08/03/2015 - 16:29

Thới Lai

Chủ động thu hoạch thắng lợi lúa đông xuân

Nông dân trồng lúa tại huyện Thới Lai và nhiều địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đang bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân 2014-2015. Năm nay, nhờ chính quyền địa phương quan tâm công tác chỉ đạo sản xuất và hướng dẫn nông dân chuẩn bị tốt các khâu thu hoạch lúa đã giúp nông dân giảm chi phí, tổn thất trong thu hoạch.

Giảm chi phí và tổn thất

Vụ lúa đông xuân 2014-2015, nông dân trên địa bàn huyện Thới Lai xuống giống hơn 19.306ha lúa, tăng hơn 55,59 ha so với cùng kỳ vụ đông xuân trước. Cơ cấu giống lúa, gồm: IR50404 chiếm tỷ lệ 34,72%, Jasmine 85 là 53,68%, OM 4218 là 5,17%, OM 5451 là 0,79% và các giống khác chiếm 5,64%. Trong vụ đông xuân này, huyện có hơn 5.6 17ha lúa của nông dân tham gia mô hình "cánh đồng mẫu", tăng hơn 243ha so với cùng kỳ năm trước. Lúa trong các mô hình "cánh đồng mẫu" chủ yếu được nông dân gieo sạ giống Jasmine 85, với tỷ lệ 90,81%, còn lại là các giống khác. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thới Lai, đến thời điểm ngày 4-3-2015, huyện đã thu hoạch hơn 7.780ha lúa, đạt 40,3% diện tích xuống giống. Năng suất lúa tuy thấp hơn 0,1 tấn/ha so với cùng kỳ 2014, nhưng vẫn đạt ở mức khá cao, với 7,85 tấn/ha và sản lượng đã đạt trên 61.000 tấn. Hiện 989ha lúa trong các mô hình "cánh đồng mẫu" đã được thu hoạch, năng suất đạt 7,92 tấn/ha, cao hơn năng suất chung toàn huyện 0,07 tấn/ha.

Năm nay, bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân thời tiết khá thuận lợi. Cùng đó, chính quyền địa phương và Phòng NN&PTNT huyện cũng chủ động hướng dẫn nông dân thực hiện tốt việc làm đất, chọn giống và bón phân cân đối ngay từ đầu vụ; đồng thời kịp tiêu thoát nước cho ruộng lúa khi chuẩn bị thu hoạch. Diện tích lúa đông xuân trên địa bàn huyện hầu hết đều được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp (GĐLH), chỉ trừ một số diện tích quá nhỏ lẻ mới thu hoạch bằng tay. Nhìn chung, nông dân rất thuận lợi do vừa rút ngắn được thời gian thu hoạch vừa giảm được chi phí và tổn thất trong quá trình thu hoạch. Đặc biệt, do lượng máy GĐLH tham gia thu hoạch lúa tại huyện rất đông và có sự cạnh tranh giảm giá, giúp nông dân giảm được tiền thuê máy GĐLH để thu hoạch lúa so với các vụ lúa trước.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Thới Tân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Ông Phan Văn Sang, ngụ ấp Thới Phong 2, thị trấn Thới Lai, có 35 công ruộng, cho biết: "Chi phí thu hoạch lúa trong vụ này giảm và nắng tốt nên việc thu hoạch lúa diễn ra thuận lợi. Năng suất lúa ở mức tương tương hoặc chỉ giảm nhẹ so vụ đông xuân năm trước. Nhìn chung, các hộ dân trồng lúa trong vụ này đều có lợi nhuận. Nếu giá lúa đầu ra không giảm thì lợi nhuận thu được của nông dân có lẽ không thua gì vụ đông xuân trước". Theo bà Huỳnh Thị Thiệp, ngụ ấp Đông Hòa A, xã Thới Tân, trong các vụ lúa trước, giá thuê máy GĐLH từ 280.000-300.000 đồng/công trở lên đối với lúa đứng, còn lúa ngã phải từ 340.000 đồng/công trở lên. Nhưng vụ này do lúa ít ngã và có nhiều máy GĐLH từ các tỉnh khác (như An Giang, Bạc Liêu…) có mùa vụ lệch so với ở đây đến tham gia làm dịch vụ nên bà Thiệp và nhiều nông dân thuê GĐLH thu hoạch lúa chỉ với giá 270.000 đồng/công và lúa sau khi thu hoạch vô bao được chủ máy GĐLH chất lên máy kéo vô tận bờ ruộng.

Doanh nghiệp tích cực bao tiêu

Theo đánh giá của địa phương, lúa đông xuân tại huyện đã và đang được tổ chức thu hoạch kịp thời, đúng tiến độ dự kiến. Ông Nguyễn Văn Lắm, Phó Chủ tịch UBND xã Định Môn, cho biết: "Chính quyền xã đã quan tâm thực hiện công tác chỉ đạo và tổ chức sản xuất ngay từ lúc chuẩn bị xuống giống. Đối với việc thu hoạch lúa, chúng tôi đã chỉ đạo các ấp, các tổ hợp tác sản xuất lúa phải chủ động hợp đồng các máy GĐLH ở trong và ngoài địa phương để đảm bảo đủ máy phục vụ thu hoạch lúa. Nhờ vậy, việc thu hoạch lúa tại địa phương được thực hiện nhanh gọn, kịp thời. Đến nay, có 80% diện tích lúa tại xã đã thu hoạch và hầu như 100% được thu hoạch bằng máy".

Ông Nguyễn Văn Bé Ba, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Lai, cho biết: thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy và UBND huyện, Phòng NN&PTNT huyện đã yêu cầu các đơn vị chức năng trực thuộc và các xã, thị trấn trên địa bàn phải quan tâm hướng dẫn nông dân sản xuất và thu hoạch lúa đúng kỹ thuật; thực hiện tốt các biện pháp nhằm giảm chi phí và tổn thất; đồng thời chủ động hợp đồng các phương tiện thu hoạch, vận chuyển lúa ngay từ sớm; thực hiện thu hoạch lúa theo từng cánh đồng và tích cực làm tốt vai trò trung gian thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện tốt các hợp đồng bao tiêu lúa đã ký kết với nông dân. Đến nay, nhìn chung việc thu hoạch lúa đang diễn ra thuận lợi, không có khó khăn lớn phát sinh, chỉ khó là giá lúa đầu ra chưa ở mức cao như mong đợi của người dân. Vụ đông xuân 2014-2015 có 5 đơn vị, doanh nghiệp tham gia bao tiêu lúa của nông dân tại các mô hình "cánh đồng mẫu" trên địa bàn, với tổng diện tích bao tiêu là gần 3.000ha. Các doanh nghiệp đang thực hiện việc thu mua khá tốt, với giá thu mua của nhiều doanh nghiệp cao hơn bên ngoài từ 150-200 đồng/kg.

Theo kế hoạch đến cuối tháng 3-2015, nông dân trên địa bàn huyện Thới Lai sẽ thu hoạch dứt điểm lúa đông xuân 2014-2015. Bên cạnh việc tổ chức thu hoạch các diện tích lúa còn lại, các cấp chính quyền và ngành chức năng tại Thới Lai cũng đang tập trung chuẩn bị cho vụ sản xuất hè thu 2015.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết