19/05/2016 - 21:49

ĐỒNG CHÍ PHẠM VĂN HIỂU, PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC THÀNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND THÀNH PHỐ, CHỦ TỊCH ỦY BAN BẦU CỬ THÀNH PHỐ:

CHUẨN BỊ CHU ĐÁO MỌI MẶT, GÓP PHẦN TỔ CHỨC CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP

Cùng với cả nước, những ngày này, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Cần Thơ náo nức hướng về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021 sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật, 22-5-2016. Trước thềm cuộc bầu cử, đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử (UBBC) thành phố, đã dành cho phóng viên Báo Cần Thơ cuộc phỏng vấn. Với khí thế toàn thành phố đã sẵn sàng cho ngày bầu cử, đồng chí cho biết:

- Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của thành phố; là nơi để cử tri thực hiện và phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong cơ quan quyền lực nhà nước các cấp. Chính vì tầm quan trọng của cuộc bầu cử, Ban Thường vụ Thành ủy đã sớm thành lập Ban chỉ đạo bầu cử, ban hành Chỉ thị lãnh đạo cuộc bầu cử; Thành ủy tổ chức hội nghị triển khai công tác bầu cử cho các ngành, các cấp trong thành phố…

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết công tác bầu cử. Ảnh: Q. TRƯỞNG

Công tác triển khai, thành lập các tổ chức phục vụ bầu cử, triển khai kế hoạch thực hiện bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, chuẩn bị cơ sở vật chất, tài liệu phục vụ bầu cử... được tiến hành chu đáo, đúng pháp luật, đảm bảo tiến độ thời gian. Công tác chuẩn bị nhân sự giới thiệu ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp chặt chẽ, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy định; công tác hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc các cấp đúng quy trình, đảm bảo công khai, dân chủ, giới thiệu được những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Công tác tuyên truyền, đảm bảo an ninh trật tự, giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến cuộc bầu cử được thực hiện tốt. Công tác rà soát, lập danh sách cử tri, viết thẻ và phát thẻ cử tri hoàn thành đúng tiến độ; việc chuẩn bị các điểm tổ chức bỏ phiếu bầu cử được các tổ bầu cử thực hiện sớm;… Những người ứng cử đã ra mắt cử tri, trình bày chương trình hành động, vận động bầu cử đúng luật. Các hội nghị gặp gỡ giữa những người ứng cử với cử tri thu hút đông đảo nhân dân đến dự và phát biểu ý kiến đóng góp, gởi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình…

Song song đó, UBBC các cấp trong thành phố cũng kịp thời sơ kết, đánh giá; tăng cường công tác kiểm tra ở cơ sở nhằm bảo đảm các mặt công tác được chuẩn bị chu đáo. Đến thời điểm này, mọi việc chuẩn bị bầu cử cơ bản hoàn tất, sẵn sàng phục vụ cho ngày bầu cử.

* Riêng công tác tuyên truyền, vận động, giúp cử tri hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử để tích cực tham gia bầu cử được các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức, thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

- Thời gian qua, công tác tuyên truyền bầu cử được các ngành, các cấp đẩy mạnh. Tiểu ban tuyên truyền và ngành văn hóa thông tin sớm phát hành các tài liệu tuyên truyền Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; thiết kế và xây dựng nhiều cụm pano, áp- phích, hàng ngàn băng – rôn; in hàng trăm ngàn tờ khẩu hiệu giấy, tờ gấp…đưa về các địa phương để tuyên truyền. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức, lồng ghép tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bầu cử trong cán bộ, công chức, hội viên, đoàn viên với nhiều hình thức phong phú, như: Hội thi tuyên truyền lưu động, hội thi tiểu phẩm tuyên truyền bầu cử; cuộc thi tìm hiểu Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; vận động hộ dân làm vệ sinh cảnh quan môi trường, treo cờ trước nhà; xây dựng kịch bản văn nghệ; tổ chức chương trình văn nghệ lưu động tại các xã, phường, thị trấn phục vụ tuyên truyền bầu cử; tổ chức tuyên truyền lưu động ở các ấp, khu vực bằng xe thông tin, xe mô tô có loa phóng thanh… Các cơ quan báo chí của thành phố cũng mở thêm chuyên mục, chuyên trang, tăng thời lượng phát hình, phát thanh tuyên truyền về cuộc bầu cử và thông tin về những người ứng cử. Đặc biệt, các tổ chức đảng, đoàn thể đã thực hiện tốt việc tuyên truyền miệng, kết hợp với cấp phát tờ gấp, tài liệu hỏi - đáp về bầu cử cho hàng trăm ngàn cán bộ, đảng viên, đoàn viên… Các hoạt động tuyên truyền đã giúp cử tri thành phố hiểu, biết rõ về cuộc bầu cử để tích cực tham gia bỏ phiếu bầu, bầu đúng, bầu đủ số lượng đại biểu được bầu.

Công tác tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được đẩy mạnh. Trong ảnh: Xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền thực hiện tuyên truyền bằng xe lưu động. Ảnh: ANH DŨNG

* Thưa đồng chí, cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 có những điểm mới đáng chú ý nào? Các ngành chức năng của thành phố đã tổ chức thực hiện những điểm mới này như thế nào?

- Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là lần đầu tiên chúng ta tổ chức thực hiện Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND nên có nhiều điểm mới. Ở đây, tôi chỉ nhấn mạnh một số điểm nổi bật. Về thời gian bỏ phiếu, luật quy định thời gian bắt đầu bỏ phiếu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối cùng ngày. Tuy nhiên, tùy tình hình của địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn, nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn, nhưng không được quá 9 giờ tối cùng ngày. Luật chú trọng hơn về quy định tiêu chuẩn của ĐBQH và đại biểu HĐND là có trình độ chuyên môn, có sức khỏe, có kinh nghiệm công tác và uy tín. Đồng thời, quy định phải có ít nhất 15% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là người trẻ tuổi, ít nhất 35% là phụ nữ, có tỷ lệ những người ứng cử là người đại diện cho các tôn giáo, cho đồng bào dân tộc thiểu số một cách phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương. Ở TP Cần Thơ, danh sách những người ứng cử ĐBQH khóa XIV (do thành phố giới thiệu) tỷ lệ nữ chiếm 40%; trong những người ứng cử đại biểu HĐND thành phố, nữ chiếm tỷ lệ 40,9%; những thành phần, cơ cấu khác đều đảm bảo đúng quy định… Bên cạnh đó, quyền bầu cử đối với một số đối tượng đặc biệt cũng được quy định theo hướng dân chủ hơn, với việc mở rộng cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc…

Trước những điểm mới đó, thành phố đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị triển khai, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức thực hiện cuộc bầu cử. Đến thời điểm này, mọi công việc đều diễn ra thuận lợi, các tổ chức, cá nhân phục vụ bầu cử đều hiểu, biết rõ về những điểm mới, cũng như những nội dung cần phải thực hiện liên quan đến cuộc bầu cử.

* Thưa đồng chí, để cuộc bầu cử diễn ra thành công tốt đẹp, bà con cử tri cần lưu ý những vấn đề gì?

- Theo tôi, bà con cử tri cần tự mình đi bỏ phiếu bầu cử, không bầu thay, hoặc nhờ người khác bầu giúp mình. Trước khi bỏ phiếu, cần tìm hiểu rõ thông tin về những người ứng cử để bầu chọn được những người tiêu biểu nhất, đại diện cho ý chí, quyền làm chủ của mình ở các cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương. Đặc biệt, tại cuộc bầu cử lần này, cùng lúc chúng ta bỏ phiếu bầu cho 4 cấp (ĐBQH, đại biểu HĐND thành phố, đại biểu HĐND quận, huyện và đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn). Do đó, bà con cử tri nên chú ý màu phiếu bầu cử. Theo quy định của UBBC thành phố, phiếu bầu cử ĐBQH có màu hồng; phiếu bầu cử đại biểu HĐND thành phố màu vàng; phiếu bầu cử đại biểu HĐND quận, huyện màu xanh và phiếu bầu cử đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn màu trắng. Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cũng quy định "khi đi bầu phải xuất trình thẻ cử tri" nên cử tri cần chuẩn bị thẻ cử tri để xuất trình tại nơi bỏ phiếu bầu cử. Khi bỏ phiếu xong, bà con phải chờ Tổ bầu cử đóng dấu "đã bỏ phiếu" vào thẻ cử tri thì mới hoàn tất việc bầu cử.

* Trước thềm cuộc bầu cử, đồng chí có những lưu ý gì đối với các ngành, các cấp, các bộ phận liên quan đến công tác tổ chức bầu cử?

- Thời điểm tổ chức cuộc bầu cử đã cận kề, do đó, bên cạnh bảo đảm thực hiện tốt các công việc chuyên môn liên quan đến bầu cử, tôi yêu cầu các cấp, các ngành, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường đi cơ sở để kiểm tra, bảo đảm mọi mặt của công tác bầu cử được chuẩn bị, tiến hành chu đáo. Đặc biệt, tôi đề nghị các ngành, các cấp cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị, an toàn giao thông; đảm bảo cung cấp điện, nước; đồng thời, triển khai các biện pháp nắm bắt tình hình, bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn và nhất là tại các địa điểm bỏ phiếu bầu cử; đảm bảo an toàn hồ sơ, tài liệu bầu cử;… UBBC cấp xã, các Tổ bầu cử thường xuyên theo dõi, cập nhật, bổ sung danh sách cử tri; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để cử tri biết đầy đủ thông tin về những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp, về ngày bầu cử, địa điểm bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu;… kịp thời báo cáo những vấn đề phát sinh để giải quyết sớm… Phải bảo đảm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cử tri đi bỏ phiếu bầu cử, góp phần để cuộc bầu cử diễn ra thành công tốt đẹp.

Tôi cũng đề nghị UBBC các cấp của thành phố tổ chức theo dõi, đánh giá để tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ bầu cử…

* Xin cảm ơn đồng chí!

Quốc Trưởng (thực hiện)

Toàn thành phố có 3 đơn vị bầu cử ĐBQH; đơn vị bầu cử ĐBQH số 1 (quận Ninh Kiều, quận Cái Răng và huyện Phong Điền) có 5 người ứng cử, được bầu 3 ĐBQH; đơn vị bầu cử ĐBQH số 2 (quận Bình Thủy, quận Ô Môn và huyện Thới Lai) có 4 người ứng cử, được bầu 2 ĐBQH; đơn vị bầu cử ĐBQH số 3 (quận Thốt Nốt và các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh), có 4 người ứng cử, được bầu 2 ĐBQH.

Có 11 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND thành phố; trong đó, mỗi quận, huyện là 1 đơn vị bầu cử; riêng quận Thốt Nốt và quận Ninh Kiều mỗi quận có 2 đơn vị bầu cử. Mỗi đơn vị bầu cử có 8 người ứng cử, được bầu 5 đại biểu HĐND thành phố.

Chia sẻ bài viết