15/09/2018 - 11:48

Chủ động ứng phó khi thời tiết bất lợi 

Trong những ngày vừa qua, các quận nội ô TP Cần Thơ bị  triều cường làm ngập nghẹt đường phố, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân... Dự báo, các đợt triều cường vào giữa và đầu tháng âm lịch sắp tới sẽ lên cao, vượt  báo động III (1,9m)… Biện pháp đề phòng, hạn chế tác hại của các đợt triều cường sắp tới là vấn đề quan trọng được lãnh đạo thành phố quan tâm, chỉ đạo ngành chức năng, các quận, huyện nỗ lực thực hiện.

Huyện Vĩnh Thạnh gia cố đê bao, bảo vệ lúa thu đông khi nước lũ, triều cường lên cao.

Thời tiết diễn biến phức tạp

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ đã xảy ra 23 đợt lốc xoáy, làm sập, tốc mái và xiêu vẹo 223 căn nhà; xuất hiện 16 điểm sạt lở bờ sông ở quận Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt, Ô Môn và huyện Phong Điền… làm hàng trăm mét đường giao thông và 53 nhà dân sụp đổ hoàn toàn, sụp đổ một phần xuống sông... Ước tổng thiệt hại tài sản do thiên tai gây ra trên 36,5 tỉ đồng. Riêng trong các tháng 7, 8 âm lịch (tháng 8, 9-2018) triều cường lên cao và kết hợp với nước lũ đổ về từ thượng nguồn sông Cửu Long đã làm ngập nghẹt nhiều tuyến đường tại các quận nội ô TP Cần Thơ. Đặc biệt, trong tháng 9 này, triều cường lên cao gây ngập nghẹt nhà dân, đường phố, ảnh hưởng sinh hoạt và việc đi lại trên các tuyến đường ở quận Ninh Kiều, Ô Môn, Cái Răng, Bình Thủy... Các địa phương đầu nguồn cũng bị đe dọa sản xuất nông nghiệp, lúa thu đông. Điển hình, huyện Vĩnh Thạnh có gần 500ha lúa thu đông bị đe dọa do đê bao có khả năng bị sạt lở; quận Thốt Nốt có 509 ha rau màu có nguy cơ bị thiệt hại do nước lũ và triều cường đe dọa…

Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “Một tổn thất lớn trong mùa mưa, bão năm nay là tình trạng sạt lở bờ sông xuất hiện tăng cao và gây thiệt hại nặng nề hơn so với năm trước. Theo báo cáo tổng hợp từ các quận, huyện, hơn 8 tháng qua sạt lở xuất hiện 16 điểm, thiệt hại tài sản trên 33,6 tỉ đồng, tăng trên 30 tỉ đồng so với năm 2017... Theo chúng tôi, lãnh đạo các cấp, nhất là ở cơ sở cần tăng cường công tác kiểm tra, gia cố đê bao ở các đoạn xung yếu; tuyên truyền, khuyến cáo người dân di dời nhà cửa, tài sản ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi mưa lớn, triều cường lên cao gây sạt lở…”.

 Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, ở một số tuyến đường nội ô các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Cái Răng bị ngập sâu khi triều cường, mưa lớn do cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, đường sá chưa đảm bảo an toàn. Nguyên nhân do trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa lồng ghép yếu tố thiên tai để tăng cường sức chịu đựng, ứng phó của các công trình. Các quận nội ô thành phố bị ngập sâu do hệ thống tiêu thoát nước đô thị ở một số tuyến đường chưa đủ năng lực tiêu thoát nước khi biến đổi khác thường của lượng mưa, triều cường gây ngập tràn, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh... của người dân.

Địa phương chủ động ứng phó

 Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, các sở, ban ngành thành phố và cấp quận, huyện đã quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng” nên công tác khắc phục thiệt hại được khẩn trương thực hiện, đạt kết quả cao, góp phẩn ổn định đời sống nhân dân. Để bảo vệ an toàn diện tích lúa thu đông, huyện Vĩnh Thạnh chủ động huy động hàng chục phương tiện cơ giới túc trực để sẵn sàng bơm tát cứu lúa nếu sự cố xấu xảy ra. Các phương tiện này sẽ tăng gấp đôi trong những tháng tới. Đồng thời, huyện Vĩnh Thạnh triển khai 12 công trình thuỷ lợi gắn với bồi đắp đê bao, trong đó ưu tiên các tuyến đê bao còn thấp và yếu so với mực nước lũ, tổng chiều dài thực hiện trên 42,5km, với kinh phí trên 11,6 tỉ đồng, bảo vệ khoảng 4.500ha lúa thu đông.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ, từ nay đến cuối năm 2018, TP Cần Thơ sẽ xuất hiện các đợt triều cường tương đối mạnh vào đầu, giữa tháng 10, 11 và tháng 12-2018. Đỉnh lũ chính vụ ở khu vực ĐBSCL khả năng xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 (từ 27-9 đến 5-10-2018), mực nước ở mức cao hơn báo động III từ 0,1m đến 0,3m (Tân Châu: 4,6m đến 4,8m, Châu Đốc từ 4,1m đến 4,3m), nguy cơ xảy ra tràn, vỡ đê bao, bờ bao gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở khu vực ĐBSCL… Ở TP Cần Thơ, thời điểm này mực nước dự báo vượt báo động III (1,9m) từ 0,05 đến 0,15m. Các sở ngành chức năng, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp,  lưu ý và thực hiện các việc như: theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn do các cơ quan chuyên môn cung cấp để chủ động xây dựng các phương án ứng phó, phù hợp với tình hình của địa phương; triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với tình trạng ngập lũ, bảo vệ diện tích lúa thu đông ở các địa phương đầu nguồn; chủ động bố trí nguồn ngân sách và các nguồn hợp pháp khác để gia cố, tôn cao các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu, có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở; tổ chức hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn trên các tuyến đường bị ngập lụt; quan tâm chỉ đạo và khuyến cáo các bậc cha mẹ tăng cường quản lý con em, không để xảy ra tai nạn té sông chết đuối; kiểm tra và chấn chỉnh sai phạm của các bến đò ngang, đò dọc... trong mùa mưa bão.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo: “Trong những tháng triều cường sắp tới, các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp đặc biệt quan tâm thực hiện công tác PCTT-TKCN tại đơn vị, địa bàn quản lý. Tăng cường công tác kiểm tra, gia cố đê bao tại các đoạn xung yếu; khai thông cống rãnh, tránh tình trạng triều cường, mưa lớn làm ngập úng kéo dài; tổ chức tuần tra, điều tiết giao thông khi có mưa lớn, triều cường xuất hiện; tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các đợt triều cường, bão, mưa lớn để theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai, mưa, bão nhằm ứng cứu kịp thời khi sự cố xấu xảy ra...”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết