24/11/2009 - 21:35

Chung một cội nguồn

Những ngày trung tuần tháng 11-2009, khi những chuyến hàng cứu trợ mang tấm lòng của nhân dân cả nước tiếp tục chuyển đến cho đồng bào ở miền Trung bị thiên tai, lũ lụt thì đoàn công tác từ thiện của Quỹ hỗ trợ, vận động người Việt Nam ở nước ngoài (thuộc Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao) đã sang Campuchia - nơi có hàng trăm ngàn kiều bào ta đang làm ăn sinh sống, cũng đang hướng về đất mẹ và rất cần sự chia sẻ của Đảng, Chính phủ và đồng bào cả nước...

Thiêng liêng tiếng việt

Thế là từ thành phố Hồ Chí Minh và Kiên Giang, những món quà nặng sâu tình dân tộc, nghĩa đồng bào đã đến với bà con kiều bào mình nơi đất khách quê người...

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trao quà cho bà con Việt kiều Campuchia. 

Đoàn từ thiện của Quỹ hỗ trợ, vận động cộng đồng người Việt Nam (QHTVĐCĐNVN) ở nước ngoài, do bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước dẫn đầu đã qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), về huyện Prean Roo thuộc tỉnh Pray Veng, một trong những địa phương trên nước bạn Campuchia, có đông kiều bào, để phát 500 phần quà đầu tiên, thì đoàn của Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị (LHCTCHN) tỉnh Kiên Giang, do ông Lê Văn Hồng, Chủ tịch LHCTCHN tỉnh làm trưởng đoàn, đã đến bến Phà Neak Lương, phía bên tỉnh Kandal. Điểm gặp nhau của hai đoàn là thị trấn Neak Lương phía bên tỉnh Pray Veng.

Xe lên phà và chạy một đoạn cách khá xa con đường vào ngôi chùa, nơi bà con đang tập trung để nhận quà thì một thanh niên người Việt chạy xe honda theo, hướng dẫn chúng tôi quay lại. Anh tên Tiêu Văn Tâm, 31 tuổi, làm nghề hớt tóc dạo, từ Đồng Tháp sang đây sinh sống hơn 30 năm. Tâm nói: “Thấy biển số xe Việt Nam, mừng đến run người, biết đoàn đi lạc, nên tôi chạy theo gọi lại”. Chỉ có 500 phần quà, được phân ra cho kiều bào ta 350 phần, người dân địa phương nghèo Campuchia 150 phần. Khi đoàn đến điểm liên cụm 3 xã Bees Say Co, Bees Say Kho, Neak Lương Cộm (đồng bào người Việt đặt tên các ấp tương ứng là 4-5-6 cho dễ gọi và cũng để phân biệt xóm người Việt) thì hàng ngàn bà con kiều bào đã đứng đón sẵn. Ông Nguyễn Văn Quen, nhà ở ấp 4, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Prey Veng, cho biết: “Tại 3 xã này có 562 hộ người Việt, hơn 3.000 khẩu, đông nhất huyện Prean Roo. Giữ cho con em nói và viết được tiếng Việt, bà con góp tiền, cử người về nước mua sách giáo khoa trọn bộ bậc tiểu học, cộng với bộ sách cũ từ thời còn cán bộ chuyên gia Việt Nam ở bên này, rồi cử người có trình độ trong cộng đồng ra mở lớp dạy học. Bà con mình dù ở đâu, cuộc sống nghèo cỡ nào, cũng phải cho con được học chữ, học nói tiếng mẹ đẻ. Đây là tinh thần dân tộc phải luôn nhớ, khắc sâu vào trong tim và máu thịt của bà con người Việt”.

Ông Lê Văn Sáu, người tỉnh Tây Ninh, sang đây sinh sống từ năm 1966, từng làm Ủy viên Hội người Việt Nam tỉnh này nên rất hiểu tâm tư, tình cảm và đời sống của bà con mình. Ông nói: “Đa số bà con mình bên này ở nhà thuê, nếu có nhà thì cũng nhỏ. Anh Lê Văn Hiển tháo vách ngăn nhà mình, đóng bàn ghế mở lớp học, đủ sức chứa khoảng 40 cháu/ buổi học”. Chúng tôi đến thăm lớp học của thầy Hiển ở ấp 6, cách bến phà Neek Lương khoảng 2 cây số. Tốp học lớp 2 vừa tan, thì tốp lớp 3-4 đã tập trung, trên bảng còn nguyên bài học “Cò và vạc”. Trên vách tường ghi nắn nót các câu: “Nói lời hay”, “Làm việc tốt”. Thấy đoàn khách người Việt, các em đứng lên vòng tay: “Chúng con chào thầy cô ạ!”. Các em phát âm đúng chuẩn tiếng Việt, không em nào mặc đồng phục, tất cả trông rất lam lũ. Thầy Hiển xúc động vì bất ngờ có khách từ quê hương đến thăm: “Tôi yếu chân, không lao động nặng được. Năm 1990, bà con yêu cầu quá, tôi mở lớp dạy khoảng 20 em lớp 1 và 2, vì nhà chật quá. Con em được học chữ Việt, nhà này chuyền nhà kia, bà con các xã dẫn con lại nài nỉ, tôi phải tháo hết vách nhà ra làm lớp”.

