23/12/2017 - 17:40

Chuẩn bị lực lượng và phương tiện ứng phó bão Tembin 

(CTO) - Chuẩn bị sẵn sàng mọi lực lượng và phương tiện để chủ động ứng phó hiệu quả, kịp thời với bão Tembin, tránh tư tưởng chủ quan, kiên quyết di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tại cuộc họp trực tuyến ứng phó bão Tembin với các tỉnh từ Quảng Nam đến Cà Mau, sáng 23-12 tại Hà Nội.

Vị trí và hướng di chuyển của cơn bão số Tembin. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo nhanh, kịp thời phục vụ sự chỉ đạo, thông tin đối với Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ huy các tỉnh, thành phố ảnh hưởng bởi bão Tembin; chú trọng phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền các thông tin về bão đến các cấp chính quyền và người dân; trong đó cần quan tâm đến nhân dân sinh sống ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.    

“Tăng cường cập nhật thông tin, tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền; quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để hướng dẫn di chuyển hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; huy động tối đa các lực lượng để kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, khu vực neo đậu quanh các đảo, khu vực lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Đặc biệt chú ý đến các tàu vãng lai”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đất liền trong thời điểm triều cường

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cơn bão Tembin đã xuất hiện trên khu vực miền Nam Philippines, với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20km/h) và có khả năng mạnh lên. Đến 16 giờ ngày 23-12-2017, vị trí tâm bão ở vào khoảng 7,6 độ Vĩ Bắc; 118,8 độ Kinh Đông, cách đảo Pa-la-oan (Philippines) khoảng 140km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13.

Đến 16 giờ ngày 24-12-2017, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,9 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và còn diễn biến phức tạp, có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đất liền trong thời điểm triều cường. 

Để giảm thiệt hại như cơn bão số 12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có Công điện số 94 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa-Thể thao và Du lịch...

Công điện đề nghị các tỉnh, thành phố, các Bộ ngành chỉ đạo thực hiện ngay một số nội dung: thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Các địa phương tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; tăng cường lực lượng kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, khu neo đậu quanh các đảo.

Rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch trên các đảo, nhất là khách quốc tế. Kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, các công trình ven biển, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản. Có phương án bảo vệ nhà cửa, kho tàng, công trình… chống ngập cho các khu vực đô thị có nguy cơ ảnh hưởng do nước dâng, triều cường và gió mạnh.

Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, duy trì chế độ trực ban 24/24, kịp thời báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của bão, hướng dẫn các kỹ thuật neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa; tăng cường thời lượng thông tin để người dân biết, chủ động phòng tránh...

H.V (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết