06/06/2010 - 20:55

ÔNG DƯƠNG VĂN BÉ HAI, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ CHỢ CỬU LONG:

Chợ Xuân Khánh sẽ mang tên chợ Tham Tướng sau khi xây mới

Hiện nay, tiểu thương chợ Xuân Khánh, ở đường 30 Tháng 4 (Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ), đang lo lắng về việc di dời chỗ buôn bán để xây dựng chợ mới. Mô hình chợ Xuân Khánh mới sẽ như thế nào, tiểu thương sẽ có quyền lợi gì? Xung quanh vấn đề này, PV báo Cần Thơ đã trao đổi với ông Dương Văn Bé Hai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư chợ Cửu Long (sau đây gọi tắt là C.ty Cửu Long), là đơn vị được UBND TP Cần Thơ cho phép quản lý, khai thác chợ Xuân Khánh. Ông Dương Văn Bé Hai cho biết:

Từ ngày 1-5-2010, Ban Quản lý chợ quận Ninh Kiều đã bàn giao chợ Xuân Khánh cho C.ty Cửu Long quản lý, mọi hoạt động kinh doanh tại chợ vẫn duy trì như trước. Tức 14 người, gồm ban quản lý chợ và nhân viên của chợ Xuân Khánh vẫn tiếp tục đảm nhiệm các phần việc đã được phân công, C.ty Cửu Long tiếp tục trả lương và thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho lực lượng này theo quy định của Luật Lao động.

Hiện nay, C.ty Cửu Long đang ráo riết thực hiện các phần việc di dời bà con tiểu thương ra khu chợ tạm để xây chợ mới. Dự kiến giữa tháng 6 - 2010 khu chợ tạm sẽ đi vào hoạt động, chợ mới dự kiến sẽ xây dựng trong vòng 5 tháng kể từ ngày khởi công.

* Hiện nay, chợ Xuân Khánh có bao nhiêu tiểu thương mua bán? Khu chợ tạm sẽ hoạt động như thế nào, thưa ông?

- Chợ Xuân Khánh có gần 300 hộ đăng ký kinh doanh, nhưng số tiểu thương buôn bán tại đây thường trên 400 người, bà con không đăng ký lô sạp, thường ngồi ở khu vực ngoài nhà lồng chợ, tập trung nhiều nhất là lòng lề đường Mậu Thân (bìa trái chợ, tính từ đường 30 Tháng 4).

Được sự thống nhất của UBND quận Ninh Kiều, khu chợ tạm sẽ nằm trên lòng đường 30 Tháng 4 - từ tiểu đảo đổ vào. Do từ khi có đường Nam Cần Thơ, đoạn đường 30 Tháng 4 từ đường Mậu Thân đến đường Trần Văn Hoài đã bớt áp lực giao thông, nên C.ty Cửu Long sẽ bố trí khu chợ tạm trong giới hạn này. Dự kiến, khu chợ tạm có diện tích 1.750m2 (175mx10m), với 405 lô sạp, kết cấu chợ là khung sắt tiền chế có mái tôn nhằm tránh mưa nắng cho bà con, có chỗ giữ xe, tất cả các hoạt động phục vụ việc buôn bán của bà con như: thu gom rác thải, giữ gìn trật tự, an toàn cháy nổ được duy trì như trước. Nói chung, khi công trình xây dựng chợ mới tiến hành thì việc quản lý khu chợ tạm sẽ được thực hiện theo tinh thần duy trì mãi lực chợ để bà con tiểu thương được yên tâm làm ăn, đảm bảo cuộc sống và cũng nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị.

* Trong thời gian buôn bán ở chợ tạm, việc vay vốn ngân hàng, đóng phí và thuế của bà con tiểu thương sẽ như thế nào?

- Theo biên bản bàn giao giữa Ban quản lý chợ Ninh Kiều và C.ty Cửu Long (vào ngày 28-4-2010) thì Ban quản lý chợ Ninh Kiều sẽ lập hồ sơ đề nghị Chi cục Thuế quận giảm chỉ tiêu pháp lệnh về nguồn thu lệ phí đã giao năm trong 2010. Theo đó, trong thời gian bà con buôn bán trong khu chợ tạm sẽ được giảm thuế. Về tiền vay ngân hàng, bà con tiểu thương chợ Xuân Khánh đã vay vốn của Ngân hàng Thương Tín thì ngân hàng có trách nhiệm thu nợ vay theo hợp đồng giữa cá nhân hộ kinh doanh và ngân hàng.

Phối cảnh mặt tiền chợ Xuân Khánh.
Ảnh: C.ty Cửu Long cung cấp.

* Xin ông cho biết chợ mới đi vào hoạt động thì bà con tiểu thương được hưởng quyền lợi gì?

- Chợ Xuân Khánh được đầu tư xây mới theo tiêu chuẩn chợ Hạng I. Việc thu phí mặt bằng được thực hiện theo tinh thần Thông tư số 97/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 16-10-2006 về “hướng dẫn thu phí và lệ phí”, trong đó, đối với chợ Hạng I mức thu cao nhất không quá 200.000 đồng/m2/tháng. Tiểu thương đã đăng ký kinh doanh ở chợ Xuân Khánh (cũ), khi chợ mới xây xong sẽ được hưởng quyền lợi về vị trí mặt bằng, đồng thời, C.ty Cửu Long sẽ giúp bà con tín chấp vay vốn ngân hàng.

* Thành phố cho C.ty Cửu Long đầu tư, khai thác chợ Xuân Khánh ra sao?

- Thành phố giao cho C.ty Cửu Long được đầu tư khai thác chợ Xuân Khánh trong vòng 20 năm (kể từ tháng 4-2010). Phương thức kinh doanh của C.ty Cửu Long là lấy chợ nuôi chợ. Trên cơ sở kinh nghiệm góp vốn đầu tư khai thác các chợ Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), chợ An Bình và chợ An Hòa (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), C.ty sẽ khai thác chợ Xuân Khánh theo hướng vừa giải quyết tình trạng quá tải về cơ sở vật chất của chợ hiện nay, vừa phát huy lợi thế vị trí kinh doanh để tăng thu nhập cho bà con kinh doanh tại chợ. Việc đầu tư phân làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1, chợ được xây dựng trên mặt bằng hiện hữu rộng gần 2.000m2, vốn xây dựng khoảng 20 tỉ đồng. Giai đoạn 2, mặt bằng chợ được mở rộng thêm hơn 1.000m2 theo hướng lùi về phía sau.

* Xin ông cho biết chợ Xuân Khánh mới được xây dựng như thế nào?

- Chợ Xuân Khánh mới được xây dựng một trệt, một lầu theo mô hình chợ Đầm, ở Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Không gian giữa tầng lầu và tầng trệt liên thông nhau qua phần giếng trời ở giữa, tức phần lầu được xây bao quanh. Dân mình có xu hướng thích vào siêu thị để mua hàng tiêu dùng, nhưng việc mua thức ăn hằng ngày thì bà con vẫn chuộng chợ truyền thống. Mô hình này, C.ty Cửu Long đã nghiên cứu nhằm kết hợp hài hòa giữa mô hình chợ truyền thống và siêu thị hiện đại, nhằm phát huy mãi lực vốn có của chợ Xuân Khánh.

Khu chợ mới sẽ đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho hơn 400 hộ kinh doanh, mỗi lô sạp có diện tích 1,5m x 1,5m, diện tích này tuy được mở rộng nhưng không nhiều so với chợ cũ (diện tích lô sạp của chợ Xuân Khánh cũ là 1,25m x 1,25m), do dành mặt bằng cho các lối đi để chợ đạt tiêu chuẩn thông thoáng, vệ sinh môi trường và an toàn về phòng cháy chữa cháy.

* Vấn đề mở rộng mặt bằng để giải quyết tình trạng quá tải của chợ, C.ty Cửu Long sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Theo Quyết định số 932/QĐ-UBND do ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ký ngày 1-4-2010 thì thành phố chấp thuận cho C.ty Cửu Long khai thác trên 3.400m2 đất để xây dựng chợ Xuân Khánh. Trong đó, có trên 1.000m2 đất là phần do thành phố quy hoạch bồi hoàn. Hiện tại, vị trí này còn 14 hộ, khi nào thành phố giao phần đất này cho C.ty Cửu Long thì công ty sẽ đầu tư mở rộng các công năng vừa tương thích với mãi lực của chợ vừa đáp ứng tiêu chí của ngôi chợ truyền thống Hạng I.

Cần nói thêm, C.ty Cửu Long đang hoàn tất các thủ tục đề nghị thành phố lấy tên chợ Tham Tướng như trước đây. Việc chợ lấy tên Tham Tướng là hàm ý tự hào về truyền thống dân tộc.

* Xin cảm ơn ông!

M.NGUYỆT (thực hiện)

Phối cảnh mặt tiền chợ Xuân Khánh. Ảnh: C.ty Cửu Long cung cấp.

Chia sẻ bài viết