Khi chúng tôi tạm biệt lớp học để về điểm phát quà, thầy Hiển gõ thước lên bàn, các em đồng thanh đọc 4 câu ca dao:

“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con...”.

Cả lớp học ríu rít vẫy tay chào chúng tôi. Người thầy giáo 54 tuổi dạy tiếng mẹ đẻ và dạy các em học làm người, bịn rịn lúc chia tay và có một đề xuất nhỏ: “Nếu được các anh cho xin thêm sách giáo khoa mới trọn bộ bậc THPT và cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ. Chính tôi cũng phải học hoài. Tiếng Việt của mình thiêng liêng lắm, học để dạy các em tốt hơn” - Giọng thầy như chùn xuống.

Quê hương nghĩa nặng tình sâu

Ông Lê Văn Hồng, Chủ tịch các tổ chức Hội hữu nghị tỉnh Kiên Giang (người bên phải), tặng tiền xây dựng trường học. 

Ông Lê Văn Hồng, Chủ tịch LHCTCHN tỉnh Kiên Giang, khi trao đổi với nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa về lớp học này, đã thống nhất sau chuyến đi, sẽ hỗ trợ nơi đây xây dựng một điểm trường mới. Các em học sinh người Việt ở huyện Prean Roo chưa có trường, thì các em học sinh người Việt ở ấp Đuông, xã Prak Phnau, huyện Po Nheu Lư, tỉnh Kandal, được xây ngôi trường trị giá 15.000 USD. Vẫn còn xúc động về hình ảnh các em học sinh lớp thầy Hiển, Chủ tịch Lê Văn Hồng nói: “Có được ngôi trường tương đối tốt, các em học sinh người Việt và người địa phương sẽ có điều kiện học tập tốt hơn”. Khi trao 21.600 USD để xây dựng điểm trường ở tỉnh Kampuong Chnăng, Chủ tịch Lê Văn Hồng cũng nhắc lại ý này, cả bà con người Việt và người Campuchia địa phương tham dự buổi lễ trao tiền xây trường học nhiệt liệt hoan nghênh. Ông Tuốt Ma Rin, Tỉnh trưởng tỉnh Kampuong Chnăng, phát biểu: “Ngôi trường này càng thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Chính phủ và nhân dân Campuchia không bao giờ quên ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam từng giúp đỡ đất nước và nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng”.

Trong khi hai ngôi trường do LHCTCHN tỉnh Kiên Giang chuẩn bị khởi công, thì ngôi trường tại xã Kampuong Luong, tỉnh Po Sath, do QHTVĐCĐNVN ở nước ngoài và Công ty thương mại Cổ phần xây dựng Tây Trường Sơn tài trợ trị giá 20.000 USD cũng vừa được khánh thành. Bà Men Sam On, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Vương quốc Campuchia và nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã long trọng cắt băng khánh thành vào trưa ngày 13-11-2009. Ông Hà Quang Tuấn, Đại sứ quán Việt Nam, phụ trách Cộng đồng Việt kiều tại Campuchia, cho biết: “Chúng tôi cố gắng phổ cập giáo dục tiểu học cho bà con lao động người Việt và con em họ, chủ yếu để họ biết đọc, viết được tiếng Việt, đừng quên nguồn cội. Còn học lên nữa thì điều kiện ở đây còn khó lắm”. Các em học sinh lớp 5 đứng hàng đầu cầm băng khánh thành là Văn Thị Huệ, Cà Lin, Nguyễn Văn An, Nguyễn Văn Tiến, được nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tặng quà, các em cúi đầu cảm ơn. Hơn 40 học sinh khác cũng được nhận quà.

Chúng tôi vẫy tay chào các em. Ngôi trường của xóm người Việt trên Biển Hồ có cắm lá cờ Việt Nam đang tung bay. Tiếng các em học bài vọng theo gió, lan trên sóng nước Biển Hồ - biển nước ngọt có những giọt mồ hôi, cả nước mắt của cha mẹ các em, của các em rơi. Chúng tôi mang về nhúm nước ngọt Biển Hồ, vì lẽ ấy.

Tình dân tộc,
nghĩa đồng bào

Kiều bào ta đang làm ăn sinh sống tại nước bạn Campuchia, đa số đều có cuộc sống nghèo. Chuyến đi này, đoàn Việt Nam chỉ mang sang Campuchia có 2.500 phần quà. Hàng ngàn chiếc thuyền bồng bềnh trên sóng nước Biển Hồ, bà con đến không phải để nhận quà, mà để được nghe tiếng mẹ đẻ, được cười, nói và ... khóc với người của xứ sở, đã mang đến bên mình hình bóng quê nhà.

Khi phát 500 phần quà cho bà con Việt kiều và người Campuchia địa phương tại huyện Prean Roo xong, đã gần 1 giờ trưa. Bà Thai Son, cán bộ Trung ương Hội Phụ nữ Campuchia bố trí đoàn dùng cơm tại gia đình chị Then Tus, cán bộ Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Pray Veng, ở thị trấn Neak Lương. Đoàn tiếp tục đi tỉnh Kampuong Chnăng và Pusat. Đây là hai tỉnh đi qua Biển Hồ, có đông kiều bào sinh sống trên nhà bè, nên đoàn phải đi thuyền máy đến ấp Kos Morom, xã Chhok Trum, thuộc tỉnh Kampuong Chnăng là điểm phát 500 phần quà trên nhà bè, rồi thuyền tiếp tục chở 700 phần quà đi hơn 2 giờ nữa qua khu nhà bè của bà con kiều bào ở xã Kam Luong, tỉnh Po Sath.

Cả đợt đi thăm và tặng quà cho kiều bào ta tại 4 tỉnh ở Campuchia, có lẽ 2 điểm phát quà trên Biển Hồ là xúc động nhất. Ông Som Chi (Châu Văn Chi), Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Campuchia, cho biết: “Số kiều bào Việt đang làm ăn sinh sống tại Campuchia khoảng hơn 100.000 người. Riêng ở tỉnh Kamouong Chnăng có khoảng 11.200 hộ, 55.200 khẩu. Còn ở xã Chhok Tru thì có 997 hộ, 4 285 khẩu. Mỗi điểm chỉ có 500-700 phần quà, nhưng kiều bào đến hàng ngàn người. Bà con đến không phải để nhận quà, mà đến để được nghe tiếng mẹ đẻ, được nhìn thấy nụ cười, được nói chuyện và được... khóc với người của xứ sở, quê nhà”.

Khi thuyền chở quà cặp nhà bè rộng như hội trường nhỏ, dùng để tổ chức tiệc cưới, tang lễ, nhà sinh hoạt cộng đồng của gia đình bà Phạm Thị Xứng, thì đã có hơn 500 bà con người Việt và Khmer ngồi trong nhà bè và hàng ngàn người đi xuồng nhỏ, ghe máy đậu chung quanh nhà bè, ngồi trên bè tre bên ngoài. Chị Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng Ban liên lạc Hội người Việt Nam xã Chhok Tru tại Campuchia, cầm loa tay điều khiển: “Bà con ơi! Đoàn từ thiện của đất mẹ chúng ta đến rồi!”. Tiếng vỗ tay kéo dài. Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đưa cao hai tay chào bà con. Khi nguyên Phó Chủ tịch nước bước lên nhà bè, khom người xuống, ôm hai cụ bà Nguyễn Thị Năm, 80 tuổi và Trần Thị Hoa, 86 tuổi, tiếng hô, tiếng vỗ tay cứ lan dài theo sóng nước Biển Hồ. Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa nói trong xúc động: “Kính thưa bà con, cô bác! Chính hình ảnh thân yêu, ruột rà này, đã thôi thúc chúng tôi vượt bao chặng đường xa, mang theo tình cảm của Đảng, Chính phủ và nhân dân quê hương đến với bà con, chia sẻ với bà con bằng món quà nhỏ, nhưng nặng sâu tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Bà con mình dù sống ở Biển Hồ, nhưng trái tim luôn hướng về quê cha, đất tổ. Bà con hãy luôn nhớ rằng, dù ở đâu, chúng ta cũng có chung một cội nguồn...”. Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa nghẹn lời.

Không để bà con chờ đợi lâu, Anh hùng lao động Nguyễn Thị Hoa Lệ, Giám đốc Công ty Du lịch Hòa Bình và các thành viên trong đoàn đã xếp quà lên nhà bè và trao tận tay bà con. Ngoài 2 cụ bà trên 80 tuổi ngồi hàng đầu, cụ bà Huỳnh Thị Nghi, 81 tuổi, cũng được nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trao quà đầu tiên. Cụ Trần Thị Hoa bật khóc: “Má nhớ bên nhà quá, nhưng đâu có tiền về!”. Chị Lê Thị Nữ, không thuộc đối tượng được phát quà, nhưng đã vào nhà bè, với tay nắm tay đồng chí Trương Mỹ Hoa, nói mà nước mắt lưng tròng: “Chị ơi! Nghe tiếng nói của mình, mà nhớ quê nhà đứt ruột đứt gan. Nhưng ở đây làm nghề đánh bắt cá, làm mướn làm thuê, chỉ đủ ăn thôi, có tiền dư đâu về quê?”. Cả đoàn không kềm được xúc động trước những lời bộc bạch rất thật.

Còn ông Nguyễn Phước Thành 77 tuổi, đã ôm bọc quà trong mình, rồi đứng lặng khi nghe ông Lê Văn Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang, tặng 1 tỉ đồng xây dựng trường học và gởi gắm tình cảm với bà con: “Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến kiều bào, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ổn định cuộc sống. Mong bà con luôn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, động viên con em mình học tập tốt trong những ngôi trường được xây dựng từ tấm lòng vàng của bà con ở Tổ quốc, biết đoàn kết thương yêu nhau và hướng về quê cha đất tổ”.

Hẹn những lần trở lại

Phát quà tại điểm Chhok Tru xong đã hơn 12 giờ trưa. Ghe chúng tôi rời nhà bè sinh hoạt cộng đồng. Bà con cũng tỏa đi các ngả. Trước Biển Hồ mênh mông, những chiếc xuồng chèo, xuồng bơi của bà con trở nên bé nhỏ, mong manh. Chúng tôi chạnh lòng, khi nghĩ đến hơn 4000 phận đời đang lênh đênh trên những chiếc bè lắt lay, bồng bềnh vì miếng cơm manh áo. Cựu tù Côn Đảo Trương Mỹ Lệ, nguyên Phó Ban Tổ chức thành ủy TP.HCM, đi trong đoàn từ thiện, lấy khăn lau nước mắt khi nhìn theo hai mẹ con người phụ nữ mù chèo chiếc xuồng nhỏ, ngược sóng: “Những chuyến đi như thế này, về cứ thao thức, trăn trở mãi. Có lẽ phải có những đề xuất với Đảng, Chính phủ nghiên cứu chính sách, thiết thực, khả thi để giúp kiều bào ta ở Campuchia”. Ông Lê Văn Hồng tán đồng ý kiến này và cho biết sẽ báo cáo cụ thể với Liên Hiệp CTCHN Việt Nam sau những chuyến đi tặng quà cho kiều bào này sẽ tiếp tục xây trường học, trụ sở làm việc của Hội Hữu nghị Campuchia kết nghĩa với Kiên Giang.

Hơn 2 tiếng đồng hồ đi trên Biển Hồ, chúng tôi không thể cảm nhận hết nỗi nhọc nhằn của bà con ta đang sinh sống ở đây. Bữa cơm trưa ăn vội trên thuyền để kịp phát 700 phần quà cho bà con Việt kiều và người Campuchia nghèo địa phương ở xã Kam Puong Luong, tỉnh Po Sath buổi chiều. Cũng trên nhà bè sinh hoạt cộng đồng, những hình ảnh xúc động của buổi phát quà lúc sáng lặp lại. Hàng trăm câu chúc, hàng trăm lời cảm ơn bằng cả tiếng Việt, tiếng Khmer. Hon Sa Phi, 22 tuổi, người Khmer, ôm túi quà thật chặt, vì xuồng chòng chành, sợ rơi xuống nước. Phi nói tiếng Việt lơ lớ: “Cảm ơn bác”. Nguyễn Văn Giỏi, 31 tuổi, dẫn theo 2 đứa con nhỏ, chèo xuồng đến điểm phát quà từ 11 giờ trưa. Giỏi không có trong danh sách nhận quà, nhưng đi cùng bà con trong xóm nhà bè để được gặp đoàn từ thiện, nói chuyện cho đỡ nhớ quê hương Đồng Tháp của mình. Cạnh xuồng của Giỏi, cũng có hàng chục người cũng đến bằng tình cảm như anh...

Khi thuyền chúng tôi rời điểm phát quà cuối cùng trên Biển Hồ, bà con cứ nhìn theo vẫy tay lưu luyến, bịn rịn. Chủ tịch Lê Văn Hồng xúc động: “Mình vẫn còn nợ bà con những lần trở lại”...

Ghi chép: THANH XUÂN

Chia sẻ bài viết