20/08/2017 - 09:56

Trường Cao đẳng Cơ điện và nông nghiệp Nam Bộ

Chuẩn bị nguồn lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới 

Đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyển sinh năm 2017, Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ (CĐCĐ&NNNB) còn chuẩn bị các điều kiện đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới. 

HSSV của trường trong giờ thực hành lấy mẫu bệnh trên cá. 

Đẩy mạnh tuyển sinh

Năm 2017, Trường CĐCĐ&NNNB tuyển 1.000 học sinh sinh viên (HSSV) cho các ngành bậc cao đẳng, trung cấp; trong đó 500 SV cho 12 ngành cao đẳng: Điện công nghiệp, Quản trị mạng máy tính, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật máy nông nghiệp, Cắt gọt kim loại, Thú y... Theo Thạc sĩ Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường CĐCĐ&NNNB, đợt 1, có khoảng 300 HSSV trúng tuyển nên đợt 2 trường tiếp tục tuyển thêm khoảng 700 chỉ tiêu. Đối tượng tuyển sinh bậc cao đẳng là học sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, trường xét tuyển theo học bạ THPT. Bậc trung cấp, đối tượng tuyển sinh tốt nghiệp THCS hoặc tương đương trở lên.

Thời gian học ở các bậc đào tạo đều rút ngắn so với trước đây: Cao đẳng 2 năm, trung cấp 1,5 năm. Với HS có nhu cầu hoàn thiện chương trình THPT học song song với chuyên ngành, thì học 2,5 năm. Thạc sĩ Lê Thái Dương cho biết: Lượng kiến thức vẫn không thay đổi, HSSV tập trung những môn chuyên ngành, tăng thời gian thực hành, giảm lý thuyết. Thời gian học ngắn còn giúp HSSV giảm chi phí, cơ hội tìm việc làm cao cũng như có điều kiện theo học cao hơn.

Với lợi thế trường công lập trực thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trường có mức thu học phí phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân ĐBSCL. Bên cạnh đảm bảo đầy đủ chế độ chính sách, học bổng, miễn giảm học phí cho HSSV theo quy định, trường còn dành 10% học bổng khuyến khích học tập cho HSSV đạt loại khá, rèn luyện tốt trở lên. HS có đầu vào tốt nghiệp THCS được miễn giảm học phí. HSSV có nhu cầu được trường hỗ trợ chỗ ở ký túc xá. Sau tốt nghiệp, trường có các hoạt động hỗ trợ, kết nối, tìm kiếm việc làm cho HSSV. Qua thống kê, 100% HSSV của trường tìm được việc làm sau tốt nghiệp.

Chuẩn bị cho đổi mới 

Từ  năm 2017, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được chuyển sang quản lý của ngành lao động thương binh và xã hội. Trường CĐCĐ&NNNB tuy không bị ảnh hưởng nhiều như các trường chuyên nghiệp, song vẫn chuẩn bị các điều kiện nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Hiện nay, cán bộ, giảng viên của trường đã chuẩn bị sẵn sàng cho năm học 2017-2018.

Thầy Trần Văn Điển, Phó trưởng Khoa Xe máy thiết bị của trường, cho biết: “Với chương trình mới, phần thực hành chiếm đến 70%, còn lại lý thuyết. HSSV có thể thực hành thuần thục hơn trên các thiết bị, máy móc, giúp các em ra trường có thể làm việc được ngay. Để đảm bảo chất đào tạo, người giảng dạy nghiên cứu xây dựng lại chương trình, giáo trình phù hợp, cắt bớt một số phần không cần thiết nhưng kiến thức phải đảm bảo yêu cầu”. Theo cô Huỳnh Hoạt Ngôn, giảng viên Khoa Nông nghiệp, với HSSV trường nghề, phần thực hành rất quan trọng. Song để chuẩn bị tốt cho việc chuyển đổi, đòi hỏi giảng viên phải nghiên cứu kỹ chương trình, thay đổi phương pháp giảng dạy, giúp HSSV nắm vững kiến thức trọng tâm trong thời gian đào tạo đã tinh gọn.

Với hơn 48 năm phát triển, nguồn lực cơ sở vật chất, con người của trường đủ đáp ứng quy mô đào tạo hơn 3.000 HSSV. Trường hiện có một số xưởng thiết bị thực hành (ô tô, điện, chế biến, cơ khí…), trang trại thực hành phục vụ khoa nông nghiệp; thư viện điện tử… Tháng 8 này, trường vừa đưa vào sử dụng 1 xưởng thực hành thí nghiệm, với đầy đủ trang thiết bị thực hành thực tập, đảm bảo phục vụ cho các ngành ô tô, cơ khí, điện… Ngoài ra, trường còn có đội ngũ nhà giáo (140 cán bộ, giảng viên); trong đó giảng viên đạt trình độ sau đại học chiếm trên 70%, đảm bảo việc dạy học, nghiên cứu khoa học.

Thạc sĩ Lê Thái Dương nhấn mạnh: “Năm học 2017-2018 là năm đầu tiên áp dụng chương trình mới nên chưa thể đánh giá về hiệu quả đào tạo so với trước. Điều có thể khẳng định là HSSV được thực hành, thực tập chuyên sâu hơn, đủ khả năng làm việc ngay, khi tốt nghiệp. Trường sẽ tiếp tục duy trì, thực hiện đồng bộ các giải pháp (trong đó có việc giải quyết tốt việc làm cho HSSV. Mỗi thầy, cô giáo học tập, nghiên cứu, thực hành nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo”. 

B.Kiên

Chia sẻ bài viết