19/01/2018 - 09:01

Chủ động phòng chống thiên tai, không để ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, kinh doanh 

Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ vừa  triển khai nhiệm vụ năm 2018. Qua đó, nhiều giải pháp được  đặt ra nhằm giảm thiểu ảnh hưởng thiên tai, nhất là hạn chế thiệt hại tính mạng,  tài sản và sản xuất, kinh doanh của người dân... 

THIÊN TAI HOÀNH HÀNH

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên tình hình thời tiết, thiên tai xảy ra trên cả nước nói chung và ở TP Cần Thơ nói riêng thất thường, cực đoan so với thời gian trước. Nhất là các loại thiên tai như: bão, ấp thấp nhiệt đới, mưa, triều cường, lũ, lốc xoáy, sạt lở... xảy ra nhiều, gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng, khó lường. Năm 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 10 đợt lốc xoáy, làm 123 căn nhà bị sập, tốc mái, xiêu vẹo; xuất hiện 28 điểm sạt lở bờ sông, rạch, làm gần 2km đường giao thông, bờ sông bị sụp đổ. Năm 2017 có 1 trẻ em bị chết đuối, do cha mẹ bất cẩn. Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 4 tỉ đồng. So với năm 2016, số vụ lốc xoáy, nhà sập và tốc mái giảm, tuy nhiên thiệt hại tài sản, sản xuất, kinh doanh của người dân xảy ra ở mức cao hơn các năm trước... Ông Bùi Quang Minh, Ủy viên Thường trực – Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “Sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố và các địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống”.

Đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều thường xuyên bị ngập sâu do triều cường, ảnh hưởng giao thông, sinh hoạt, kinh doanh của người dân tại địa phương. Ảnh: HÀ VĂN

Đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều thường xuyên bị ngập sâu do triều cường, ảnh hưởng giao thông, sinh hoạt, kinh doanh của người dân tại địa phương. Ảnh: HÀ VĂN

Trong năm 2017, thiên tai gây thiệt hại lớn đến sản xuất, kinh doanh là vụ sạt lở bờ sông tại khu vực Thới Phong, phường Thới An, quận Ô Môn (giữa tháng 5-2017), làm sụp đổ nhà và cửa hàng kinh doanh xăng dầu của gia đình bà Bành Thị Ánh Hồng. Điểm sạt lở được xác định dài 28m, ăn sâu vào bờ 5m và cuốn trôi thiết bị bán xăng của cửa hàng, làm thiệt hại kinh tế trên 500 triệu đồng. Chính quyền địa phương huy động lực lượng rào chắn, đóng cừ tràm tại khu vực sạt lở, tránh nguy hiểm cho người dân, đồng thời hỗ trợ gia đình bà Hồng trục vớt tài sản. Vào giữa tháng 5-2017, tại địa bàn phường Thới An cũng xuất hiện 1 điểm sạt lở, làm một đoạn đường giao thông sụp đổ xuống sông, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân địa phương.

Cũng trong thời gian này, tại ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền xảy ra sạt lở bờ sông Cần Thơ, làm sụp đổ 1 căn nhà sàn, băng tải chuyền lúa gạo và máy móc phục vụ xay xát của nhà máy xay xát lúa do ông Trần Văn Tám (ngụ tại địa phương) làm chủ. Điểm sạt lở dài trên 20m, rộng từ 3 đến 5m, độ sâu từ 5m đến 7m. Tuy không ảnh hưởng về người, nhưng vụ sạt lở làm thiệt hại kinh tế trên 200 triệu đồng.

Tại các điểm sạt lở trên, chính quyền và người dân địa phương sử dụng các loại cây có sẵn để gia cố bờ sông nhằm giảm thiểu nguy cơ sạt lở. Bên cạnh đó, địa phương cũng tổ chức khảo sát nền đất tại nơi sạt lở, bắc cầu ván tạm để người dân đi lại, đồng thời kiến nghị UBND TP Cần Thơ đầu tư kinh phí thực hiện các công trình kiên cố khắc phục sạt lở…

CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ, năm 2018, mưa trái mùa có khả năng xảy ra nhiều với lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Trong tháng 1 và 2-2018, mưa trái mùa phổ biến cao hơn TBNN, các tháng 3 và 4-2018 ở mức xấp xỉ TBNN; nền nhiệt độ trung bình tại TP Cần Thơ từ tháng 2 đến tháng 4-2018 ở mức cao hơn TBNN từ 0,3 – 0,50C; nhiệt độ cao nhất: từ tháng 1 đến tháng 3-2018 từ 33 – 350C, sang tháng 4 lên mức 34 đến 360C, gây oi bức... Trong năm có nhiều khả năng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động sớm trên khu vực phía Nam Biển Đông (trong tháng 1 và 2-2018). Ngoài ra, trong thời kỳ này, do hoạt động của rãnh áp thấp xích đạo, vùng biển Nam Biển Đông có thể xuất hiện mưa giông mạnh kèm lốc xoáy và gió giật. Chế độ thủy văn trên các sông rạch TP Cần Thơ diễn biến thất thường, dòng chảy biến đổi mạnh theo thủy triều. Triều cường còn ở mức cao xấp xỉ báo động II trong tháng 1-2018. Sau đó mức nước đỉnh triều và chân triều xuống thấp dần cho đến cuối tháng 4-2018, mùa khô xuất hiện và cần đề phòng biến động nguồn nước, hạn chế sạt lở xảy ra...

Hiện trường vụ sạt lở tại bờ sông Cần Thơ, thuộc xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền. Ảnh: HÀ VĂN

Hiện trường vụ sạt lở tại bờ sông Cần Thơ, thuộc xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền. Ảnh: HÀ VĂN

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó kịp thời và có hiệu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2018, UBND TP Cần Thơ ban hành chỉ thị yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường công tác PCTT-TKCN ngay từ đầu năm. Qua đó, các sở, ngành, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, các loại thiên tai có thể xảy ra trong năm. Các địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực để tiến hành duy tu, sửa chữa, gia cố đê bao ngăn lũ, đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất lúa, vườn cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản... Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét các công trình thủy lợi, chỉ đạo tháo dỡ chà nò, vật cản trên kênh, rạch đảm bảo khai thông dòng chảy, tạo nguồn và đảm bảo dòng chảy được thông thoáng đủ nước bơm tưới khi khô hạn và tiêu thoát lũ nhanh khi ngập úng.

UBND các quận, huyện, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp phải rà soát, hoàn chỉnh các phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; trong đó cần tính toán chi tiết việc huy động lực lượng, phương tiện cơ giới để di dời dân nhanh chóng đến nơi trú ẩn an toàn khi xảy ra thiên tai. Đặc biệt, các địa phương chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế để tiến hành rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa, lũ, bão; các nơi có nguy cơ sạt lở cao có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân trên các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn... Từ đó kiên quyết tổ chức di dời dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn với mục tiêu lâu dài là giảm tải, giải phóng trả lại sự thông thoáng của bờ sông, kênh rạch. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm sông, kênh rạch gây tắc nghẽn dòng chảy, hướng thoát nước tự nhiên trên địa bàn...

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, chỉ đạo: “Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các ngành, các cấp tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác PCTT-TKCN trong năm 2017, làm rõ những mặt hạn chế, yếu kém để chấn chỉnh, khắc phục. Đồng thời, các ngành, các cấp phải xây dựng phương án và triển khai nhiệm vụ PCTT-TKCN năm 2018 sát với tình hình thực tế địa phương, của đơn vị, trong đó có tính đến yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu; củng cố, kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp để điều hành, xử lý kịp thời các tình huống xấu; đảm bảo công tác trực chỉ huy, báo cáo và kịp thời đưa ra giải pháp ứng phó khi thiên tai xảy ra...”.

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết