08/12/2017 - 21:00

Chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
Bài 1: Nỗ lực và băn khoăn từ cơ sở 

Trong kỳ họp thứ 4 vừa qua, Quốc hội đã quyết định lùi thời gian thực hiện 2 năm đối với chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể- nghĩa là áp dụng chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, năm học 2021-2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT. Mặc dù vậy, TP Cần Thơ vẫn đã và đang tích cực chuẩn bị mọi nguồn lực để thực hiện chương trình. Và thực tế cho thấy, sự chuẩn bị ngay từ bây giờ là rất cần thiết.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nếu áp dụng chương trình GDPT tổng thể; nhất là phải đảm bảo đủ nguồn lực phục vụ lớp 2 buổi/ ngày, khống chế sĩ số học sinh trong mỗi lớp… Đó là những vấn đề trước mắt đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực nhiều hơn, sự chuyển động mạnh mẽ hơn từ ngành giáo dục cùng các ban ngành hữu quan cũng như sự chung tay của toàn xã hội.

Nỗ lực chuẩn bị…

Theo dự thảo chương trình GDPT tổng thể, sẽ có thêm hoạt động giáo dục bắt buộc (hoạt động trải nghiệm- hướng nghiệp). Trong ảnh: Giờ học hướng nghiệp của học sinh Trường THCS Bình Thủy. 

Chương trình GDPT mới cụ thể hóa mục tiêu GDPT, giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời. Chương trình hướng đến kế thừa và phát triển những ưu điểm các chương trình giáo dục đã có của Việt Nam; đồng thời, tiếp thu kinh nghiệm xây dựng chương trình giáo dục tiên tiến trên thế giới… Theo Dự thảo trước đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chương trình GDPT mới dự kiến áp dụng từ năm học 2018-2019. Vì vậy, từ cuối năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị nguồn lực để đón đầu khi thực hiện chương trình này.

Theo ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thới Lai, ngay khi có thông tin liên quan đến chương trình GDPT mới, ngành đã chỉ đạo các trường triển khai đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh; đồng thời chuẩn bị nguồn lực giáo viên nòng cốt. Ở bậc tiểu học, mỗi trường chọn giáo viên cốt cán ở khối lớp 1 đến lớp 5 để đưa đi tập huấn, tiếp cận chương trình GDPT mới. Các trường chuẩn bị nguồn và tập huấn, đào tạo lại những giáo viên sẽ tham gia giảng dạy các môn học mới: môn hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hướng nghiệp; môn nghệ thuật, môn khoa học tự nhiên…

Ông Nguyễn Văn Chi cho biết: “Huyện có khoảng 1.170 cán bộ, giáo viên. Ngành tạo điều kiện để giáo viên tham gia các lớp tập huấn theo hình thức cuốn chiếu, đến khi đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, năng lực chuyên môn giảng dạy chương trình GDPT mới”. Thầy Võ Văn Khiếm, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Thới Lai, nói: “Để giáo viên, học sinh không phải bỡ ngỡ khi áp dụng chương trình GDPT mới, trường đã chọn, đưa một số giáo viên tập huấn cũng như phổ biến thông tin này đến học sinh trong buổi sinh hoạt dưới cờ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy của trường cơ bản đáp ứng yêu cầu học 2 buổi/ ngày”.  

Các quận, huyện và trường THPT trên địa bàn thành phố đều nỗ lực chuẩn bị nguồn lực phục vụ chương trình GDPT mới. Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Cái Răng), cho biết: “Trường tổ chức 2 đợt để cán bộ, giáo viên góp ý chương trình; đưa giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng chương trình GDPT tổng thể. Trong lúc chờ chương trình mới chính thức áp dụng, thầy trò nhà trường đã thay đổi phương pháp dạy và học; thực hiện từng bước cho cả 3 khối lớp học. Việc Bộ GD&ĐT thực hiện Kỳ thi THPT Quốc gia trong thời gian qua đã thể hiện phần nào chương trình GDPT mới. Đây là nền tảng để thầy, cô của trường có cách dạy mới, phù hợp với tình hình thực tế”. Trường THPT Trần Đại Nghĩa có 1.094 học sinh ở 31 lớp, với 75 cán bộ, giáo viên. Từ năm học 2016-2017, trường tổ chức dạy thực nghiệm 10 tiết theo hướng của chương trình GDPT mới. 

…Nhưng vẫn thiếu

Thời gian qua, TP Cần Thơ nỗ lực đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, trường lớp. Tính cuối năm học 2016-2017, thành phố có 455 trường mầm non và phổ thông, nhưng ở bậc THCS chỉ có 66 trường ở 85 xã, thị trấn, phường. Một số huyện vùng ven thành phố còn thiếu phòng học, tình trạng học tạm, học nhờ hoặc điểm lẻ vẫn còn. Điều đó gây không ít khó khăn cho các trường khi triển khai chương trình GDPT tổng thể. Đó là chưa kể quy mô học sinh/ lớp học còn khá lớn; số lớp học 2 buổi/ ngày vẫn còn ít. Theo lộ trình của Bộ GD&ĐT, đến năm 2020, bậc tiểu học phải tổ chức được 100% lớp 2 buổi/ ngày. Thế nhưng hiện nay, hầu hết các quận, huyện của thành phố đều chưa đạt yêu cầu về tỷ lệ lớp học 2 buổi/ ngày, thậm chí rất thấp. Cụ thể, ở huyện Thới Lai, bậc tiểu học có 50% lớp học 2 buổi/ ngày; quận Cái Răng chỉ có 23,85% học sinh được học 2 buổi/ ngày...

Theo ngành GD&ĐT quận Bình Thủy và huyện Cờ Đỏ, điều kiện cơ sở vật chất ở một số trường vùng ven còn khó khăn; số học sinh trong mỗi lớp còn nhiều: bậc THCS: 45 học sinh/lớp; tiểu học: khoảng 35 học sinh/lớp. Riêng bậc tiểu học, theo chương trình mới, có thêm một số môn: Tìm hiểu công nghệ, Tìm hiểu Tin học, Thế giới công nghệ. Đây là môn học bắt buộc nhưng còn thiếu giáo viên, do chưa được tính biên chế.

Ở huyện Thới Lai hiện có 21 trường tiểu học, 9 trường THCS, 1 trường THCS-THPT; với khoảng 15.500 học sinh. Theo ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thới Lai, mặc dù đã nỗ lực rất nhiều trong việc xây dựng trường, lớp học nhưng cơ sở vật chất vẫn chưa đảm bảo đầy đủ phục vụ cho các môn học, nhất là môn học mới. Chẳng hạn, chương trình GDPT mới, Tin học được đưa vào chính khóa nhưng huyện vẫn còn thiếu phòng máy vi tính; nhất là ở những trường chưa đạt chuẩn quốc gia.

Không chỉ băn khoăn về thiếu thốn trang thiết bị, đội ngũ giáo viên cũng là vấn đề đáng lo lắng dù các trường, các địa phương đã có bước chủ động chuẩn bị. Chương trình GDPT tổng thể có một số môn học mới- như môn Hoạt động trải nghiệm- hướng nghiệp- sách giáo khoa vẫn chưa được ban hành, hướng dẫn cụ thể. Do vậy, việc chủ động tiếp cận của giáo viên ít nhiều gặp khó.

Ở bậc THPT, nhiều trường đặt vấn đề về thái độ, kiến thức và kỹ năng học tập của học sinh. Theo thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, khi áp dụng chương trình GDPT tổng thể, người học phải có kiến thức, thái độ học tập tích cực từ mầm non đến phổ thông. Thế nhưng, theo lộ trình áp dụng chương trình, có thể xảy ra tình trạng các em học sinh THPT chưa được trang bị những điều này từ nhỏ. Thầy Bằng chia sẻ: “Bên cạnh đề ra những giải pháp bồi dưỡng kiến thức, thái độ học tập cho học sinh, cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường vẫn chưa đủ đáp ứng chương trình học mới. Nếu áp dụng chương trình GDPT tổng thể, cần phải bổ sung thêm trang thiết bị giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo”.

Một vấn đề lớn khác nữa là đa phần đội ngũ giáo viên hiện nay được đào tạo theo các phương pháp dạy học nặng về truyền thụ kiến thức cho học sinh. Về kiến thức, giáo viên được đào tạo theo hướng dạy từng môn học riêng lẻ nên e ngại khó có thể dạy tốt và chuyên sâu ở các tổ hợp môn. Đó là chưa kể việc thay đổi tư duy về giáo dục- đào tạo ở một số giáo viên vẫn còn chậm. Vấn đề này chỉ có thể giải quyết bằng sự thay đổi từ các cơ sở đào tạo sư phạm- “cỗ máy cái” của ngành giáo dục.

Chương trình GDPT tổng thể có 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và Giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Chương trình gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn. Thời gian thực học 1 năm học tương đương 35 tuần. Song hành cùng chương trình mới này là bộ SGK mới, có nhiều thay đổi về kết cấu, tiết học, khác biệt với hệ thống SGK hiện hành. 

Chương trình tổng thể nêu lên 5 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Những năng lực chung được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. 

Những năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học, hoạt động giáo dục nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.

Bài, ảnh: B.KIÊN

 Bài cuối: Đi tìm giải pháp

Chia sẻ bài viết