22/11/2017 - 10:00

Vụ lúa đông xuân 2017-2018

Chọn giống sản xuất theo thị trường 

Hiện nay ở ĐBSCL vụ lúa thu đông thu hoạch cuối vụ. Nguồn cung lúa gạo hàng hóa giảm trong khi nhu cầu thị trường đang tăng. Hơn nữa, tình hình mưa bão miền Bắc, miền Trung làm thất mùa ở một số địa phương. Do đó càng thôi thúc nông dân trong vùng gấp rút sản xuất vụ đông xuân. Tuy nhiên, xu hướng thị trường tiêu thụ lúa gạo sắp tới sẽ như thế nào, chọn các giống lúa nào đáp ứng đang được các địa phương quan tâm.

Cân đối nguồn cung

Từ cuối tháng 10-2017 đến nay giá cả lúa gạo ở ĐBSCL có xu hướng tăng lên, do tác động từ thị trường xuất khẩu hút hàng. Một số doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu (XK) gạo cần mua lúa nhưng thiếu nguồn cung. Từ đó nông dân một số địa phương có tâm lý nôn nóng muốn vào vụ gieo sạ lúa đông xuân sớm.

Chọn giống, gieo mạ chuẩn bị vào vụ lúa đông xuân. Ảnh: HỮU ĐỨC

Tuy nhiên Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tình hình XK gạo từ đầu năm đến cuối tháng 9 đạt hơn 4,3 triệu tấn/5,6 triệu tấn đã có hợp đồng. Hiện nay lượng gạo còn tồn kho trong các doanh nghiệp là 978.000 tấn. Như vậy tính cả lượng gạo tồn kho và lượng gạo hàng hóa còn lại trong các tháng cuối năm khoảng 1 triệu tấn sẽ xấp xỉ 2 triệu tấn, ước sẽ đảm bảo đủ cho hợp đồng XK 5,6 triệu tấn. Do đó sẽ không thiếu gạo, thiếu lúa. Giá lúa sẽ khó tăng đột biến. Về phía Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân cần tuân thủ theo lịch thời vụ xuống giống vụ đông xuân của địa phương để tránh rầy nâu và sâu bệnh tấn công.

Mặt khác để chuẩn bị sản xuất đảm bảo vụ lúa đông xuân trúng mùa thắng lợi cần quan tâm chú trọng nguồn nước phục vụ sản xuất. Qua theo dõi diễn biến thời tiết dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, khả năng khô hạn bất thường do thời tiết khí hậu là ít xảy ra hơn vào mùa khô 2018.  Xu thế ảnh hưởng thủy triều gia tăng vào các tháng cuối năm 2017. Triều cường còn xuất hiện ở các tháng 1, tháng 2-2018. Do ảnh hưởng triều cường và dòng chảy có thể thấp đầu mùa khô có thể làm mặn gia tăng sớm, cần chủ động các giải pháp quản lý nước.

Chọn giống lúa

Sóc Trăng là một trong những tỉnh sản xuất lúa có xu hướng chuyển dịch mạnh trong việc chọn giống lúa thơm đặc sản để gia tăng giá trị. Ông Huỳnh Ngọc Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, cho biết: Trong năm 2017 Sóc Trăng có diện tích gieo trồng lúa 350.000ha, sản lượng đạt trên 2,1 triệu tấn. Nhưng xu hướng cho thấy thay vì chọn giống lúa cao sản chạy theo năng suất cao như trước đây, hiện nay nông dân nhắm vào chọn giống lúa thơm đặc sản để nâng cao giá trị, bán giá cao hơn. Biểu giá trong năm, lúa thường 4.800-5.000 đồng/kg; lúa cao sản chất lượng cao 5.300-5.500 đồng/kg; lúa thơm đặc sản 5.500-6.000 đồng/kg. Nông dân trồng  lúa thường lãi trên 30%, nhưng trồng lúa đặc sản lãi đạt 50%. 

Ông Vũ Quang Cảnh, Phó Trưởng Phòng Nông sản thực phẩm - Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), nhận định: Năm 2017 nông dân làm lúa được mùa, trúng giá. Nhìn chung các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam kinh doanh phần nào có hiệu quả. Để tăng sức cạnh tranh gạo Việt trên thị trường, vấn đề đặt ra về cơ cấu giống sản xuất sắp tới sẽ như thế nào? Theo ông Cảnh, trong thời gian qua gạo nếp chiếm tỷ trọng 22%; gạo thơm, gạo đặc sản chiếm 28%. Về nhu cầu thị trường sắp tới đứng đầu là lúa đặc sản, kế đến lúa thơm, lúa chất lượng cao và lúa thông dụng. Lúa thông dụng phát triển khi có thị trường tập trung như IR50404. Vì vậy các địa phương cần quan tâm chú trọng sản xuất các loại gạo thơm, đặc biệt chú trọng gạo đặc sản.

HỮU ĐỨC

Theo Cục Trồng trọt, kế hoạch vụ đông xuân 2017-2018 toàn vùng ĐBSCL gieo sạ 1.536.000ha, giảm 3.545ha; năng suất dự kiến 65,15 tấn/ha, tăng 2,69 tạ/ha và sản lượng trên 10 triệu tấn, tăng hơn 390.000 tấn so với vụ đông xuân 2016-2017.

Đề xuất của Cục Trồng trọt, cơ cấu giống lúa vụ đông xuân 2017- 2018:

+ Nhóm giống lúa chính, chủ lực: OM5451, OM6976, OM4900, OM7347, OM4218, IR50404... Nhóm giống lúa nếp và thơm đặc sản: Jasmine 85, VD20, ST5, RVT, Nàng Hoa 9, nếp IR4625, nếp Bè... Nhóm giống chất lượng trung bình có thể duy trì với tỷ lệ 15 % trong cơ cấu giống.

+ Về cơ cấu giống lúa cho các tiểu vùng sinh thái ở ĐBSCL, vùng Tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên ưu tiên sử dụng các giống lúa có khả năng thâm canh cao, chất lượng khá-tốt: OM 4900, OM 7347, OM 6976, OM 4218, OM 5451, Jasmine 85... Vùng Đồng Tháp Mười ưu tiên áp dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình – khá: IR 50404, VD 20, OM 6976, OM 4218, OM 4900, OM 5451...; Vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu ưu tiên sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao: Jasmine 85, OM 4900, OM 6976, OM 4218, OM 5451...; Vùng ven biển Nam bộ ưu tiên áp dụng giống ngắn ngày, chịu được điều kiện khó khăn:  OM 4900, OM 6976, OM 5451, OM 6162, IR 50404...

Chia sẻ bài viết