11/11/2008 - 21:45

Nguồn nhân lực y tế ĐBSCL

Chờ những quyết sách mạnh mẽ hơn

Nhân lực y tế là nguồn lực quan trọng nhất trong công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, ở ĐBSCL, nguồn nhân lực y tế đang thiếu hụt và mất cân đối. Tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ đại học trên 10.000 dân còn thấp, bác sĩ có trình độ sau đại học không nhiều, đội ngũ kỹ thuật viên y học thiếu… Tại Hội nghị đào tạo nguồn nhân lực y tế ĐBSCL, do Bộ Y tế tổ chức tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ vào ngày 8-11 vừa qua, các đại biểu đều cho rằng nâng cao năng lực đào tạo của các trường y, dược là giải pháp khả thi để giải quyết tình trạng này.

Thiếu hụt, bức xúc

Theo đánh giá của các đại biểu, nguồn nhân lực y tế của ĐBSCL đang thiếu hụt trầm trọng, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Toàn vùng có khoảng 18 triệu dân, trung bình 10.000 dân có 4,81 bác sĩ, 0,21 dược sĩ đại học, 0,16 cử nhân điều dưỡng và 0,12 cử nhân kỹ thuật y học. So với các vùng, miền khác, tỷ lệ này khá thấp. Chẳng hạn, miền Trung Tây nguyên có 5,2 bác sĩ/ 10.000 dân; 0,98 dược sĩ/ 10.000 dân. Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ hiện nay của các tỉnh, thành ĐBSCL còn quá thấp, thấp hơn tỷ lệ bình quân của cả nước vào năm 2003.

 Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Ảnh: B.NG

Không chỉ thiếu về số lượng mà trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực y tế ĐBSCL cũng không cao. Tỷ lệ bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II rất thấp. Chỉ có 27,94% bác sĩ có trình độ chuyên khoa I; 1,15% bác sĩ có trình độ chuyên khoa II. Một số tỉnh như Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long chỉ có 1- 2 bác sĩ chuyên khoa II. Theo nghiên cứu “Tình hình nhân lực y tế vùng ĐBSCL: Thực trạng và giải pháp” của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Văn Lình, 13 tỉnh, thành ĐBSCL có 104 quận, huyện và 1.554 xã, phường. Dược sĩ đại học làm việc ở tuyến huyện là 85 người; như vậy, còn khoảng 20 huyện chưa có dược sĩ đại học. Ở tuyến xã, hiện đang có 1.260 bác sĩ; nếu tính mỗi xã có 1 bác sĩ thì đã có 80% xã, phường có bác sĩ- đạt tiêu chuẩn theo Quyết định 153 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Qui hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”. Tuy nhiên, giữa các địa phương, tỷ lệ bác sĩ làm việc ở tuyến xã không đều. Chẳng hạn, ở tỉnh Hậu Giang có 69 xã, phường nhưng chỉ có 20 bác sĩ làm việc tại xã.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, đánh giá: “Nguồn nhân lực y tế ĐBSCL đang rơi vào tình trạng bức bách. Số lượng y bác sĩ thiếu nên chưa đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân ở tuyến cơ sở, vùng sâu, vùng xa. Đội ngũ cán bộ y tế chuyên sâu ít nên không phát huy được hiệu quả của các trang thiết bị hiện đại, vừa lãng phí vừa gây thiệt thòi cho người dân”.

Đào tạo đã khó, tuyển dụng càng khó hơn

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực y tế ĐBSCL vừa thiếu, vừa yếu. Trong đó, nguyên nhân chế độ, chính sách được nhiều người đề cập đến. Bà Sơn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng, nên sinh viên y khoa người địa phương sau khi tốt nghiệp không muốn về công tác ở tỉnh nhà dù tỉnh đã tạo mọi điều kiện”. Theo thống kê của tỉnh Trà Vinh, trong năm 2008, tỉnh có 20 sinh viên tốt nghiệp các trường đào tạo y, dược nhưng chỉ có 1 người về công tác tại tỉnh.

Chẳng những không thu hút được người của địa phương về mà các tỉnh còn gặp phải tình trạng y, bác sĩ đang công tác, có chuyên môn khá lại muốn chuyển đi nơi khác. Ông Trần Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, bức xúc: “Sức hút từ các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh quá lớn nên năm vừa qua có gần 20 bác sĩ có kinh nghiệm của tỉnh đã chuyển về thành phố. Trong khi sức hút của các cơ sở y tế tư nhân cứ ngày một mạnh lên, thì địa phương lại chưa có chính sách thỏa đáng để giữ chân người giỏi”.

Thực hiện Quyết định 153 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2009 đến năm 2013, nhu cầu nguồn nhân lực y tế của ĐBSCL rất lớn. Về lý thuyết, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ có thể đáp ứng được nhu cầu này nếu có đủ nguồn, đồng thời được Bộ Y tế cho phép mở thêm một số ngành đào tạo ở bậc đại học và sau đại học. Theo thống kê của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, tuyển sinh hệ cử tuyển thường không đủ chỉ tiêu của Bộ Y tế giao. Chẳng hạn, năm 2007, Bộ giao chỉ tiêu 60 sinh viên nhưng trường chỉ tuyển được 41 sinh viên; năm 2008 trường chỉ tuyển được 55 sinh viên trong khi chỉ tiêu Bộ giao là 90 sinh viên. Ngoài ra, việc lựa chọn cán bộ y tế đưa đi học bác sĩ đa khoa hệ 4 năm cũng rất khó khăn do yêu cầu về điều kiện dự thi và thi tuyển đầu vào khá cao. Một số người có đủ năng lực theo học thì lại e ngại sau khi đi học về, không giữ được chỗ làm cũ.

Toàn vùng ĐBSCL hiện có:

- 5.282 bác sĩ có trình độ đại học; 2.162 bác sĩ chuyên khoa I; 89 bác sĩ chuyên khoa II; 190 thạc sĩ và 14 tiến sĩ y khoa.
- 368 dược sĩ đại học và 76 dược sĩ có trình độ sau đại học.
- 164/ 8.235 điều dưỡng có trình độ cử nhân.
- 172/ 1.142 kỹ thuật viên y học có trình độ cử nhân.
 Theo Quyết định 153 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2009 đến năm 2013, các tỉnh, thành ĐBSCL cần :
- 1.481 bác sĩ chuyên khoa I; 642 bác sĩ chuyên khoa II; 2.026 bác sĩ hệ chính qui, 1.972 bác sĩ đa khoa hệ 4 năm.
- 731 dược sĩ đại học, 939 dược sĩ hệ 4 năm.
- 1.740 cử nhân điều dưỡng, cử nhân y tế công cộng và kỹ thuật y học.

Có thể khẳng định, số lượng bác sĩ tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh về các tỉnh, thành ĐBSCL công tác là không nhiều, mà chủ yếu là từ Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Tuy nhiên, nói đến vấn đề tăng qui mô, mở rộng ngành đào tạo, trên thực tế, vẫn còn không ít nỗi lo khi hiện nay, cơ sở vật chất của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ vẫn đang trong quá trình xây dựng. Đội ngũ cán bộ giảng dạy của trường cũng chỉ mới có 13 tiến sĩ, 8 chuyên khoa cấp II.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Mặc dù rất trăn trở về sự phát triển nguồn nhân lực y tế ĐBSCL, nhưng khi giao chỉ tiêu tuyển sinh hay cho phép mở ngành học mới, Bộ cũng phải cân nhắc đến điều kiện đào tạo của trường để đảm bảo chất lượng”. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế đã trình Chính phủ chính sách hỗ trợ cho cán bộ y tế và có nguồn kinh phí riêng để nhanh chóng xây dựng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ... Vấn đề phát triển nguồn nhân lực y tế ĐBSCL đang chờ đợi những quyết sách mạnh mẽ để tháo gỡ vướng mắc.

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết