04/09/2018 - 09:17

Chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh sởi

Đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue và bệnh sởi có dấu hiệu tăng lên tại một số địa phương. Còn theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 8-2018 ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em mắc bệnh sởi nhập viện tại các bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố.

Bệnh sởi ở khu vực phía Nam có dấu hiệu gia tăng

Trong khuôn khổ hoạt động giám sát ca sốt phát ban nghi sởi, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận trong tháng 8, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã phát hiện 25 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, hầu hết các bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Mới đây, bé Ý Nhi (8 tháng tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 với tình trạng sốt cao, các nốt ban đỏ nổi đặc người. Mẹ của bệnh nhi này cho biết, bé mới 8 tháng tuổi, đi nhà trẻ nhưng ở trường bé không có ai mắc bệnh. Tuy nhiên, trước đó một tuần, bố của bệnh nhi bị sốt, nổi ban, đi khám thì được chẩn đoán sốt phát ban và cho thuốc về uống. Sau đó 2 ngày, bệnh nhi cũng bắt đầu nổi ban và sốt.

Một trường hợp khác là bệnh nhi 7 tháng tuổi, quê tại An Giang cũng được đưa đến khám trong tình trạng sốt, nổi ban và ngay lập tức được cách ly sau khi chẩn đoán bị mắc sởi. “Do chưa đủ tuổi tiêm phòng sởi nên trẻ dưới 9 tháng tuổi thông thường được hưởng miễn dịch từ mẹ thông qua bú sữa mẹ. Tuy nhiên nhiều mẹ không được chích ngừa hoặc trẻ không được bú sữa mẹ thì khả năng mắc sởi rất cao”- bác sĩ Tiêu Châu Thy, Khoa Nhiễm – Thần kinh - Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết.

Đảm bảo cung ứng đủ thuốc để phòng, điều trị sốt xuất huyết, sởi

Theo đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), số ca mắc sốt xuất huyết Dengue và bệnh sởi đang có dấu hiệu tăng tại một số địa phương. Trước tình hình trên, để đảm bảo cung ứng đủ thuốc để phòng, điều trị bệnh sốt xuất huyết, bệnh sởi, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc trên địa bàn có kế hoạch dự trữ, cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc cho nhu cầu điều trị.

Các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ chủ động lập kế hoạch mua sắm thuốc, cập nhật diễn biến mô hình bệnh tật để phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue, bệnh sởi; liên hệ với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc để đảm bảo đủ thuốc cho công tác khám chữa bệnh. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc chuẩn bị sẵn nguồn thuốc chất lượng, giá cả hợp lý để ưu tiên cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo: Đến nay, biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết chủ yếu và hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Để chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Đồng thời, hằng tuần người dân nên diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước;...

Để phòng bệnh sởi hiệu quả, các gia đình cần chủ động đưa trẻ trong độ tuổi (9 tháng - 2 tuổi) chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc- xin sởi hoặc trẻ từ 1-14 tuổi tiêm vắc-xin sởi-rubella đầy đủ và đúng lịch. Bệnh sởi rất dễ lây, do vậy cha mẹ không nên cho trẻ đến gần, tiếp xúc với trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hằng ngày, đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu: sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, phụ huynh cần cách ly sớm và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Các gia đình không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo. Người mắc sởi cần được cách ly và chăm sóc y tế trong 7 ngày kể từ khi phát ban. Trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh có thể được cách ly tại nhà (nghỉ học, nghỉ làm việc, không tham gia hoạt động tập thể, tập trung đông người). Trong thời gian cách ly, bệnh nhân phải đeo khẩu trang y tế...

PV (Tổng hợp từ TTXVN)

Chia sẻ bài viết