16/08/2017 - 21:25

Vụ lúa thu đông 2017

Chủ động cùng nông dân ứng phó thời tiết 

Đến nay, nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ đã xuống giống được hơn 73.000 ha lúa thu đông 2017. Nhìn chung, các trà lúa thu đông đang phát triển khá tốt và ít sâu bệnh. Tuy nhiên, nước lũ đã về sớm, thời tiết đang diễn biến phức tạp, đe dọa đến sản xuất.

  Nông dân xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh thăm đồng, kiểm tra tình hình phát triển của ruộng lúa thu đông 2017.

Lo mưa lũ và thời tiết diễn biến phức tạp

Năm nay, nước lũ về sớm và dự đoán có khả năng đạt mức cao hơn trung bình nhiều năm. Những ngày qua, lũ sớm tràn về các tỉnh đầu nguồn như: An Giang, Đồng Tháp… đã gây thiệt hại nhiều diện tích lúa, hoa màu của nông dân. Tại các quận, huyện ở TP Cần Thơ, mực nước lũ cũng bắt đầu lên nhanh. Dù chưa gây ra các thiệt hại cho sản xuất, nhưng nhiều nông dân trồng lúa tại thành phố không khỏi lo ngại trước diễn biến phức tạp của mưa bão, lũ có thể đe dọa cho sản xuất. Đặc biệt là nguy cơ nước lũ gây thiệt hại cho diện tích lúa thu đông xuống giống muộn và các vùng sản xuất lúa có hệ thống đê bao chưa thực sự đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Tiến Chinh, ngụ ấp E1, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “ Vụ thu đông 2017, gia đình tôi sản xuất 12 ha lúa, trong đó có 3 ha gieo sạ được 45 ngày và 9 ha gieo sạ mới 25 ngày. Nhìn chung lúa đang phát triển tốt và ít sâu bệnh. Tuy nhiên, phải hơn 2 tháng nữa, các ruộng lúa của tôi mới chín và thu hoạch. Tôi rất lo khi nước lũ về sớm hơn mọi năm, trong khi hệ thống các đê bao và bờ bao ở đây chưa chuẩn lắm, cần phải được gia cố và kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên mới đảm bảo an toàn”. Theo anh Phan Thanh Điền, ngụ ấp Vĩnh Nhuận, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, 6 công lúa vụ thu đông 2017 của anh đã gieo sạ được hai tháng rưỡi và hiện lúa đã trổ đều, dự kiến  sẽ thu hoạch vào cuối tháng 8. Gia đình anh cùng nhiều hộ dân tại xã Vĩnh Bình khá an tâm vì phần lớn các diện tích lúa thu đông tại xã đều trong giai đoạn từ trổ đều đến chín chuẩn bị thu hoạch. Tuy nhiên, bà con vẫn lo ruộng lúa có thể bị thiệt hại và thất thoát nhiều trong giai đoạn thu hoạch do ảnh hưởng của thời tiết. Do vậy, bà con phải thường xuyên thăm đồng, chủ động tiêu thoát nước cho ruộng lúa để giảm nguy cơ lúa bị đổ ngã và giúp nền đất ruộng khô ráo, thuận lợi đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa.

Nhiều biện pháp bảo vệ lúa

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, nông dân trên địa bàn thành phố đã xuống giống lúa thu đông 2017 được 73.021 ha đạt 139% so với kế hoạch, chậm hơn 1.396 ha so với cùng kỳ. Vụ này, nông dân tập trung gieo sạ các  giống lúa như: OM 5451 (chiếm 46% trong cơ cấu giống của toàn thành phố), OM 4218 (chiếm 24%), IR50404 (chiếm 22%), Jasmine 85 (chiếm 2%), còn lại là các giống khác. Hiện các trà lúa thu đông chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh đến đòng, nhìn chung lúa sinh trưởng và phát triển khá tốt.  Tính đến tuần đầu tiên của tháng 8, tổng diện tích nhiễm dịch hại là 2.263 ha, thấp hơn 2.198 ha so cùng kỳ năm 2016 chủ yếu giảm diện tích nhiễm rầy nâu, chuột, bệnh đạo ôn lá. Tuy nhiên, diện tích lúa nhiễm bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá và bệnh cháy bìa lá đang có xu hướng tăng so với cùng kỳ.

Để bảo vệ lúa thu đông 2017 phát triển tốt, hạn chế sự lây lan và gây hại của các đối tượng dịch hại, Sở NN&PTNT thành phố yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc sở và các quận, huyện củng cố, đẩy mạnh hoạt động Ban chỉ đạo phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá các cấp. Phân công từng cán bộ chịu trách nhiệm địa bàn cụ thể để tăng cường công tác theo dõi diễn biến rầy nâu và bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá trên các trà lúa, hướng dẫn nông dân thực hiện thu gom tiêu hủy cây lúa bị bệnh cũng như các biện pháp theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT (Sổ tay hướng dẫn phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá).  Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho nông dân biết về nguy cơ dịch hại trên lúa, nâng cao ý thức cảnh giác của nông dân, không được chủ quan lơ là, áp dụng các kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, IPM, “1 phải 5 giảm”, công nghệ sinh thái, quản lý rầy nâu bằng chế phẩm sinh học (nấm xanh, Ometar)…Trong tình hình thời tiết phức tạp, mưa giông rải rác kèm theo gió gây tổn thương cây lúa là điều kiện bệnh cháy bìa lá phát triển mạnh. Cần khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, kiểm tra vết bệnh trên lá lúa, khi bệnh mới xuất hiện, sử dụng thuốc đặc trị vi khuẩn để giảm lây lan bệnh. Đồng thời, ngưng bón phân đạm, không kết hợp phun phân bón lá với thuốc trừ bệnh, phòng trị theo nguyên tắc 4 đúng. Tiếp tục phát động nông dân tổ chức chiến dịch đồng loạt ra quân diệt chuột trên diện rộng…

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện Sở đã chỉ đạo các địa phương ngưng xuống giống thêm  các diện tích lúa thu đông 2017 nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lũ và tránh nguy cơ chồng vụ sẽ tạo “cầu nối” cho các loại sâu bệnh lây lan sang vụ sản xuất lúa đông xuân 2017-2018 cũng như hạn chế khả năng lấy phù sa của đồng ruộng trong mùa lũ”. Theo bà Nguyễn Thị Kiều, trước tình hình lũ về sớm và dự báo ở mức cao so cùng kỳ nhiều năm, Sở NN&PTNT thành phố cũng yêu cầu các địa phương tăng cường thăm đồng, kiểm tra nắm mực nước nội đồng thường xuyên để có giải pháp hỗ trợ nông dân ứng phó kịp thời. Đặc biệt, cần quan tâm gia cố các hệ thống để bao, bờ bao, chủ động phương tiện bơm tác và thực hiện việc bơm tát theo hướng tập thể, đồng loạt để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả bảo vệ lúa. Chủ động chuẩn bị các máy gặt đập liên hợp và phương tiện vận chuyển, lò sấy để thu hoạch lúa kịp thời, tránh lúa chín để lâu trên đồng  sẽ có nhiều nguy cơ bị thiệt hại và thất thoát do mưa bão, lũ và các diễn biến bất lợi của thời tiết.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết