22/11/2017 - 10:10

Chỗ đứng của Trung Quốc ở Zimbabwe thời “hậu Mugabe” 

Giữa lúc Zimbabwe đang trải qua cuộc chuyển giao quyền lực đầu tiên kể từ khi giành độc lập năm 1980, Trung Quốc được cho sẽ hưởng lợi lớn. Thực ra, dưới thời Tổng thống Robert Mugabe, Bắc Kinh đã là một trong những nhà đầu tư, đối tác thương mại và đồng minh ngoại giao lớn nhất của Zimbabwe. Nhưng theo nhận định từ chuyên gia Derek Matyszak của Viện Nghiên cứu An ninh (ISS - trụ sở ở Harare, Zimbabwe), việc cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa  được chọn lên thay thế vị trí lãnh đạo của ông Mugabe trong đảng cầm quyền  ZANU-PF có thể giúp quan hệ Harare-Bắc Kinh phát triển hơn nữa. Điển hình ở các lĩnh vực sau:

Vốn đầu tư vào nền kinh tế

Lâu nay, việc thiếu một người kế nhiệm rõ ràng cho vị Tổng thống 93 tuổi cũng như kế hoạch quốc hữu hóa ngành công nghiệp đã góp phần gây nên bất ổn chính trị và làm các nhà đầu tư nước ngoài hoảng sợ. Theo một báo cáo mới đây của Liên Hiệp Quốc, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Zimbabwe đã giảm 1/4 xuống còn 319 triệu USD hồi năm 2016 và đây là năm thứ hai liên tiếp con số này sụt giảm.

Trong khi đó theo giới phân tích, nguyên nhân chính khiến Phó Tổng thống Mnangagwa “được lòng” phía Trung Quốc là vì ông thân thiện với các nhà đầu tư hơn Tổng thống Mugabe. Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi năm 2015, ông Mnangagwa từng phát biểu: “Dĩ nhiên, chúng tôi phải biết rằng tiền đầu tư chỉ có thể đến nơi nó sinh lợi. Vì thế, chúng tôi phải chắc chắn tạo ra một môi trường mà các nhà đầu tư vui vẻ khi bỏ tiền vào bởi nó sẽ sinh lợi”.

Học viên tại Đại học Quốc phòng ở Thủ đô Harare do Trung Quốc xây dựng.

Các thỏa thuận kim cương

Được biết, quan hệ giữa Bắc Kinh và Tổng thống Mugabe trở nên hục hặc trong một năm rưỡi qua. Một trong những nguyên nhân là vì ông Mugabe quốc hữu hóa các mỏ kim cương trong nước. Trong khi trước đó, hai công ty Trung Quốc là Anjin Investments và Jinan Mining đã bắt tay với quân đội Zimbabwe trở thành 2 doanh nghiệp lớn tại vùng kim cương Marange ở phía Đông quốc gia châu Phi này. 

Theo chuyên gia Matyszak, ông Mnangagwa có thể đảo ngược quyết định quốc hữu hóa các mỏ kim cương, tranh thủ được sự ủng hộ từ cả quân đội và Trung Quốc.

Liên kết quân sự

Các mối liên kết quân sự giữa Zimbabwe và Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1960, thời điểm Bắc Kinh giúp đào tạo và tiếp tế cho các du kích quân thuộc ZANU-PF trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Bản thân ông Mnangagwa cũng từng được huấn luyện quân sự ở Trung Quốc vào năm 1963.

Ngày nay, Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí quân dụng hạng nặng quan trọng cho Zimbabwe. Các thương vụ lớn trong những năm gần đây bao gồm một hệ thống radar, máy bay phản lực huấn luyện và máy bay chiến đấu, các xe quân sự và súng trường tấn công AK-47.

Ngoài ra, một công ty Trung Quốc đã giúp xây dựng Đại học Quốc phòng ở Thủ đô Harare vào năm 2014 từ khoản vay không lãi trị giá 98 triệu USD. Đây cũng là ngôi trường quân sự lớn nhất tại Zimbabwe, phục vụ việc đào tạo cho các binh sĩ, đặc vụ tình báo và cảnh sát trong nước lẫn lực lượng đến từ các nước Nam Phi khác.

Điều đáng lưu ý là không biết có phải ngẫu nhiên hay không mà Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Zimbabwe Constantino Chiwenga đã có chuyến thăm Bắc Kinh hồi đầu tháng 11 trước khi phát động binh biến và giam lỏng vợ chồng Tổng thống Mugabe vì ông này sa thải Phó Tổng thống Mnangagwa. Được biết Phó Tổng thống Mnangagwa và Tướng Chiwenga là đồng minh của nhau.

ĐÔNG PHONG (Theo AP)

Chia sẻ bài viết