19/07/2010 - 15:30

Chú Cường hòa giải

Đó là cách gọi thân thương mà bà con ở khu vực Bình Nhựt, phường Long Hòa, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) dành cho chú Diệp Hoàng Cường, Trưởng khu vực, Tổ trưởng Tổ hòa giải khu vực Bình Nhựt. Với lối sống giản dị, chan hòa, tính tình thẳng thắn, chú Cường rất được người dân ở địa phương tín nhiệm, nhất là trong công tác hòa giải. Thời gian qua, chú Cường và các thành viên trong Tổ hòa giải đã giải tỏa bao xích mích trong dân, góp phần hàn gắn tình làng, nghĩa xóm, cùng địa phương xây dựng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ngày càng phát triển…

Chú Diệp Hoàng Cường.

Những năm gần đây, ở vùng ven thuộc khu vực Bình Nhựt, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh và kéo theo đó là tình trạng biến động về giá trị đất. Xuất phát từ thực tế trên, số vụ tranh chấp đất trong dân phát sinh ngày một nhiều. Mở quyển sổ ghi chép, chú Cường kể cho chúng tôi nghe về vụ tranh chấp ranh đất giữa hộ ông Huỳnh Văn Sắc và bà Hồ Thị Nga. Chú Cường cho biết: “Nhận được đơn khiếu nại, các thành viên trong Tổ hòa giải nghiên cứu, đi xác minh thực tế, rồi cùng nhau bàn hướng giải quyết. Ban đầu, hai bên đương sự vẫn cương quyết cho là phần đất tranh chấp thuộc về mình nên không ai chịu nhường ai. Thế nhưng, qua nhiều lần động viên, thuyết phục, sau cùng hai hộ này đã làm hòa, với phương án chia đôi phần đất tranh chấp, mỗi bên một nửa”. Sau lần đó, ông Sắc và bà Nga trở nên thân thiện với nhau, thường giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Đó là một trong số nhiều vụ mà Tổ hòa giải khu vực Bình Nhựt đã hòa giải thành. Điểm nổi bật của Tổ hòa giải khu vực Bình Nhựt là đã vận dụng nhuần nhuyễn giữa cái lý và cái tình vào giải quyết từng vụ việc cụ thể. Chú Cường, Tổ trưởng Tổ hòa giải, chia sẻ kinh nghiệm: “Mục đích của hoạt động hòa giải ở cơ sở là hướng vào tình người, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng; giữ gìn, vun đắp hạnh phúc gia đình; góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội. Khi hòa giải, hòa giải viên phải biết lắng nghe và thông hiểu bức xúc của các đương sự. Có nghe, có hiểu mới đánh giá được mâu thuẫn thuộc loại nào, để đưa ra mối quan hệ pháp luật tương ứng, hướng dẫn hai bên đương sự thỏa thuận, giải quyết vụ việc. Đối với vụ việc có tình tiết, tính chất phức tạp, các thành viên đến tận nơi nắm tình hình, ghi nhận ý kiến đóng góp của các hộ lân cận; từ đó, tìm cách tháo gỡ, chủ yếu là thuyết phục trên tinh thần thực thi pháp luật theo chủ trương của Đảng và Nhà nước”.

Trong tổng số vụ việc hòa giải thành, chiếm đa số là những vụ hòa giải đoàn tụ, hàn gắn rạn nứt tình cảm vợ chồng. Điển hình như trường hợp của chị Đinh Thị Hồng Mai, ở tổ 5, khu vực Bình Nhựt. Hôm chúng tôi ghé nhà, gia đình chị Mai đang quây quần bên mâm cơm chiều, rộn rã tiếng nói cười. Chị Mai kể: “Hồi trước, vợ chồng tôi có được một đứa con. Do gặp khó khăn trong cuộc sống, chúng tôi thường cắn đắn, cự cãi nhau. Lúc đầu, tôi có nghĩ sẽ không thể tiếp tục chung sống với ảnh được nữa nên bồng con về nhà mẹ ruột và nộp đơn xin ly hôn. Cũng may, nhờ có mấy cô, chú trong Tổ hòa giải đã động viên, phân tích cặn kẽ cho vợ chồng tôi hiểu để nhìn nhận sai trái khuyết điểm của nhau, cùng khắc phục. Sau đó, chúng tôi đã làm lành với nhau. Giờ đây, ảnh chí thú làm ăn”. Hiện nay cuộc sống của vợ chồng chị Mai rất đầm ấm. Mới đây, anh chị vừa xây dựng được căn nhà tươm tất. Ngày ngày, chị Mai đi làm công nhân ở xí nghiệp, chồng chị làm phụ hồ. Mỗi người một việc, họ ra sức vun bồi cho tổ ấm của mình...

Sinh ra và lớn lên ở khu vực Bình Nhựt, phường Long Hòa, gia đình chú Cường sống chủ yếu bằng nghề nông. Khi trưởng thành, chú Cường tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Năm 1986, chú hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương sinh sống. Năm 38 tuổi (năm 1995), chú Cường kết hôn cùng cô Lê Thị Tuyền. Thời gian trước, chú Cường đi làm công nhân cho nhà máy xay xát lúa gạo ở Long Hòa, với mức lương tương đối ổn định. Sau đó, nhà máy giải thể, chú nghỉ, về nhà canh tác 4 công đất ruộng. Thu xếp chuyện nhà, thiếm Tuyền đi mua trái cây về bán ở chợ, kiếm lời trang trải cho những chi tiêu trong nhà. Hằng ngày, cứ khoảng 15 giờ, chú thiếm đến các nhà vườn ở phường Long Tuyền để thu mua trái cây, mang về nhà để sáng ngày hôm sau mang ra chợ bán. Vợ chồng chú Cường sống chung với người mẹ già và một em trai. Chú thiếm có một cậu con trai, hiện đang học lớp 7. Nhờ cần kiệm, vén khéo trong chi tiêu hàng ngày, giờ đây, cuộc sống của gia đình chú Cường dần khấm khá, đủ ăn đủ mặc, con cái được học hành đàng hoàng, đó là niềm vui và là niềm tự hào của chú mỗi khi nhắc đến tổ ấm của mình.

Là hội viên Hội Cựu chiến binh ở khu vực, năm 2006, chú Cường được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng khu vực. Với lối sống giản dị và tính tình thẳng thắn, chân thật nên chú Cường rất được người dân ở khu vực tín nhiệm. Bà Trần Thị Thu Hồng, Chủ tịch UBND phường Long Hòa, cho biết: “Thời gian qua Tổ hòa giải khu vực Bình Nhựt đã góp phần đáng kể trong việc giải quyết mâu thuẫn, hàn gắn tình làng, nghĩa xóm ở khu vực. So với các Tổ hòa giải khác trên địa bàn phường, thì Tổ hòa giải khu vực Bình Nhựt luôn đi đầu. Số vụ việc hòa giải thành chiếm tỷ lệ cao, hạn chế được tình trạng khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Các thành viên trong Tổ hòa giải khu vực Bình Nhựt đa phần là những người có uy tín ở địa phương, am hiểu kiến thức nhất định về pháp luật và rất nhiệt tình, tận tâm với công việc. Mới đây, Tổ hòa giải khu vực Bình Nhựt đã được Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở. Góp chung vào thành tích đó là phải kể đến vai trò Tổ trưởng Tổ hòa giải của chú Diệp Hoàng Cường”.

Bài, ảnh: NGUYÊN BỬU

Chia sẻ bài viết