28/05/2016 - 15:17

Nhà thơ Huệ Thi

Chọn thơ song hành trong cuộc mưu sinh nhưng không dùng thơ để mưu sinh

Nhà thơ Huệ  Thi. Ảnh: NVCC

Sau tập thơ "Khát khao" ra mắt chưa lâu, ngày 29-5, tại Cần Thơ, nhà thơ Huệ Thi có buổi ra mắt tập thơ thứ hai mang tên "Bóng quê". Đọc thơ Huệ Thi, người yêu thơ dễ đồng cảm bởi ngôn từ giản dị, giàu cảm xúc, khai thác những đề tài gần gũi bằng phong cách riêng. Dịp này, phóng viên Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với Huệ Thi về hai tập thơ cũng như con đường văn chương của chị.

 Trong tập thơ "Khát khao", người đọc cảm nhận được khát vọng được sống, được yêu thương của người viết. Chị có thể chia sẻ thêm về cảm xúc khi viết tập thơ này?

- "Khát khao" là chuỗi kết nối những cung bậc và dấu ấn trong từng giai đoạn trưởng thành của quãng đời tôi đã trải qua. 48 bài thơ ngắn là những nỗi niềm chưa được vẹn toàn, những hoài bão cứ dang dở và nó như những giấc mơ nhiều tập. Tôi luôn ấp ủ có tập thơ ghi dấu lại những thăng trầm, buồn vui ấy. "Khát khao" cũng là lời nhắc nhớ cho chính bản thân mình: luôn đam mê, luôn hy vọng, luôn đặt cho mình mục tiêu và hướng phấn đấu, có mơ ước sẽ có hiện thực.

 Với tập "Bóng quê", có những phần chị dành riêng "thơ tặng mẹ", "thơ tặng nội", "thơ tặng con"… Chị có sợ dấu ấn cá nhân sẽ khiến độc giả phân tâm?

- "Bóng quê" là món quà cho quê hương và những người yêu thương. Tôi không ngại dấu ấn cá nhân của mình sẽ lấn át tứ thơ, ý thơ bởi tôi tin rằng, ai đọc những dòng thơ ấy cũng sẽ thấy thấp thoáng quê hương, nguồn cội của mình qua những hình ảnh quen thuộc về dòng sông, bến nước, ruộng đồng… Với riêng tôi, "Bóng quê" là món quà tôi dành riêng cho quê hương Quảng Nam- nơi cho tôi quá khứ và tâm hồn nhạy cảm, biết ghi lại những khoảng lặng đời mình, biết viết những trăn trở riêng mang.

 Nhiều ý kiến cho rằng, thiếu vốn sống, năng lực tưởng tượng, không thể làm nhà văn. Là một cây viết trẻ, chị nghĩ sao về ý kiến này?

- Mỗi một nhà văn, nhà thơ có sự nhạy cảm riêng, bắt nhịp cảm xúc khác nhau. Tôi không phản đối việc ngày nay có quá nhiều nhà thơ nhà văn gây bát nháo và lẫn lộn giá trị chân chính của những cây bút thực thụ bởi những tác phẩm còn khô khan và cạn nghĩa. Có thể họ chưa đủ vốn sống hoặc nói như bạn, sự tưởng tượng chưa phong phú, điều đó do một phần khiếm khuyết va chạm và kỹ năng sống. Quay lại cá nhân mình, tôi cho rằng mình đang viết bằng cảm xúc chứ không hẳn bằng sự tưởng tượng và vay mượn cảm xúc.

 Xin chị chia sẻ đôi điều về con đường đến với văn chương của mình?

- Hiện tôi đang phụ trách Chi nhánh của một công ty tư nhân tại Cần Thơ, nên có dịp sống trên mảnh đất đồng bằng này. Đây là cơ duyên kết nối và xây đắp tâm hồn tôi. Từ những chuyến đi dài, những cuộc xê dịch đã cho tôi cảm hứng mới. Tôi luôn tâm niệm rằng, đã đến với văn chương thì không bao giờ là cuộc dạo chơi hay "nghề tay trái", mà phải luôn nghiêm túc và trách nhiệm với ngòi bút.

Hai tập thơ của Huệ Thi. Ảnh: DUY KHÔI

Tôi viết từ những năm học cấp 3, bước đầu chỉ là những câu chuyện ngắn về học trò trên báo Mực Tím. Đam mê thơ văn nhưng học khối A, tôi chỉ viết mỗi lúc rảnh rỗi. Mỗi tác phẩm được viết khi có cảm hứng (thơ, truyện, tạp bút...) để cộng tác cho các báo, tạp chí trung ương và địa phương. Tôi luôn biết ơn văn chương vì đã cho tôi tâm hồn biết say mê cuộc sống.

 Thơ hiện nay được xem là thể loại "kén" người thưởng thức và khó thành công nhất. Sao chị lại chọn đường khó?

- Thật sự, tôi không cho thơ là con đường khó, bằng chứng là thơ vẫn có chỗ đứng riêng, có lượng độc giả nhất định. Bạn bè tôi, họ vẫn sống được từ những vần thơ. Riêng tôi, thơ là nơi ghi lại và lưu giữ cảm xúc, sẻ chia cùng bạn bè, cân bằng cuộc sống. Tôi tìm được niềm vui riêng mình, góc khuất cuộc đời được chia sẻ bằng thơ và lấy thơ làm bạn bởi lẽ không phải buồn vui nào cũng có thể tìm người thốt ra. Như vậy thơ đã là người bạn tuyệt vời. Tôi chọn thơ song hành trong cuộc mưu sinh nhưng không dùng thơ để mưu sinh.

 Lực lượng viết trẻ bây giờ khá đông và hùng hậu. Chị có lo ngại mình sẽ không theo kịp trên đường đua văn chương?

- Văn chương là nghiệp. Tôi không đặt cho mình đích đến và không ép đặt cảm xúc. Thơ văn là lối rẽ, giúp cân bằng trạng thái và làm mềm tâm hồn. Điều tôi lo sợ không phải là không kịp đua trên hành trình này mà sợ tâm hồn mình khô khan và chai sạn, sợ những cảm xúc bị giả tạo và hao mòn vì cơm áo. Mỗi một tác giả có những nét riêng và tôi tin mình có phong cách riêng, không lẫn lộn.

 Xin cám ơn chị!

ĐĂNG HUỲNH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết