26/01/2017 - 09:45

Chủ động, tích cực, sáng tạo, quyết liệt để TP Cần Thơ bứt phá mạnh mẽ

VÕ THÀNH THỐNG
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ

Một trong những sự kiện, mốc son quan trọng của TP Cần Thơ năm 2016 chính là Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với Cần Thơ để nghe Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (gọi tắt là NQ45). Tại đây, các đồng chí trong Bộ Chính trị đánh giá cao những nỗ lực mà Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đạt được trong triển khai thực hiện nghị quyết. Với kết quả ấn tượng từ NQ45, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 07(*) mở đường, tạo động lực để TP Cần Thơ có những bứt phát mạnh mẽ để phát triển đúng tầm, phát triển như kỳ vọng.

Ấn tượng tốt từ NQ45

Ấn tượng! Đó là ý kiến của các bộ, ngành trung ương và thành viên Bộ Chính trị về kết quả 10 năm TP Cần Thơ triển khai thực hiện NQ45. Bởi lẽ,10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ đã tập trung công sức, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, đặc biệt là tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, thực hiện NQ45 đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong buổi Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về kết quả 10 năm thực hiện NQ45. 

Khởi điểm xuất phát thấp nhưng liên tục trong 10 năm, kinh tế TP Cần Thơ tăng trưởng nhanh, bình quân 14%/năm; GDP đầu người năm 2015 đạt gần 80 triệu đồng, tăng gần 3,65 lần so với năm 2005 và cao hơn bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch đúng hướng, tích cực, theo hướng phát triển công nghiệp, thương mại – dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao; tốc độ đô thị hóa, phát triển và kết nối hạ tầng giao thông nhanh. Vai trò thành phố trung tâm đã thể hiện trên một số lĩnh vực và có tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL. Điển hình như: Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp thành phố đạt trung bình 15,5%/năm, đóng góp 16 - 17,4% giá trị sản xuất toàn ĐBSCL. Đến năm 2015, thành phố có 8 khu công nghiệp được quy hoạch với 220 dự án còn hiệu lực, cho thuê 296,7ha đất công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.957 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện 894,5 triệu USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Thành phố có 14 siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm bán buôn đang hoạt động có hiệu quả, như: Co.opMart, BigC Cần Thơ, Điện máy Sài Gòn Chợ lớn, Siêu thị sách Hòa Bình, hệ thống siêu thị Vinmart, Trung tâm Mua sắm Nguyễn Kim, Trung tâm Thương mại Sense City, Trung tâm Thương mại Lotte Cần Thơ; Trung tâm Thương mại Vincom Cần Thơ...; 107 chợ truyền thống và 1 chợ đầu mối chuyên kinh doanh lúa gạo cấp khu vực. Hoạt động du lịch phát triển khá, khách du lịch đến Cần Thơ tăng qua các năm. Các điểm tham quan, dịch vụ vui chơi giải trí và các tiện nghi khác được thành phố quan tâm đầu tư xây dựng, thu hút khách đến tham quan như: Nhà lồng Chợ cổ Cần Thơ, cầu đi bộ Cần Thơ, phố đi bộ và chợ đêm bến Ninh Kiều, du thuyền trên sông, công viên sông Hậu, chợ nổi Cái Răng, khu du lịch cồn Khương, Mỹ Khánh, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam...

Hệ thống giao thông được tăng cường đầu tư ngày càng hoàn thiện cả về đường bộ, đường thủy, cảng biển và đường hàng không, giữ vai trò là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, như: luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu, các tuyến đường thủy nội địa quốc gia (qua sông Hậu, kênh Rạch Sỏi, sông Cần Thơ), đáp ứng yêu cầu vận tải thủy quốc gia và liên vùng. Hệ thống cảng biển đã và đang được đầu tư xây dựng nâng cấp từng bước theo Quy hoạch cảng biển vùng ĐBSCL, cảng Cái Cui đang triển khai giai đoạn 2, đã hoàn thành đưa vào hoạt động Bến số 2 - cầu tàu 20.000DWT. Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ khánh thành giai đoạn 2, hiện đang phục vụ khai thác các đường bay nội địa và quốc tế: Cần Thơ - Hà Nội, Cần Thơ - Phú Quốc, Cần Thơ - Đà Nẵng, Cần Thơ - Côn Đảo, Cần Thơ - Đài Bắc, tiếp tục mở thêm một số tuyến mới: Cần Thơ - Đà Lạt, Cần Thơ - Nha Trang…

Quy mô hệ thống giáo dục bậc đại học và cao đẳng thành phố đứng đầu ĐBSCL, chiếm 42,04% tổng số sinh viên đại học, cao đẳng và 36,5% tổng số giáo viên đại học và cao đẳng toàn vùng. Một số trường đã khẳng định được uy tín là những trung tâm đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ, các chuyên gia đầu ngành ở trình độ cao, với chất lượng tin cậy, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước và của vùng (Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ). Số giường bệnh/vạn dân của thành phố đạt 32,05 giường (toàn vùng là 26,2); 12,89 bác sĩ/vạn dân (toàn vùng là 6,0); 2,33 dược sĩ/vạn dân (toàn vùng là 0,8)... Ngoài ra, thành phố thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm nhanh, chỉ còn 1,71%. Chỉ số phát triển con người đứng thứ sáu so với cả nước. Thành phố kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Để đạt được kết quả khả quan trên là nhờ thành phố đã chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình để triển khai thực hiện NQ45 theo hướng xác định rõ những khâu đột phá, có bước đi thích hợp, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, 10 năm qua, việc triển khai thực hiện NQ45 vẫn còn một số việc chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Thành phố phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Môi trường đầu tư hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, chưa có các nhà đầu tư lớn và công trình để đời. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của thành phố chưa đồng bộ, chưa mang tính liên kết, liên thông giữa thành phố với các tỉnh trong vùng và cả nước. Liên kết vùng hiệu quả chưa cao, chưa phát huy đúng mức một số công trình mang tính chất vùng, quốc gia, như: Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Cảng biển quốc tế Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL… Quan trọng hơn hết, Cần Thơ chưa thật sự đóng vai trò trung tâm toàn diện, là động lực phát triển, có sức lan tỏa mạnh mẽ của vùng ĐBSCL.

Ðộng lực phát triển mới

TP Cần Thơ có vị trí chiến lược quan trọng cấp vùng ĐBSCL và cả nước về các mặt: kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Phát huy những kết quả đạt được trong 10 năm tổ chức thực hiện NQ45, trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ thành phố, Kết luận số 07của Bộ Chính trị nhằm khai thác đúng mức những thế mạnh, tiềm năng và triển vọng phát triển của thành phố và sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém.

 

 

 

Liên tục trong 10 năm, kinh tế TP Cần Thơ tăng trưởng nhanh, bình quân 14%/năm. Ảnh: Nhóm PVKT 

Kết luận 07 nêu rõ: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ cần tiếp tục thực hiện NQ45 một cách tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết liệt, đạt hiệu quả cao hơn, xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân, có vai trò trung tâm động lực phát triển của Vùng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng Bộ Chính trị giao tại Kết luận 07 là: TP Cần Thơ chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù ở mức như đối với TP Đà Nẵng và Hải Phòng; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất việc tổ chức thực hiện danh mục dự án trong Quyết định số 366/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng phương án trình Chính phủ phê duyệt cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế mới, vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn đặt ra. Trên tinh thần đó, các sở, ban, ngành thành phố đã tập trung trí lực, làm tham mưu, đóng góp ý kiến để Thành ủy ban hành Chương trình hành động Thực hiện Kết luận số 07. Trên cơ sở này, UBND thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quan trọng này.

Giai đoạn 2016-2020 là thời kỳ rất quan trọng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu đã được xác định trong NQ45, Kết luận số 07, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Theo đó, thành phố tập trung thực hiện giải pháp thuộc 6 nhiệm vụ trọng tâm. Ở mỗi giải pháp thực hiện, theo chức trách và nhiệm vụ, thành phố giao các Sở, ngành phối hợp với các ngành hữu quan làm tham mưu cho thành phố triển khai thực hiện đem lại hiệu quả cao nhất.

Trong đó, đối với giải pháp thực hiện nhiệm vụ "Tập trung vào giải quyết vấn đề cơ chế để đảm bảo khai thác, phát huy tất cả các nguồn lực; kể cả nguồn lực, động lực của bản thân thành phố, của Vùng ĐBSCL và từ Trung ương", thành phố giao: Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện có liên quan tham mưu UBND thành phố: Khẩn trương xây dựng đề xuất, UBND thành phố phối hợp với các Bộ, ngành trung ương sớm trình Chính phủ ban ngành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù ở mức như đối với TP Đà Nẵng và Hải Phòng. Trong đó tập trung vào: Cơ chế huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển, cơ chế huy động vốn ODA, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư (miễn giảm thuế, giá thuê đất..). Cơ chế tài chính, ngân sách đối với các khoản thu phân chia ngân sách Trung ương hưởng 100%; Cơ chế phân cấp quản lý đầu tư xây dựng, tổ chức bộ máy,…, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực xây dựng TP Cần Thơ thành đô thị hạt nhân, tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển các tỉnh lân cận trong Vùng. Bên cạnh đó, UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư với các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện có liên quan tham mưu UBND thành phố: Tiếp tục thực hiện Chủ đề "Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế" trong suốt nhiệm kỳ, phải tạo được chuyển biến mạnh mẽ về thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực thành phố ưu tiên đầu tư. Đặc biệt thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao; huy động được một số tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước, nhà đầu tư tiềm năng, các đối tác trọng điểm có năng lực về tài chính, công nghệ đầu tư vào các dự án trọng điểm trên địa bàn. Ở giải pháp này, UBND thành phố cũng giao: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện có liên quan tham mưu UBND thành phố: Thực hiện lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai của thành phố nói riêng và của quốc gia nói chung, hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, tập trung và thống nhất. Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu đề xuất cơ chế chính sách giảm giá thuê đất trong khu công nghiệp, các địa bàn có tiềm năng để kêu gọi đầu tư.

Có thể nói, sự chỉ đạo của Bộ Chính trị (cụ thể hóa bằng Kết luận 07) tiếp tục mở ra hướng phát triển, động lực mới cho TP Cần Thơ. Thành phố đã và đang tập trung mọi nguồn lực, trí lực để làm tham mưu cho Chính phủ ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù để hướng tới mục tiêu chung. Đó là: Phát triển kinh tế với mức tăng trưởng cao hơn, ổn định hơn 10 năm trước; xây dựng và phát triển đô thị văn minh, hiện đại; hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập của nhân dân; bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường đoàn kết trong Đảng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu toàn Đảng bộ, xây dựng và phát triển thành phố trở thành đô thị hạt nhân, có vai trò trung tâm động lực phát triển của vùng ĐBSCL. 

-----------------
(*) Kết luận số 07/KL-TW của Bộ Chính trị ngày 28-9-2016 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chia sẻ bài viết