07/08/2008 - 22:08

Bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ:

Chủ động, kịp thời phòng chống sốt xuất huyết

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP Cần Thơ, từ đầu năm đến trung tuần tháng 7- 2008, toàn TP có 246 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) nhập viện điều trị. Đa số ca mắc là trẻ em dưới 15 tuổi và đã có 1 trường hợp tử vong do SXH. Mặc dù so với cùng kỳ năm 2007, số ca mắc SXH tại Cần Thơ giảm nhưng tình hình SXH tại TP Cần Thơ vẫn còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, số ca mắc SXH ở nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL liên tục tăng lên, đòi hỏi ngành Y tế TP Cần Thơ tăng cường theo dõi, giám sát để phát hiện sớm và đối phó kịp thời khi có dịch SXH xảy ra. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, về công tác phòng chống SXH tại TP Cần Thơ.

* Thưa bác sĩ, qua những đợt kiểm tra của Sở Y tế, bác sĩ đánh giá như thế nào về công tác phòng chống bệnh SXH tại một số quận, huyện?

 

- Trong đợt kiểm tra, giám sát tình hình SXH vừa qua, có thể thấy các quận, huyện đều quan tâm đến công tác phòng chống SXH, có phần chủ động trong công tác tuyên truyền giáo dục, giám sát và điều tra xử lý các ca SXH ở địa phương. Tuy nhiên, những vấn đề còn tồn tại mà tuyến y tế quận, huyện cần chấn chỉnh là việc xử lý ổ dịch nhỏ tại địa phương làm chưa tốt. Công tác xử lý diệt lăng quăng không đồng bộ, kịp thời; công tác giám sát kiểm tra của tuyến quận, huyện chưa chặt chẽ. Hầu như địa phương chỉ tập trung diệt lăng quăng trong những đợt nằm trong chiến dịch. Các quận, huyện, nhất là các xã, phường nằm ở ngoại ô thành phố, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để nhân dân nêu cao ý thức cảnh giác, đề phòng và ngăn ngừa bệnh SXH. Đặc biệt chú trọng dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh, thực hiện diệt lăng quăng tại cộng đồng một cách nghiêm ngặt, đúng quy trình.

* Theo bác sĩ, vẫn còn một số khó khăn làm ảnh hưởng nhất định đến công tác phòng chống SXH tại TP Cần Thơ ?

- Trước hết, cần khẳng định ngành Y tế TP Cần Thơ có những thuận lợi là luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Bộ Y tế, UBND thành phố, các cấp chính quyền địa phương và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống SXH. Công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ phòng chống SXH luôn được chú trọng, có sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ, kịp thời. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác phòng chống SXH cũng gặp một số khó khăn như: diễn biến thời tiết bất thường; môi trường ô nhiễm cũng là nguy cơ gây ra dịch bệnh. Ở một số nơi, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể chưa thật sự quan tâm, tích cực, chủ động vận động các hộ gia đình diệt lăng quăng, phòng chống SXH.

Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ là đơn vị chủ lực tiếp nhận và điều trị bệnh SXH, nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, chỉ có khả năng đối phó với dịch ở mức độ nhỏ. Cơ sở của các bệnh viện, nhất là bệnh viện thuộc các quận huyện mới tách, chật hẹp, không đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu điều trị khi có dịch bùng phát. Vì vậy, quan điểm của ngành y tế là phòng chống dịch chủ động, kịp thời, không để dịch xảy ra.

* Thưa bác sĩ, trước thực trạng bệnh SXH có nguy cơ bùng phát, ngành Y tế TP Cần Thơ đã chuẩn bị gì cho công tác phòng chống dịch bệnh SXH?

- Để giảm tối đa số ca mắc SXH trên địa bàn TP Cần Thơ, ngành y tế chỉ đạo triển khai, thực hiện đồng loạt nhiều hoạt động. Về công tác dự phòng, tiếp tục phát động chiến dịch diệt lăng quăng phòng chống SXH dựa vào cộng đồng tại 30 xã, phường trọng điểm. Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe với nhiều hình thức phong phú, giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm ca bệnh SXH.

Việc xử lý ổ dịch nhỏ tại khu vực xảy ra SXH phải kịp thời nhằm hạn chế dịch lây lan. Xử lý đúng theo qui trình hướng dẫn, diệt lăng quăng cho đến khi chỉ số Breteau nhỏ hơn 20 mới cho phun hóa chất và xử lý trong vòng bán kính 200m. Hiện tại, ngành y tế Cần Thơ đang triển khai thí điểm áp dụng mô hình biện pháp sinh học trong phòng chống SXH thuộc Dự án “Phòng chống bệnh truyền nhiễm khu vực tiểu vùng sông Mê Công”. Theo dự án, ngành xây hồ cho cộng tác viên nuôi, thả cá 7 màu diệt lăng quăng trong cụm dân cư do họ phụ trách. Mỗi tháng các cộng tác viên đến nhà dân 2 lần để kiểm tra, ghi nhận tình hình lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước, ghi chép vào phiếu và vận động hộ gia đình diệt lăng quăng.

Về công tác điều trị, để hạn chế tối đa những ca tử vong, ngành đã chỉ đạo các bệnh viện bố trí những bác sĩ có kinh nghiệm vào phòng khám và trực ở khoa cấp cứu. Thành lập các đội cấp cứu ngoại viện: Bệnh viện Đa khoa thành phố 2 đội, Bệnh viện Nhi đồng 2 đội, mỗi bệnh viện quận- huyện 1 đội. Các đội cấp cứu tuyến thành phố sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có dịch xảy ra. Ngành còn chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, phương tiện phục vụ công tác điều trị; xây dựng kế hoạch phòng chống SXH, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, khu vực nhận bệnh khi có dịch lớn xảy ra; tổ chức tập huấn phác đồ điều trị và chăm sóc bệnh SXH mới do Bộ Y tế ban hành cho đội ngũ BS, điều dưỡng, y tá...

* Xin cảm ơn bác sĩ!

NGUYỄN TRÍ (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết