17/04/2016 - 16:32

CỜ ĐỎ

CHỦ ĐỘNG CHỐNG HẠN BẢO VỆ LÚA HÈ THU

Đến nay, nông dân huyện Cờ Đỏ đã xuống giống lúa hè thu 2016 đạt hơn 99,7% kế hoạch. Thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh công tác thủy lợi, triển khai các công trình thủy lợi tạo nguồn, nội đồng nhằm chủ động nguồn nước tưới tiêu cho nông dân sản xuất lúa hè thu trước tình hình năm nay nắng hạn kéo dài.

Cờ Đỏ là một trong những địa phương sản xuất lúa hàng hóa lớn của TP Cần Thơ, góp phần cung ứng lúa hàng hóa cho thị trường nội địa và phục vụ xuất khẩu gạo của thành phố rất tốt. Năm 2015, diện tích gieo sạ 3 vụ lúa của huyện đạt 69.803 ha, tổng sản lượng lúa ước đạt 464.355 tấn. Các giống lúa gieo sạ chủ yếu như: Jasmine 85, OM 4218, OM 5451, OM 1490, OM 4900, OM 6073, OM 6976, VD 20, OM 6162, Nàng Hoa Chín, IR 50404… Nông dân trên địa bàn huyện có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, nên năng suất lúa bình quân đạt khá cao.

Nông dân Cờ Đỏ chăm sóc lúa hè thu 2016.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cờ Đỏ, hiện nông dân địa phương đã thu hoạch dứt điểm lúa đông xuân 2015-2016 với diện tích 24.913 ha, năng suất bình quân khoảng 7,1 tấn/ha, sản lượng 176.884 tấn. Tính đến ngày 15-4-2016, nông dân Cờ Đỏ đã xuống giống lúa hè thu với diện tích hơn 23.900 ha, đạt 99,7% kế hoạch. Cơ cấu giống chủ yếu là OM 4218, OM 5451, IR 50404, Jasmine 85, Nàng Hoa Chín... Kế hoạch sản xuất trong cánh đồng lớn trong vụ lúa hè thu 2016 là 10.705 ha. Hiện các trà lúa hè thu sớm đến nay đã được hơn 2 tháng, lúa đang trong giai đoạn làm đòng đến trổ. Nhìn chung, lúa hè thu năm nay trên địa bàn huyện đang phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng hiện nay cũng đã ảnh hưởng phần nào đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Chị Trần Thị Thuộc, ngụ ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, xuống giống 13 công lúa hè thu đến nay đã được hơn 1 tháng, cho biết: Thời tiết năm nay khô hạn kéo dài, đến nay chưa có mưa, nên chi phí sản xuất vụ lúa hè thu năm nay sẽ cao hơn nhiều so với mọi năm. Do nắng nóng ruộng lúa rất mau khô nước, nên cứ 4-5 ngày là tôi phải bơm nước một lần. Lúa phát triển cũng không xanh bằng mọi năm nên tôi cũng phải bón phân với liều lượng nhiều hơn. Chi phí đầu tư cao, tôi đang nỗ lực chăm sóc lúa để đạt năng suất cao, đảm bảo có lời. Hằng ngày, tôi đều thăm đồng ruộng để phát hiện sâu bệnh phòng trừ kịp thời, xem mực nước đảm bảo đầy đủ cho lúa phát triển. Năm nay, hạn kéo dài nhưng cũng đỡ lo vì nguồn nước các các kênh, rạch hiện vẫn đảm bảo bơm nước lên cho lúa, không bị thiếu nước…

Ông Đỗ Xuân Phúc, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, cho biết: Hiện nay, nông dân huyện tập trung chăm sóc lúa hè thu năm 2016 nhằm đảm bảo năng suất, sản lượng cũng như mang lại hiệu quả cao nhất trong sản xuất vụ lúa này. Theo đó, phòng đang tăng cường phối hợp với các phòng chức năng tổ chức đi thăm đồng thường xuyên, nắm tình hình dịch bệnh trên lúa, kể cả rau màu để hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Đồng thời, cũng theo dõi sát sao tình hình hạn, mặn, đảm bảo nước cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Đến nay, tình trạng khô hạn thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Cờ Đỏ chưa xảy ra, do địa phương đã có chủ động trong sản xuất, rà soát lại các tuyến kênh tạo nguồn và nội đồng để đầu tư nạo vét. Tình hình nước mặn xâm nhập cũng không có xảy ra; huyện có tuyến kênh Thốt Nốt giáp địa bàn tỉnh Kiên Giang có khả năng xâm nhập mặn, bên phía Kiên Giang đã ảnh hưởng mặn nhưng còn ở xa địa bàn huyện Cờ Đỏ...

Để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nhất là sản xuất 3 vụ lúa/năm, cũng như phòng chống hạn hán trong năm nay, năm 2015 huyện Cờ Đỏ đã đẩy mạnh công tác thủy lợi. Năm qua, huyện Cờ Đỏ đã đầu tư hơn 23 tỉ đồng triển khai thi công 47 công trình thủy lợi nạo vét các tuyến kênh tạo nguồn, với tổng chiều dài hơn 94,8 km, tổng khối lượng 973.291 m3. Đến nay, các công trình này đã hoàn thành và phát huy hiệu quả, đảm bảo được nước tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời nâng cấp hệ thống đê bao phục vụ sản xuất lúa vụ 3 trên địa bàn huyện. Các công trình gồm: nạo vét kênh Huyện Chơn, kênh 400 ấp An Thạnh, kênh 600A nhánh rẽ, kênh Số 1 ấp Đông Phước, kênh Thầy Tám, kênh Đường 20, kênh 200, kênh Xẻo Luông, kênh Tám Phước, kênh Mương Gỗ, kênh Lú, kênh Năm Lẹ, kênh Hội Đồng 2, kênh Sáu Thước, kênh Ngang 2, kênh Ngang 4, kênh Lung Văn, Mương Lớn – nhánh rẽ. Kênh T1, kênh Hội Đồng Khương, kênh Huyện Tiệt, kênh Sườn, kênh 600 ấp Thạnh Phước, kênh 300, kênh Năm Châu, kênh 500, kênh Thợ Hàn, kênh Chiến Lược, kênh Bà Diệp, kênh ngang 6 nhánh 1 và 2, kênh Giữa, kênh số 2, kênh Emmery, kênh Chòi Mòi... Năm 2016, huyện Cờ Đỏ dự kiến triển khai thi công 19 công trình thủy lợi tạo nguồn, với tổng chiều dài hơn 44,3 km, tổng khối lượng 465.640m3, kinh phí 8,8 tỉ đồng; đến nay đã triển khai thi công 2 công trình. Các công trình nạo vét trong năm nay gồm: kênh Nhà Vuông, kênh Sườn 4, kênh 5000, kênh Bệ, kênh Ngang 3, kênh Sỉ Cuông, kênh Xẻo Môn, kênh Số 4, kênh Bờ Thiết, kênh Thác Lát, kênh Bà Đằng, kênh Đào, kênh Xẻo Dứa…

Song song đó, huyện Cờ Đỏ cũng quan tâm công tác thủy lợi mùa khô, vận động nhân dân nạo vét các tuyến kênh thủy lợi nội đồng. Theo đó, năm 2015 địa phương vận động nhân dân thực hiện được 14 công trình, tổng chiều dài hơn 14,1 km, khối lượng 61.080 m3, phục vụ 775 ha, kinh phí 540,4 triệu đồng do nhân dân đóng góp. Từ đầu năm 2016 đến nay, địa phương đã vận động nhân dân thực hiện được 5 công trình, với tổng chiều dài 3,6 km, khối lượng 16.000 m3, phục vụ 182 ha, kinh phí 168 triệu đồng. Các công trình này đã góp phần rất lớn cho việc đảm bảo nước tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp của huyện.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết