17/06/2018 - 15:39

Cúm A/H1N1

Chủ động phòng bệnh, không hoang mang 

Gần đây, thông tin ca cúm A/H1N1 tử vong ở TP Hồ Chí Minh gây tâm lý lo lắng. Theo bác sĩ Trần Văn Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, người dân không nên quá hoang mang; mà thay vào đó cần trang bị kiến thức để chủ động phòng bệnh.

Chỉ lấy mẫu bệnh phẩm ca viêm phổi nặng

Ngày 15-6, Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, cho biết: Bệnh nhân N.T.T, dương tính với cúm A/H1N1, đã khỏe mạnh, xuất viện. Ngày 8-6, bệnh nhân N.T.T.- 84 tuổi, ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long- chuyển viện từ Trung tâm Y tế huyện Bình Minh đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, điều trị tại Khoa Tim mạch- Lão học, chẩn đoán: tăng huyết áp - bệnh tim thiếu máu cục bộ - viêm phổi. Đến ngày 9-6-2018, Trung tâm Y tế huyện Bình Minh thông tin cho Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ về việc bà T. từng tiếp xúc với bệnh nhân Nguyễn Thị Mười Ba vào ngày 5-6-2018, theo kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh ngày 9-6-2018 khẳng định bà Ba bị cúm A/H1N1. Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã chuyển ngay bệnh nhân T. đến phòng cách ly tại Khoa Truyền nhiễm, chẩn đoán là theo dõi viêm phổi do virus - tăng huyết áp, lấy mẫu bệnh phẩm và điều trị thêm Tamiflu. 

Người dân tiêm ngừa cúm ở Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ.

Theo bác sĩ Trần Văn Tuấn, cúm A/H1N1 không nguy hiểm như H5N1 hay H7N9. H1N1 chỉ là cúm mùa, lành tính, cúm A/H1N1 có thể gây viêm phổi nặng, biến chứng trên những bệnh nhân có cơ địa béo phì, suy giảm miễn dịch (HIV), bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn, tim mạch…

Ngày 14-6, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cũng có công văn khẩn gởi 20 tỉnh, thành phía Nam. Theo đó, báo cáo của các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Nam về các chùm ca bệnh cúm A/H1N1 tại cộng đồng, tại bệnh viện và đã có trường hợp tử vong do vi-rút cúm A/H1N1 ở người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao. Bên cạnh đó, thời điểm giao mùa giao lưu đi lại và tụ tập đông người trong dịp hè là điều kiện thuận lợi cho bệnh lây lan và bùng phát.

Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh cúm, không để lan rộng, kéo dài, lây nhiễm chéo trong bệnh viện, Viện Pasteur đề nghị Giám đốc Sở Y tế 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai một số nội dung sau: Các bệnh viện phát hiện, cách ly, lấy mẫu, điều tra dịch tễ các trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi-rút theo định nghĩa: sốt đột ngột trên 38°C, khó thở, có hình ảnh X-quang phổi và kết quả hội chẩn chuyên khoa không hướng đến các loại căn nguyên khác ngoài vi-rút, đặc biệt là viêm phổi vi khuẩn, lao...; Thông báo ngay cho trung tâm y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật các trường hợp viêm phổi nặng nghi cho vi-rút để phối hợp điều tra xử lý, vận chuyển mẫu bệnh phẩm. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm soát chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện nhằm tránh lây nhiễm chéo, bùng phát tại các cơ sở điều trị. Các trung tâm y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tập hợp mẫu bệnh phẩm trên địa bàn và phiếu điều tra dịch tễ chuyển về Viện Pasteur trong vòng 24 giờ theo hướng dẫn giám sát viêm phổi nặng.

Bác sĩ Trần Văn Tuấn khẳng định: "Như vậy với các trường hợp ho, sổ mũi, sốt, đau cơ, đau họng… thì chỉ điều trị thông thường, không lấy mẫu bệnh phẩm. Chỉ những trường hợp có các biểu hiện trên kèm tổn thương phổi (phim X-Quang), khó thở thì mới lấy mẫu bệnh phẩm và điều trị bằng Tamiflu". Hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ có vài trăm viên Tamiflu. Ngoài ra, các cơ sở y tế khi phát hiện bệnh nhân có các dấu hiệu trên báo ngay cho Trung tâm y tế dự phòng quận, huyện để hỗ trợ lấy mẫu, gởi mẫu, phun thuốc khử khuẩn môi trường.

Chủ động phòng ngừa

Trong hai tuần gần đây, số lượng người dân đến tiêm ngừa cúm gia tăng đột biến. Sáng 15-6-2018, tại Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, người dân tập trung rất đông để tiêm ngừa cúm dịch vụ. Chị Nguyễn Lê Ngọc Thanh, đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho biết, con chị hơn 7 tháng tuổi. Chị đưa con đi chích ngừa cúm, để bảo vệ sức khỏe cho con.

Bác sĩ Hứa Văn Lái, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ cho biết, nhờ thông tin tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng, rất nhiều người đến tiêm ngừa cúm để phòng bệnh cúm A/H1N1, H3N2 và tuýp B. Đối tượng tiêm rộng rãi, từ trẻ 6 tháng tuổi trở lên. Phụ nữ mang thai, đặc biệt quý II thai kỳ có thể tiêm ngừa cúm. Sau khi tiêm khoảng 4-8 tuần, vắc-xin có tác dụng bảo vệ.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, trước đây bình quân hằng ngày có khoảng 30- 40 người tiêm ngừa cúm tại Trung tâm, nhưng khoảng 10 ngày nay tăng lên trên 100 người/ngày. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ Huỳnh Minh Trúc, trước nhu cầu phòng bệnh của người dân, Trung tâm chủ động chuẩn bị nguồn vắc-xin tiêm ngừa cúm, người dân không lo thiếu vắc-xin. Ngoài Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, một số trung tâm y tế, trung tâm y tế dự phòng quận, huyện và bệnh viện cũng có triển khai tiêm ngừa cúm.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết