sinh”.

Hai cô Trương Thị Thanh Huyền và Lý Kim Trang, Trường Mầm non Hoa Hồng cũng đoạt giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ nhờ cùng chung ý tưởng và cùng sáng tạo bộ đồ chơi Bé học giao thông. Trước tiên, họ dựa theo những hình ảnh trong sách Giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mẫu giáo và Bé học Luật giao thông, rồi thiết kế lại những chi tiết cho phù hợp, in màu phía trên mặt có tráng PE để hình ảnh không bị bẩn, dễ vệ sinh, phía dưới có tráng keo. Những mô hình tổng có kích thước bằng khổ giấy A3 và dán vào miếng thiếc, hình ảnh, chi tiết dán vào nam châm, tạo thành những miếng lô tô chữ cái, hình ảnh...

Bé Lê Đoàn Ngọc Dung (5 tuổi), hồ hởi, nói: “Bộ đồ chơi này chơi vui lắm! Mỗi khi chơi thắng, con được cô giáo thưởng kẹo”.

Trên 20 năm nay, cô Trang luôn được trò yêu, phụ huynh quý mến. Mỗi khi dạy cho các trẻ trò chơi mới, cô thường lắng nghe ý kiến của phụ huynh. Cô bộc bạch: “Nghe phụ huynh khen con họ ra đường biết các tín hiệu đèn giao thông, vạch đường dành cho người đi bộ... tôi mừng lắm, vì thấy đồ dùng dạy học của chúng tôi có hiệu quả!”. Còn cô Huyền sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Đồng Tháp, ngành Sư phạm Mầm non vào năm 2010, trở thành giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng. Tuy là cô giáo trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng lại có lòng nhiệt huyết, chịu khó học hỏi và thêm ăn nói nhỏ nhẹ nên được đồng nghiệp và các trẻ quý mến. Cô Nguyễn Ngọc Ánh, Hiệu trưởng Trường, cho biết: “Chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần đoàn kết, phối hợp sáng tạo của cô Huyền và cô Trang. Ngoài đoạt giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ, 2 cô còn đoạt nhiều giải thưởng khác: cô Trang đoạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TP Cần Thơ năm 2008-2009 với sản phẩm Bé học chữ cái; còn cô Huyền đoạt giải Ba cấp quận Hội thi Sáng tạo đồ dùng dạy học vào tháng 9-2011 với sản phẩm Hình gì ẩn sau đó...”.

Còn cô Nguyễn Anh Đào, Trường Tiểu học Long Hòa 1 thường được đồng nghiệp nhắc đến là mê sáng tạo. Năm 2009-2010, cô tạo ra Quyển sách đa năng lấy ý tưởng từ các quyển sách xưa của Trung Quốc. Bước đầu, cô dùng 4 tấm giấy của thùng giấy carton, mỗi tấm dài 90cm, ngang 40cm, dán decal màu làm nền. Chia đều các khoảng cách sát bìa rồi đóng nút và dùng khoen nối với nhau, sao cho 4 tấm kết lại thành 1 và có thể lật qua lại dễ dàng. Kế đến, chia đều mỗi tấm làm 3 phần bằng nhau, sử dụng giấy lịch cũ xếp thành các hộp để vừa các bức tranh. Dùng keo 2 mặt dán các hộp vào các tấm bìa cứng, mỗi tấm dán 3 hộp. Sau đó, dùng bìa kiếng cứng có kích thước bằng với mỗi hộp, dán bìa kiếng chồng lên các hộp. Lợi ích của quyển sách là sử dụng đến đâu, mở ra đến đó, lúc sử dụng mở ra rất to và dài, nhưng khi xong thì xếp lại rất gọn, nhẹ, dễ dàng di chuyển. Trong giờ học, cô đặt tranh vào hộp giấy, sau đó cho học sinh đoán, để kiểm tra đúng hay sai thì cô lấy tranh ra và đặt vào lớp bìa kiếng cho học sinh thấy. Với quyển sách này, học sinh có thể chơi các trò chơi: trúc xanh, Ca rô hay Tic-Tac-Toe, ghép tranh, ghép hình với chữ, đuổi hình bắt chữ... Em Nguyễn Thị Ngân Hà, lớp 5A2, nói: “Cháu thích học Anh văn cũng nhờ cô Đào dùng Quyển sách đa năng với nhiều hình ảnh và màu sắc sinh động. Kết quả học tập của cháu luôn đạt loại giỏi, môn Anh văn thường được điểm 10”.

Sự sáng tạo độc đáo trên đã mang về cho cô Đào giải Nhất Hội thi Sáng tạo đồ dùng dạy học cấp trường. Sản phẩm này tiếp tục đoạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo đồ dùng dạy học cấp quận, đồng thời đoạt giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ. Ngoài ra, năm học 2008-2009, cô Đào còn tạo ra Bộ tranh Starter, đoạt giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo đồ dùng dạy học cấp quận; sản phẩm Smart Sam & Smart Ginger, đoạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo đồ dùng dạy học cấp trường năm học 2011-2012. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Cần Thơ, ngành Anh văn, 6 năm nay cô Đào trở thành giáo viên Anh văn, dạy từ khối 3 đến khối 5. Đến năm học 2010-2011, cô Đào tốt nghiệp Đại học chuẩn hóa ngành Anh văn của Trường Đại học Cần Thơ.

Sáng tạo đồ dùng dạy học là một sân chơi trí tuệ. Nó không chỉ phát huy tinh thần sáng tạo của giáo viên mà còn giúp các trẻ, học sinh trở nên năng động, tích cực, dễ hiểu bài, khắc sâu kiến thức.

Bài, ảnh: LÊ NGỌC

Chia sẻ bài viết