20/10/2015 - 09:02

CHÚ TRỌNG GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH

Thời gian qua, song song với đổi mới phương pháp dạy học, việc giáo dục đạo đức cho học sinh được các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố chú trọng thực hiện. Với những biện pháp giáo dục đạo đức đa dạng, thiết thực và nhiều sáng kiến mới của các trường học đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Đạo đức là cốt lõi

Các trường tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh bằng việc tích hợp trong các giờ dạy, các buổi dã ngoại hoặc hoạt động ngoài giờ lên lớp... Trong ảnh: Giờ học môn Ngữ văn của học sinh Trường THCS Trà An, quận Bình Thủy. 

Giáo dục đạo đức cho học sinh là một trong những việc làm quan trọng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có đức có tài cho đất nước. Nhận thức tầm quan trọng đó, thời gian qua, ngành giáo dục thành phố chỉ đạo các trường tăng cường giáo dục đạo đức học sinh bằng việc tích hợp các môn: giáo dục công dân, ngữ văn, lịch sử… hay các buổi dã ngoại hoặc hoạt động ngoài giờ lên lớp… Thầy Nguyễn Hữu Nhân, Quyền Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, cho biết: Các trường triển khai tốt công tác giáo dục đạo đức học sinh, không xảy ra tình trạng bạo lực học đường. Nhìn chung, học sinh có phẩm chất đạo đức tốt, thể hiện qua nhận thức và tích cực tham gia các hoạt động; không có hiện tượng học sinh vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội nghiêm trọng.

Năm học qua, Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều) làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh, các đoàn thể, giúp việc rèn luyện đạo đức học sinh ngày càng đi vào nề nếp, đạt hiệu quả tốt. Vì thế, trường không xảy ra tình trạng bạo lực học đường và không có học sinh cá biệt. Đầu năm học, nhà trường thực hiện đồng bộ các giải pháp, triển khai các văn bản hướng dẫn liên quan công tác giáo dục đạo đức học sinh cho giáo viên, đồng thời quán triệt các nội dung về công tác chủ nhiệm lớp. Trường còn lồng ghép giáo dục đạo đức cho học sinh trong giảng dạy các môn học và các hoạt động giáo dục, phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".

Ngoài việc chú trọng giáo dục nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, Ban giám hiệu Trường THPT Thốt Nốt (quận Thốt Nốt) luôn quan tâm giáo dục đạo đức học sinh. Qua đó, trường bổ sung những thiết bị cơ bản phục vụ giảng dạy môn Giáo dục công dân, chú trọng sử dụng các phương tiện điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, các mô hình trực quan trong giảng dạy và tuyên truyền phổ biến pháp luật, giáo dục về truyền thống, đạo đức, phòng, chống bạo lực học đường. Nhà trường thường xuyên nắm bắt tư tưởng học sinh, đồng thời tổ chức tham khảo ý kiến hội đồng sư phạm để đưa ra nội quy nhà trường, nhiệm vụ học sinh trên cơ sở điều lệ trường trung học. Đồng thời kết hợp với chính quyền địa phương kiểm tra giám sát, giải tỏa các khu vực bán hàng rong, điểm truy cập Internet không lành mạnh trước cổng trường. Ban giám hiệu phối hợp với cha mẹ học sinh, nhất là học sinh cá biệt để tìm hiểu và có biện pháp giáo dục kịp thời. Bên cạnh đó quan tâm tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh, tổ chức các câu lạc bộ như: Đôi bạn cùng tiến, Đội thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường, đội phát thanh thanh niên…, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh thông qua hoạt động về nguồn.

Ban giám hiệu Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Ninh Kiều) phối hợp chặt chẽ với Ban đại diện phụ huynh học sinh và các đoàn thể trao đổi kinh nghiệm giáo dục, tìm ra những biện pháp, hình thức giáo dục hiệu quả để giáo dục con em học tập và rèn luyện ở gia đình. Chất lượng giáo dục đạo đức lối sống của học sinh có nhiều chuyển biến, tăng tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm tốt từng năm…

Cần phát huy hiệu quả

Theo Ban giám hiệu Trường Tiểu học Ngô Quyền, thực tế còn tình trạng học sinh không đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông, đi học trễ, chưa nêu cao ý thức tự phục vụ bản thân còn phụ thuộc vào người thân, trong gia đình... Bên cạnh đó, một vài giáo viên chủ nhiệm thiếu tâm huyết trong giáo dục đạo đức cho học sinh, chủ yếu tập trung vào chuyên môn, không chú ý công tác chủ nhiệm; thiếu liên hệ thường xuyên với cha mẹ học sinh. Mặt khác, một số cha mẹ học sinh làm ăn xa, môi trường sống gia đình không tốt, còn "khoán trắng" việc học của con em cho giáo viên, nhà trường. Việc định hướng nội dung, hình thức hoạt động ngoài giờ lên lớp chưa sáng tạo, thiếu hấp dẫn, còn mang tính hình thức. Theo cô Đào Thị Thanh Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền, giáo dục đạo đức học sinh không phải trách nhiệm riêng giáo viên chủ nhiệm mà của tập thể hội đồng sư phạm, gia đình, cộng đồng. Giáo dục đạo đức cần phải thường xuyên liên tục ngay trong tiết học, vui chơi, chú trọng nêu gương sáng về những tấm gương trung thực, làm việc tốt, vượt khó học tập… để học sinh noi theo. Ngoài giờ học chính khóa, giáo viên cần tổ chức tốt các hoạt động ngoài giờ lên lớp để lôi cuốn học sinh ham thích tham gia các hoạt động xã hội mang tính cộng đồng, thực hành các kiến thức đã học, vận dụng kỹ năng vào cuộc sống.

Ở góc độ nào đó, thời gian học sinh hoạt động ở trường không nhiều so với thời gian sinh hoạt ở gia đình và tiếp xúc với xã hội. Vẫn còn học sinh lệch chuẩn về đạo đức, một bộ phận học sinh có thái độ thờ ơ, vô cảm trước hành vi xúc phạm nhân phẩm, thân thể của các bạn do sợ liên lụy hay thiếu tôn trọng thầy cô giáo, cha mẹ, ông bà và người lớn tuổi… Lý giải nguyên nhân trên, theo thầy Võ Thành Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm: một số bậc phụ huynh bận mưu sinh nên chưa quan tâm giáo dục con cái. Các chương trình giáo dục nặng về lý thuyết, nhẹ giáo dục kỹ năng sống, chưa có nhiều tình huống để học sinh tiếp cận, giải quyết... Thầy Tâm đề xuất: Ngành giáo dục cần xem lại chương trình giảng dạy các bộ môn để có sự thống nhất việc tích hợp nội dung giáo dục đạo đức học sinh trong từng môn học, đặc biệt có hướng dẫn cụ thể bộ môn giáo dục công dân. Để bài học đạo đức đạt hiệu quả, giáo viên cần tích cực liên hệ thực tiễn, đưa ra nhiều tình huống để học sinh tự giải quyết. Qua đó giúp học sinh nhận thức được giá trị cuộc sống, học được kỹ năng cơ bản, kinh nghiệm giải quyết tình huống thực tế…

Theo các nhà quản lý giáo dục, giáo viên chủ nhiệm là lực lượng chính trong công tác giáo dục đạo đức học sinh nên cần hoàn thiện bản thân, là tấm gương sáng để học sinh noi theo. Muốn làm tốt công tác chủ nhiệm, đầu năm học sau khi nhận bàn giao lớp, giáo viên lập kế hoạch chủ nhiệm, tìm hiểu kỹ đặc điểm cá nhân cũng như hoàn cảnh sống từng học sinh để tìm cách tiếp cận, có phương pháp giáo dục cụ thể…

Bài, ảnh: MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết