23/09/2018 - 17:37

Lũ ở Đồng bằng Sông Cửu Long

Chủ động, thích nghi khai thác lợi thế 

Là vùng đất thấp, ven biển nên ĐBSCL chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu (BĐKH). Do đó, khi mùa nước nổi, triều cường lên cao nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL rơi vào cảnh ngập lũ, làm thiệt hại sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân... Hiện mực nước lũ ở ĐBSCL lên nhanh, nhiều địa phương trong vùng đã và đang có những giải pháp ứng phó và khai thác lợi thế từ mùa nước nổi.

Ảnh hưởng sản xuất

Mùa lũ năm nay, nước từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về kết hợp với triều cường lên cao làm cho mực nước ngày một lên nhanh, người dân bắt đầu lo lắng về những thiệt hại bước đầu đối với nông nghiệp và cuộc sống hằng ngày. Ở vùng đầu nguồn ĐBSCL, thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang, nước lũ lên cao đã nhấn chìm hàng trăm héc-ta lúa đến giai đoạn thu hoạch. Theo thống kế chưa đầy đủ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện An Phú, đã có trên 400ha lúa ngoài đê bao bị chìm trong nước. Những ngày qua, các lực lượng đã hỗ trợ cùng người dân thu hoạch, tránh lúa bị mất trắng.

Lãnh đạo TP Cần Thơ kiểm tra đê bao bảo vệ lúa thu đông tại huyện Vĩnh Thạnh.

Tại TP Cần Thơ, trong những đợt triều cường vừa qua (tháng 7 và đầu tháng 8 Âm lịch) kết hợp lũ trên sông Cửu Long đổ về, một số quận, huyện đầu nguồn đã bị thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, đe dọa nhiều diện tích lúa, rau màu, vườn cây ăn trái… Cụ thể, tại quận Thốt Nốt có 20 tuyến kênh có đê bao bị ảnh hưởng do lũ, triều cường với chiều dài 9,45km. Trong đó có 5,3km bờ kênh bị nước ngập tràn bờ, đe dọa hư hại trên 538ha lúa, rau màu; gây thiệt hại hoàn toàn 3,1ha rau màu. Ở huyện Vĩnh Thạnh có 161,6ha lúa thu đông bị thiệt hại do mưa, bão (trong đó có nhiều diện tích phải gieo sạ lại hoàn toàn); 13,5ha rau màu bị thiệt hại từ 50% đến 100% do mưa, bão, ngập lụt; bên cạnh đó, diện tích lúa thu đông bị đe dọa do triều cường, nước lũ đầu nguồn đổ về là 2.747ha, gần 25ha rau màu, 36,6ha vườn cây ăn trái và 43,2ha diện tích nuôi trồng thủy sản… Nguyên nhân, do triều cường, nước lũ năm nay lên cao so với những năm trước, đồng thời các tuyến đê bao xuống cấp, xung yếu cần phải tăng cường gia cố, tôn cao mặt bằng.

Ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, cho biết: "Các địa phương đầu nguồn TP Cần Thơ đang khẩn trương gia cố, tôn cao đê bao nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại sản xuất nông nghiệp trong mùa lũ này. Thành phố cũng chỉ đạo các địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác để gia cố, tôn cao các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu, có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở…".

Chủ động

Tại TP Cần Thơ, thời điểm này mực nước có khả năng lên cao, vượt báo động III (1,9m) từ 0,5 đến 0,15m. Nhiều tuyến đường tại các quận trung tâm TP Cần Thơ tiếp tục bị ngập sâu, ảnh hưởng sinh hoạt, giao thông, kinh doanh của người dân. Đặc biệt, đợt triều cường đe dọa các tuyến đê bao bảo vệ lúa thu đông, các cồn trên sông Hậu, vườn cây ăn trái... Các địa phương trong thành phố chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện ứng cứu đối với khu vực ngập sâu, có nguy cơ vỡ đê bao; kiểm tra, xử lý, gia cố đê bao xung yếu, có nguy cơ ngập, sạt lở do lũ… Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: "Ngoài công tác trên, ngành nông nghiệp các quận, huyện cần chủ động tăng cường công tác kiểm tra các tuyến đê bao, cống, các điểm xung yếu, vùng trũng thường xuyên bị ảnh hưởng của ngập úng để kịp thời xử lý; huy động lực lượng dân quân, đoàn thể hỗ trợ giúp dân thu hoạch lúa khi cần thiết...".

Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang cũng chỉ đạo các huyện phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, triều cường nhằm kịp thời thông báo cho người dân biết để chủ động phòng tránh, đồng thời có kế hoạch thu hoạch dứt điểm lúa và hoa màu tại vùng ngoài đê bao và vùng dễ bị lũ đe dọa… Tại Đồng Tháp, ngoài việc tăng cường công tác gia cố đê bao bảo vệ lúa thu đông, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân nên xả lũ đối với những diện tích không xuống giống lúa vụ 3 để hứng lấy phù sa, chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân sắp tới.

Dự báo, đỉnh lũ chính vụ khả năng xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 (từ 27-9 đến 5-10-2018), mực nước ở mức cao hơn báo động III từ 0,1m đến 0,3m (Tân Châu: 4,6m đến 4,8m; Châu Đốc từ 4,1m đến 4,3m), nguy cơ xảy ra tràn, vỡ đê bao, bờ bao rất cao, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở khu vực ĐBSCL…

Theo ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, trong mùa lũ, địa phương cũng thực hiện nhiều giải pháp tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân và thích ứng với BĐKH. Đồng Tháp đã triển khai nhiều mô hình sinh kế bền vững gắn với mùa lũ, như: mô hình trồng lúa mùa nổi, mô hình lúa - tôm, lúa - cá, lúa - sen bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định. Đặc biệt, Dự án "Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười" đã triển khai 7 mô hình sinh kế, phát triển ổn định trong mùa lũ, như mô hình: sản xuất lúa đông xuân - lúa hè thu - cá đồng, cá tự nhiên; lúa đông xuân - lúa hè thu - tôm càng xanh; lúa đông xuân - hoa màu - cá đồng, cá tự nhiên; lúa đông xuân - lúa hè thu - cá đồng, cá tự nhiên, cây thủy sinh (sen, điên điển,…); sen kết hợp nuôi cá đồng - du lịch…

Lũ lụt, BĐKH đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân, nhưng cũng mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp, sinh kế của người dân. Mong rằng những giải pháp trên thực hiện có hiệu quả để người dân ĐBSCL thích nghi khai thác lợi thế từ lũ...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết