11/06/2014 - 22:00

Chú trọng khâu xử lý giống cho vụ mùa bội thu

Mới đây, Công ty Bayer Việt Nam phối hợp cùng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức khánh thành Trung tâm Ứng dụng Công nghệ xử lý hạt giống đặt tại trụ sở Viện Lúa ĐBSCL, số 9B, đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Đây là Trung tâm Ứng dụng Công nghệ xử lý hạt giống thứ 11 của Bayer trên toàn cầu và là Trung tâm đầu tiên của Bayer đặt tại Việt Nam. Việc ra đời của Trung tâm nhằm tăng cường nhận thức và khả năng áp dụng của nhà nông, các cơ quan hữu quan về xử lý giống lúa trước khi đưa vào canh tác, góp phần cải thiện năng suất, chất lượng lúa gạo, giảm chi phí sản xuất cho nông dân.

Theo Bayer Việt Nam, thực tế cho thấy, lúa giống đã qua xử lý đem lại nhiều lợi ích cho nông dân trong quá trình canh tác như làm tăng tỷ lệ nảy mầm, tăng sức chống chịu của cây lúa trước diễn biến thời tiết, sâu bệnh. Tuy nhiên, việc áp dụng các giải pháp xử lý hạt giống còn khá thấp tại Việt Nam và hiện chỉ giới hạn trong khoảng 2% trên tổng diện tích đất canh tác lúa. Ông Torsten Velden, Tổng Giám đốc nhánh Bayer Crop Science, cho biết: "Đa số nông dân Việt Nam là các hộ sản xuất nhỏ, không được tiếp cận với các công cụ, kỹ thuật cần thiết để giải quyết những vấn đề gặp phải trong sản xuất. Vì thế, chúng tôi mong muốn đem đến những giải pháp xử lý hạt giống tiên tiến giúp nông dân có được những ruộng lúa khỏe mạnh hơn, cho năng suất cao hơn. Với Trung tâm Ứng dụng Công nghệ xử lý hạt giống đầu tiên của Bayer đặt tại TP Cần Thơ, chúng tôi tập trung đầu tư các thiết bị xử lý hạt giống với công nghệ tiên tiến nhằm cung cấp các dịch vụ huấn luyện, kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật cho người xử lý hạt giống có thể xử lý và bảo vệ hạt giống một cách tốt nhất. Đội ngũ chuyên môn của Trung tâm cũng sẽ hướng dẫn, tư vấn cho khách hàng về cách sử dụng sản phẩm xử lý hạt giống do Công ty Bayer cung cấp và huấn luyện cách thức sử dụng thiết bị xử lý hạt giống ngay tại Trung tâm".

Đại diện Công ty Bayer Việt Nam giới thiệu quy trình xử lý giống tại Trung tâm Ứng dụng Công nghệ xử lý hạt giống.

Ở khâu đầu vào sản xuất lúa, chất lượng hạt giống, độ thuần của hạt giống là yếu tố quan trọng để cây lúa có thể sinh trưởng, phát triển tốt. Hạt giống được bảo vệ ngay từ đầu sẽ có điều kiện phát huy tối đa tiềm năng về năng suất, chất lượng. Ông Marc Andrieux, Giám đốc Phát triển hạt giống toàn cầu của Công ty Bayer, cho biết: "Công nghệ xử lý hạt giống tổng hợp toàn diện của Bayer kết hợp với 4 khâu gồm sản phẩm, màng bảo vệ, dịch vụ và thiết bị, sẽ giúp giảm tối thiểu dịch hại tấn công lúa, giảm lượng phân thuốc sử dụng. Công nghệ này có thể giảm tần suất sử dụng thuốc trừ sâu xuống từ 2-3 lần, từ đó giảm chi phí và công lao động của nông dân trong việc quản lý dịch hại. Song song đó, việc giới thiệu những kỹ thuật sản xuất nông nghiệp mới gắn với công nghệ phát triển hạt giống của Bayer sẽ tạo điều kiện phát triển ngành nông nghiệp thân thiện hơn với môi trường, cho mùa màng bội thu, đem lại nguồn thực phẩm chất lượng và lợi nhuận cao hơn cho nhà nông".

Ngoài việc tạo điều kiện để nông dân có thể tiếp cận với các kỹ thuật xử lý hạt giống tiên tiến, Bayer cũng tăng cường hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất lúa gạo nhằm đưa thành tựu nghiên cứu cùng kỹ thuật canh tác áp dụng vào thực tế sản xuất. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, cho biết: "Với việc triển khai cánh đồng lớn, Trung An quan tâm đến vấn đề quản lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật của sản phẩm lúa hàng hóa, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Xác định Bayer là công ty cung cấp sản phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu, đảm bảo phù hợp với yêu cầu của các khách hàng nhập khẩu gạo khó tính nên Trung An chú trọng hợp tác với Bayer để cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân trong cánh đồng lớn. Bên cạnh đó, Trung An cũng mong muốn hợp tác với Bayer để chuyển giao công nghệ xử lý hạt giống để cung ứng nguồn giống lúa chất lượng phục vụ sản xuất trong các cánh đồng lớn".

Thông qua việc hợp tác với Viện Lúa ĐBSCL, Bayer Việt Nam sẽ triển khai các hoạt động huấn luyện, tập huấn kỹ thuật và tổ chức những điểm trình diễn ngoài đồng ruộng. Từ đó, tạo điều kiện để tăng cường hiểu biết và nhận thức về xử lý hạt giống cho nhà nông, khách hàng, các đối tác cùng các cơ quan hữu quan. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: "ĐBSCL đã đạt nhiều thành tựu đáng tự hào về sản xuất lúa khi góp phần giữ vững an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu. Trong quá trình sản xuất, các địa phương trong vùng đã ứng dụng nhiều giải pháp về khoa học công nghệ như ứng dụng kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", quan tâm sử dụng giống xác nhận để gieo sạ. Khi Trung tâm Ứng dụng Công nghệ xử lý hạt giống tại Viện Lúa ĐBSCL đi vào hoạt động, Trung tâm sẽ đóng vai trò hỗ trợ ngành nông nghiệp các địa phương làm tốt khâu xử lý giống, nâng cao chất lượng hạt giống trước khi đưa vào sản xuất. Về phía Viện Lúa sẽ phối hợp cùng Công ty Bayer Việt Nam chuyển giao khoa học kỹ thuật đến các địa phương các Chi cục Bảo vệ thực vật để tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân về ý nghĩa của việc xử lý giống lúa đầu vào, tiến tới triển khai, áp dụng công nghệ xử lý hạt giống vào phục vụ sản xuất.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết