14/11/2016 - 21:13

Chú trọng giáo dục truyền thống và di sản văn hóa

Bên cạnh quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, các cơ sở giáo dục trong quận Ninh Kiều chú trọng giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong nhà trường bằng nhiều hình thức ngoại khóa: tổ chức cho học sinh tham quan bảo tàng, di tích, chăm sóc di tích; dạy học lồng ghép giáo dục truyền thống, di sản văn hóa vào các môn học; thành lập "Đội tuyên truyền di sản văn hóa"…

Ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Ninh Kiều chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học. Các trường xây dựng kế hoạch giáo dục truyền thống và di sản văn hóa lồng ghép trong các môn học chính khóa, đăng ký với Bảo tàng thành phố, Ban quản lý di tích thành phố… để tổ chức hoạt động ngoại khóa… Năm học qua, các trường lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống và di sản vào 1.352 tiết học, tập trung các môn: Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân. Ngoài ra, một số đơn vị phối hợp với Hội Cựu chiến binh phường, quận kể chuyện Bộ đội Cụ Hồ...

 Cô trò Trường Tiểu học Ngô Quyền trổ tài gói bánh Tét, giúp học sinh hiểu được ý nghĩa ngày Tết cổ truyền của dân tộc trong buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Trường THCS Đoàn Thị Điểm là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống, di sản văn hóa. Đầu năm 2016, trường tổ chức học tập trải nghiệm chương trình địa phương lớp 8 cho học sinh tại Khu di tích lịch sử văn hóa Mộ cụ Bùi Hữu Nghĩa ở quận Bình Thủy. Trong buổi học, học sinh được báo cáo viên phụ trách khu di tích hướng dẫn tham quan và thuyết minh về những hạng mục chính của khu di tích như: nhà trưng bày, nhà khách, nhà bia tưởng niệm, khu mộ, cổng tam quan… Học sinh có dịp tham khảo một số lưu ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa để hiểu thêm về nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa, vị quan thanh liêm, nhà giáo mẫu mực… Sau buổi học học sinh được hiểu biết về lịch sử hình thành khu di tích; lòng yêu nước và tự hào dân tộc được vun đắp; qua đó, các em biết trân trọng và giữ gìn giá trị văn hóa địa phương.

Để làm tốt việc giáo dục truyền thống, di sản văn hóa trong học đường, theo thầy Võ Hồng Lam, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều, các trường nắm chắc nhiệm vụ trọng tâm năm học, chỉ đạo của Bộ, Sở, Phòng GD&ĐT để chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch cụ thể, trao đổi thảo luận về các bài giảng có thể tích hợp. Bên cạnh đó, giáo viên phải xác định chìa khóa thành công trong giáo dục di sản là tạo hứng thú học tập trong học sinh. Đồng thời, vận động phụ huynh để nhân rộng công tác giáo dục di sản trong cộng đồng xã hội…

Năm học 2015-2016, một số trường bước đầu xây dựng mô hình trường học gắn với văn hóa, sản xuất kinh doanh tại địa phương như: THCS Huỳnh Thúc Kháng với hoạt động ngoại khóa "Một ngày làm nông dân", học sinh được hướng dẫn thực hành quăng lưới, tát ao, hái trái; trải nghiệm công đoạn nghề làm hủ tiếu, dệt chiếu… Bên cạnh đó, các trường mầm non, tiểu học tổ chức cho học sinh tham gia ngày hội bánh dân gian; gian hàng bánh Tết; chợ nổi trên sông; trải nghiệm cùng nghệ nhân trong chương trình "Sắc xuân miệt vườn"… Những nỗ lực của các trường mang đến cho học sinh nhiều trải nghiệm thú vị. Đồng thời, qua, đó phát huy giá trị của di sản văn hóa truyền thống, giúp học sinh mở rộng hiểu biết thực tế, vun bồi tình yêu quê hương, đất nước…

Bài, ảnh: M.HIỂN

Chia sẻ bài viết