16/06/2008 - 10:58

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn của TTXVN về chuyến thăm bốn nước châu Âu

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đang có chuyến thăm hữu nghị chính thức 4 nước châu Âu: Hungary, Roumanie, Bulgarie và Pháp. Nhân dịp này, ông đã dành cho TTXVN cuộc phỏng vấn như sau:

* Thưa Chủ tịch, được biết đây là chuyến thăm hữu nghị chính thức đầu tiên của Chủ tịch tới Hungary, Roumanie, Bulgarie và Pháp trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và các nước này đã có truyền thống từ lâu và đang tiến triển rất tốt. Xin Chủ tịch cho biết mục đích chủ yếu của chuyến thăm này?

-Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Hungary, Roumanie, Bulgarie đã được chính thức thiết lập cách đây gần 60 năm, được thử thách và phát triển qua thời gian với những biến cố thăng trầm của lịch sử. Giờ đây tình hình mỗi nước, cũng như tình hình khu vực và thế giới đã khác trước, nhưng tình cảm giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước nói trên luôn rất tốt đẹp. Quan hệ Việt Nam - Pháp cũng đang phát triển tích cực, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực sau 35 chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn, kể cả ở cấp cao, và đã thống nhất phương châm hợp tác “hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài, tin cậy trong thế kỷ 21”. Hiện nay, cả bốn nước nói trên đều là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) - một trong những đối tác rất quan trọng của Việt Nam. Chuyến thăm lần này của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam góp phần tiếp tục triển khai thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển; chính sách rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Cụ thể là góp phần triển khai mạnh mẽ Đề án tổng thể về quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) đến năm 2010, định hướng đến năm 2015; thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với EU nói chung, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc phát triển quan hệ với các nước bạn bè truyền thống. Chuyến thăm còn là dịp để Việt Nam cùng các nước nói trên trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, thảo luận biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam với các nước này, cả trên phương diện song phương và đa phương, đặc biệt là về lĩnh vực lập pháp và hoạt động của Quốc hội trong bối cảnh Quốc hội nước ta mới được bầu vào ban lãnh đạo Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) với trên 150 nghị viện quốc gia thành viên, trong đó bao gồm cả Hungary, Roumanie, Bulgarie và Pháp.

* Vậy trong chuyến thăm này hai bên sẽ tập trung bàn những vấn đề gì, thưa Chủ tịch?

-Sẽ đề cập, trao đổi với mỗi nước nhiều nội dung theo một chương trình khá phong phú, nhưng tập trung nhất là bàn các biện pháp tiếp tục củng cố, phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, khơi dậy các tiềm năng và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước, giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước. Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm rằng: Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu cả về vật chất và tinh thần của nhân dân các nước bạn bè truyền thống ở Đông Âu đối với nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước. Bulgarie từng là nước đứng đầu trong số các nước XHCN trước đây về hỗ trợ vật chất cho Việt Nam tính theo bình quân đầu người. Nhân dân Hungary đã có nhiều đợt hiến máu, ủng hộ vật chất giúp đỡ Việt Nam trong phong trào “Việt Nam, chúng tôi bên cạnh các bạn”. Và Roumanie, cùng với sự trợ giúp về kinh tế, còn đào tạo giúp Việt Nam hơn 3.000 cán bộ. Bằng chứng sinh động cho mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước nói trên là hàng ngàn cán bộ Việt Nam được đào tạo tại các nước này đã và đang tích cực đóng góp vào sự phát triển trên nhiều lĩnh vực của đất nước, đồng thời hàng ngàn người Việt Nam khác vẫn đang sinh sống, học tập, làm việc tại các nước này và là cầu nối hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với nước sở tại.

Hiện nay, Việt Nam và các nước nói trên còn nhiều tiềm năng, lợi thế riêng, có thể bổ sung, hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Với Việt Nam, các nước bạn có ưu thế về nhiều ngành công nghiệp kỹ thuật cao như đóng tàu, dầu khí, cơ khí, hóa chất, dược phẩm, nông nghiệp, công nghệ sinh học, giáo dục đào tạo, y tế... Ngược lại, với hơn 80 triệu dân và nền kinh tế đang phát triển năng động, Việt Nam là một thị trường lớn, một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư đến từ châu Âu. Trong số các nước mà Đoàn đến thăm lần này, Pháp hiện là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, nằm trong nhóm các nhà đầu tư, nhà tài trợ hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước nói trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của mỗi bên, nhất là với các nước Hungary, Roumanie, Bulgarie, mức độ hợp tác còn khiêm tốn. Vì vậy, một trong những mục tiêu hàng đầu của chuyến thăm này là tìm biện pháp góp phần khơi dậy những tiềm năng, thế mạnh và thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam với các nước nói trên. Cụ thể là sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước. Riêng về lĩnh vực lập pháp, Quốc hội Việt Nam và cơ quan lập pháp các nước sẽ bàn các biện pháp tăng cường quan hệ giao lưu, hợp tác, nhất là trao đổi kinh nghiệm về xây dựng luật pháp trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, hội nhập khu vực và quốc tế; đẩy mạnh việc tham gia các cơ chế hợp tác liên nghị viện khu vực và quốc tế. Nhiều văn kiện hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với cơ quan lập pháp các nước sẽ được ký kết trong dịp này, nhằm tạo cơ sở pháp lý, mở rộng hơn nữa kênh hợp tác nghị viện giữa Việt Nam với các nước.

Nguyễn Thị Sự (thực hiện)

Chia sẻ bài viết